Làm gì để tăng năng suất lao động trong bối cảnh chuyển đổi số?
Trong bối cảnh những động lực tăng trưởng hiện có đang dần cạn kiệt và thiếu hiệu quả, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội để cải thiện năng suất lao động tổng thể nền kinh tế.
Việt Nam đã đạt được những bước tiến nhất định trong quá trình cải thiện năng suất lao động (NSLĐ), nâng cao năng lực và giá trị nội tại của nền kinh tế. Mặc dù, NSLĐ tổng thể tăng đều qua các năm, nhưng nhìn chung, mức NSLĐ của toàn nền kinh tế còn thấp, khoảng cách tuyệt đối về NSLĐ giữa Việt Nam và các nước trong khu vực châu Á còn lớn.
Theo đánh giá của Viện Năng suất châu Á, NSLĐ của Việt Nam đang đi sau 60 năm so với Nhật Bản, 40 năm so với Malaysia, 10 năm so với Thái Lan. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam phải có những nỗ lực vượt bậc, cũng như những chương trình hành động thiết thực nhằm tăng NSLĐ.
Chuyển đổi số - động lực mới cho cải thiện năng suất lao động tổng thể nền kinh tế
Trong bối cảnh NSLĐ còn thấp, các động lực trước đây để duy trì mức tăng năng suất dần cạn kiệt và thiếu hiệu quả, kinh tế số (KTS) sẽ là một động lực mới cho cải thiện NSLĐ trong giai đoạn tới, cụ thể:
Thứ nhất, thúc đẩy NSLĐ ở khu vực công nghiệp chế tạo, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ: Sự lan toả của công nghệ số đã kéo theo sự gắn kết ngày càng chặt chẽ của các nền kinh tế thông qua thương mại quốc tế. Nhiều quốc gia đang phát triển đã và đang trở thành những thành viên quan trọng của thị trường quốc tế. Sản xuất công nghiệp ngày càng có tính tích hợp cao, dẫn đến hình thành chuỗi giá trị sản phẩm công nghiệp ở cấp độ toàn cầu.
Dự kiến năm 2021, số lượng robot công nghiệp trên toàn cầu lên đến 600 nghìn đơn vị. Sự gia tăng của sản phẩm công nghệ thông tin, robốt công nghiệp và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đã tác động mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến sự biến mất của một số nhóm công việc thủ công, cũng như làm sụt giảm số lượng việc làm ở những ngành nghề nhất định, từ may mặc giản đơn cho đến những ngành chế tạo thiết bị điện phức tạp (OECD, 2017).
Báo cáo cạnh tranh công nghiệp của UNIDO (2020) cho thấy, giá trị xuất khẩu sản phẩm chế tạo tính trên mỗi đồng vốn của Việt Nam liên tục được cải thiện trong 5 năm trở lại đây, đi cùng với đó là sự cải thiện đáng kể về thứ hạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh công nghiệp.
Giá trị của xuất khẩu sản phẩm chế tạo tăng từ mức 1.308,34 USD năm 2015 lên mức 2.414,8 USD năm 2020. Giá trị gia tăng của công nghiệp chế tạo tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm, từ 260,89 USD năm 2015 lên mức 441,6 USD năm 2020. Như vậy, sản xuất chế tạo là lĩnh vực đóng vai trò then chốt trong thúc đẩy NSLĐ trung bình của Việt Nam trong thập kỷ tới.
Thứ hai, tạo diện mạo mới cho NSLĐ ngành Nông nghiệp: Nông nghiệp là ngành kinh tế trụ cột của Việt Nam, ngoài những đóng góp vào GDP, còn có vai trò trọng yếu trong bảo đảm an ninh lượng thực, an sinh xã hội và mục tiêu phát triển bền vững nền kinh tế. Tuy nhiên, NSLĐ của ngành Nông nghiệp hiện nay còn thấp.
Trong khu vực ASEAN, NSLĐ ngành Nông nghiệp của Việt Nam thấp hơn Malaysia gần 12 lần, Thái Lan 2,1 lần và Philipines là 1,8 lần. Đoàn Hương Quỳnh và Trần Thanh Thu (2020) qua thống kê chỉ tiêu năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) của ngành Nông nghiệp Việt Nam và các quốc gia khác khu vực ASEAN cho thấy, sự thay đổi về kỹ thuật đóng góp 30% vào sự gia tăng TFP giai đoạn 2011-2015. Điều này khẳng định triển vọng gia tăng NSLĐ ngành Nông nghiệp là nhờ công nghệ.
Thực tế cho thấy, công nghệ số đã và đang thâm nhập sâu rộng vào lĩnh vực nông nghiệp. Nông nghiệp công nghệ cao đã được triển khai ở nhiều địa phương như mô hình trồng rau và hoa tại Đà Lạt, mô hình nông nghiệp công nghệ cao tích hợp tại TP. Hồ Chí Minh, khu nhân giống cây lâm nghiệp và trồng rau quả, chăn nuôi, thuỷ sản tại TP. Hà Nội.
Đặc biệt, nhiều tập đoàn thực phẩm lớn như: Tâp đoàn Dabaco Việt Nam, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN, Tập đoàn MASAN đã đưa công nghệ số tích hợp vào chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, từ khâu sản xuất đầu vào đến khâu phân phối sản phẩm đầu ra nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên, sự phát triển KTS đã và đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, dự liệu được các kịch bản để có thể hạn chế tối đa những tác động tiêu cực và phù hợp với các cam kết quốc tế…
Làm gì để gia tăng năng suất lao động trong bối cảnh chuyển đổi số?
Gia tăng NSLĐ và chuyển đổi mô hình kinh tế là trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam 10 năm tới. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Trong đó, đặt mục tiêu: Việt Nam trở thành một trong 70 quốc gia dẫn đầu về chính phủ điện tử; trong nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh; trong nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo. Đồng thời, NSLĐ trong nền kinh tế được duy trì mức tăng bình quân tối thiểu là 7%/năm.
Nhằm hiện thực hoá mục tiêu trên, thời gian tới Việt Nam cần tập trung triển khai một số giải pháp sau:
Một là, chú trọng đến đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong thời đại số bởi con người là nền tảng thành công của quá trình chuyển đổi.
Hai là, gia tăng NSLĐ ngành công nghiệp chế tạo, đặc biệt là chế tạo các sản phẩm công nghệ trung và cao cấp.
Ba là, tái cơ cấu phân bổ nguồn lực giữa các khu vực kinh tế, thúc đẩy NSLĐ của DN tư nhân và DN nhà nước; gia tăng hiệu ứng lan toả công nghệ và quản trị từ DN FDI đến toàn nền kinh tế.
Bốn là, đẩy mạnh số hoá ngành Nông nghiệp, gia tăng mức đóng góp của yếu tố công nghệ và quản trị vào NSLĐ ngành Nông nghiệp. Số hoá ngành Nông nghiệp nên được thực hiện cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới.