Làm gì để hàng Việt tiếp tục được tin dùng?
(Tài chính) Hiện nay, hàng hóa sản xuất trong nước được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn khi mua sắm. Nhưng để hàng Việt được sử dụng rộng rãi hơn nữa, thì hàng hóa đó phải không ngừng nâng cao sức cạnh tranh về chất lượng và giá bán, xứng đáng nhận được sự tin yêu của người tiêu dùng.
Hiện nay, tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giày có tới 80% người tiêu dùng ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng... Trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hóa sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90%. Tại hệ thống các điểm bình ổn thị trường (trên 9.000 điểm) có gần 90% là hàng sản xuất trong nước. Theo thống kê của Bộ Công thương, sau 5 năm thực hiện cuộc vận động, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm đầu vào, nguyên liệu cũng như thiết bị máy móc của các doanh nghiệp tăng bình quân 25%. Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước. Nhiều doanh nghiệp đã ý thức được việc đầu tư sản xuất phục vụ thị trường trong nước là đầu tư có hiệu quả và cần được thực hiện một cách bài bản, lâu dài.
Thời gian qua, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn còn thiếu tính bền vững, chưa tạo lập được kênh phân phối vững chắc tại địa bàn này. Nhiều doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, đặc biệt là kỹ năng chăm sóc khách hàng, kinh nghiệm thực hiện xúc tiến thương mại nên hiệu quả trong hoạt động xúc tiến thương mại chưa cao. Vẫn còn một số doanh nghiệp lợi dụng khuyến mại để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn, hàng cũ, hàng nhái, sắp hết hạn sử dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của người tiêu dùng, từ đó làm giảm ý nghĩa thiết thực của Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan, để người Việt thực sự tin yêu hàng Việt, trách nhiệm rất lớn thuộc về doanh nghiệp. Các nhà sản xuất cần đưa ra được các sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường, chia sẻ với người tiêu dùng những khó khăn hiện nay để có mức giá thích hợp nhất. Và hai mục tiêu quan trọng cần tiếp tục giữ vững trong quá trình triển khai Cuộc vận động, gồm: không ngừng nâng cao sức cạnh tranh về chất lượng và giá bán của hàng Việt; tạo lập kênh phân phối rộng khắp, vững chắc nhất là tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.