Làm gì để nâng cao năng suất lao động và đóng góp TFP đối với tăng trưởng kinh tế?
Những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng tăng trưởng sau chặng đường 35 năm đổi mới đã góp phần nâng cao tiềm lực kinh tế và vị thế quốc tế của Việt Nam.
Nhìn lại năng suất lao động giai đoạn 2011-2020
Một cách tổng quát, sau 35 năm đổi mới và triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, các chỉ tiêu về năng suất lao động (NSLĐ) và TFP (là chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động nhờ vào tác động của nhân tố đổi mới công nghệ, hợp lý hoá sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động) của Việt Nam đã ghi nhận những kết quả đáng khích lệ cả về giá trị và tốc độ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế khi so sánh với khu vực và quốc tế, thách thức khát vọng phát triển bền vững dài hạn.
Thứ nhất, NSLĐ có sự cải thiện tích cực, đạt mục tiêu kế hoạch 10 năm 2011-2020 song NSLĐ tuyệt đối vẫn còn thấp so với nhiều nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương: NSLĐ toàn nền kinh tế theo giá thực tế năm 2020 đạt 117,9 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 5.081 USD/lao động), gấp 2,1 lần năm 2011. Theo giá so sánh năm 2010, NSLĐ năm 2020 ước đạt 70,45 triệu đồng, tăng 54,7% so với năm 2011. Về tốc độ tăng NSLĐ, theo Tổng cục Thống kê (TCTK), tốc độ tăng NSLĐ Việt Nam bình quân 10 năm 2011-2020 đạt 5,11%, đạt mục tiêu đề ra 5%.
So sánh quốc tế, tốc độ tăng NSLĐ tổng thể của Việt Nam (theo PPP 2020 - The Conference Board (tháng 4/2021) trung bình cả giai đoạn 2011-2020 đạt 5,7%, cao hơn so với mức bình quân ASEAN, nhưng thấp hơn Trung Quốc (6,7%/năm) và Bangladesh (5,83%/năm). Về giá trị, khoảng cách về NSLĐ tuyệt đối đang dần được thu hẹp, NSLĐ Việt Nam cao hơn Bangladesh và Cambodia, Indonesia; đang dần bắt kịp Philippines; chỉ còn thấp hơn 3,8 đến 7,5 lần (năm 2017 là 6,7-14 lần) NSLĐ của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng kong và Singapore.
Xét trên góc độ ngành, ngành dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng NSLĐ cao nhất (trung bình 5,5%/năm), ngành công nghiệp - xây dựng đạt tốc độ tăng NSLĐ trung bình 4,41%/năm và nông nghiệp đạt 3,7%/năm. So với quốc tế, NSLĐ các ngành của Việt Nam có khoảng cách xa so với các nước phát triển và khu vực: NSLĐ công nghiệp Nhật Bản cao gấp 39 lần Việt Nam; Singapore cao gấp 26 lần; Hàn Quốc cao gấp 16 lần và Malaysia cao gấp 6,5 lần; Thái Lan và Phillipines cao gấp 1,5 lần (năm 2017). NSLĐ nông nghiệp của Việt Nam năm 2017 chỉ tương đương 1% của Singapore, bằng 1-4% của Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước OECD (World Bank, Viện kinh tế Việt Nam, 2020).
Thứ hai, đóng góp TFP vào tăng trưởng cao hơn so với mục tiêu đề ra song vẫn thấp so với quốc tế: Tốc độ tăng TFP trung bình 11%/năm trong giai đoạn 2011-2020, cao hơn so với lao động và vốn. Nhờ tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp của TFP vào tăng trưởng đạt 48,95% năm 2020, gấp 2,3 lần mức đóng góp năm 2011; bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt 39,3% cao hơn mục tiêu đề ra (30-35%). Tuy nhiên, theo WB, OECD đóng góp của TFP vào tăng trưởng của Việt Nam vẫn còn khá xa so với các nước khu vực Châu Á - TBD trong giai đoạn tăng tốc phát triển như Nhật Bản 129,6%, Hàn Quốc 64,9%, Trung Quốc 52,6%, Thái Lan 53%.
Thách thức chính đối với NSLĐ và TFP
Theo đánh giá của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), sau giai đoạn chững lại (1996-2012), NSLĐ và TFP Việt Nam đã và đang tăng tốc từ năm 2013 đến nay nhưng còn thiếu ổn định và chưa đáp ứng yêu cầu tăng NSLĐ cao của một quốc gia công nghiệp hóa để bắt kịp các nước trong khu vực.
Những thách thức lớn đối với NSLĐ và TFP Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2025 là:
Thứ nhất, xu hướng tăng trưởng chậm lại của NSLĐ và TFP toàn cầu bất chấp những tiến bộ khoa học công nghệ. Theo World Bank và The Confrence Board, đà chững lại của NSLĐ và TFP toàn cầu, là do 3 tác động chính: (i) Việc đo lường chưa đầy đủ và chính xác đóng góp của CNTT-TT và các nền tảng, sản phẩm dịch vụ số vào tăng trưởng NSLĐ và TFP (đặc biệt ở góc độ doanh nghiệp); (ii) Sự mở rộng hơn về phương pháp đo lường và tính toán NSLĐ và TFP trong đó nhiều yếu tố mới quan trọng song rất khó đo lường: sức mạnh thị trường,chất lượng lao động (lao động có kỹ năng), năng lực quản lý, tinh thần kinh doanh, tài sản vô hình...; (iii) Việc ứng dụng công nghệ mới khiến chi phí tăng (chi phí đầu tư ban đầu, tài sản vô hình tăng) dẫn đến năng suất giảm trong khi thời gian phát huy tác động của nhiều loại công nghệ có thể lên tới 1-2 thập kỷ.
Đây là thách thức lớn đối với mục tiêu tăng trưởng NSLĐ và TFP cao hơn của nhóm nước đang phát triển mới nổi (trong đó có Việt Nam) nhằm tránh bẫy thu nhập trung bình, thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển. Dự báo tốc độ tăng trưởng NSLĐ của các nước mới nổi chỉ ở mức 3% (chỉ bằng 50-60% mức tăng trưởng của giai đoạn trước khủng hoảng 2008-2009).
Thứ hai, NSLĐ của ngành chế biến chế tạo chưa tạo được dấu ấn vượt trội. Tốc độ tăng trưởng NSLĐ ngành công nghiệp chế biến chế tạo - ngành cốt lõi của công nghiệp hóa mặc dù đóng góp khá lớn vào NSLĐ tổng thể song tốc độ tăng NSLĐ lại chưa thực sự cao vượt trội so với nhiều ngành kinh tế khác (trung bình chỉ tăng 6,5% giai đoạn 2011-2019). Ngành dịch vụ và thương mại (đặc biệt là bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thông tin và truyền thông) đã có chuyển biến về tốc độ tăng NSLĐ và hấp thụ nhiều lao động, bù đắp sự sụt giảm đóng góp của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, đây lại là ngành chịu ảnh hưởng nặng của đại dịch Covid-19.
Một số giải pháp
Để có thể khắc phục hạn chế, đưa nền kinh tế vượt qua thách thức của bẫy thu nhập trung bình, tạo đột phá về NSLĐ và TFP, cần tập trung vào 4 nhóm giải pháp trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình hành động về tăng NSLĐ và TFP ở Việt Nam. Cần sớm ban hành “Chương trình hành động tổng thể về nâng cao năng suất quốc gia ở cả cấp độ vĩ mô và vi mô (ngành, doanh nghiệp) trên cơ sở triển khai Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030”; Áp dụng kinh nghiệm các nước trong khu vực và thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore trong cải thiện NSLĐ như:
Thành lập Ủy ban năng suất quốc gia; khởi tạo chiến dịch thay đổi tư duy về tăng năng suất; công bố báo cáo năng suất hàng năm; thiết lập khẩu hiệu, logo và linh vật năng suất; các chương trình truyền hình về các doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu trong cải thiện năng suất; thiết lập “tháng năng suất”…
Thứ hai, tạo đột phá về NSLĐ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ theo cả chiều rộng và chiều sâu. Về chiều rộng, lựa chọn một số ngành công nghiệp có quy mô lớn và đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế để tập trung cải thiện năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng như các ngành công nghiệp nhẹ dệt may, da giày, ngành công nghiệp thực phẩm... chú trọng chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành công nghiệp từ sản xuất dựa vào lao động sang dựa vào công nghệ và từ sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng thấp sang hàng hóa có giá trị gia tăng cao hơn. Về chiều sâu, từng bước tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị trong lĩnh vực công nghiệp nặng như lắp ráp, chế biến, hóa chất và các sản phẩm hóa chất,cơ khí...; phát triển một số ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như sản phẩm phần mềm IT, sản phẩm điện tử, dịch vụ tài chính, tài chính số, vận tải kho bãi, logistics…
Thứ ba, phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là điều kiện tiên quyết để bắt kịp với những bước tiến của CMCN 4.0; tạo NSLĐ cao hơn đồng thời là nền tảng để đưa Việt Nam sớm ra khỏi bẫy thu nhập trung bình và cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Cần tăng cường cơ chế phối hợp công tư (PPP) trong đầu tư cho KHCN; phối hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu và sản xuất; giữa các trường Đại học, Viện nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu với các DN để thương mại hóa kết quả nghiên cứu; Xây dựng cơ chế hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp có hoạt động đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho phát triển công nghệ, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng…. Thành lập ủy ban tư vấn kỹ thuật bao gồm các chuyên gia công nghiệp, nhà quản lý và đại diện DN của Việt Nam để hỗ trợ về mặt thể chế, thu hút FDI, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tranh thủ các nguồn vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý từ bên ngoài để nâng cao NSLĐ và sức cạnh tranh.
Thứ tư, doanh nghiệp Việt phát huy vai trò là trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ, nâng cao NSLĐ và TFP. Cần xây dựng bộ chỉ tiêu đo lường năng suất của DN tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế trên cơ sở hỗ trợ, tư vấn của Tổ chức năng suất châu Á (APO), Viện năng suất Việt Nam và các chuyên gia năng suất quốc tế và Việt Nam. Nghiên cứu/áp dụng thử nghiệm các công cụ quản lý năng suất hiện đại trên thế giới như Quản trị tinh gọn là tư duy và các phương pháp quản trị tiên tiến đã, đang được áp dụng phổ biến và thành công ở nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, cần học tập kinh nghiệm của các DN Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore trong chuẩn bị nhân sự và phương tiện để hấp thụ công nghệ, đặc biệt là các ngành “mũi nhọn, nhiều tiềm năng” như công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp xanh, du lịch, CNTT.