Cơ hội và thách thức đối với tăng năng suất lao động trong nền kinh tế số


Trong bối cảnh những động lực tăng trưởng hiện có đang dần cạn kiệt và thiếu hiệu quả, sự triển nhanh chóng của kinh tế số sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội để cải thiện năng suất lao động tổng thể nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong bài viết, nhóm tác giả tập trung làm rõ những thời cơ và thách thức đối với mục tiêu tăng năng suất lao động của Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số nền kinh tế và Cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị giúp thúc đẩy năng suất lao động tổng thể của nền kinh tế trong bối cảnh số hoá nền kinh tế.

Đặt vấn đề

Việt Nam đã đạt được những bước tiến nhất định trong quá trình cải thiện năng suất lao động (NSLĐ), nâng cao năng lực và giá trị nội tại của nền kinh tế. Mặc dù, NSLĐ tổng thể tăng đều qua các năm, nhưng nhìn chung, mức NSLĐ của toàn nền kinh tế còn thấp, khoảng cách tuyệt đối về NSLĐ giữa Việt Nam và các nước trong khu vực châu Á còn lớn.

Giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng NSLĐ bình quân của Việt Nam đạt 5,11%, cao hơn trung vị của khu vực ASEAN (3,11%); song thấp hơn mức 7% của Trung Quốc và 6% của Ấn Độ. Theo đánh giá của Viện Năng suất châu Á, NSLĐ của Việt Nam đang đi sau 60 năm so với Nhật Bản, 40 năm so với Malaysia, 10 năm so với Thái Lan. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam phải có những nỗ lực vượt bậc, cũng như những chương trình hành động thiết thực nhằm tăng NSLĐ.

Trong bối cảnh NSLĐ còn thấp, các động lực trước đây để duy trì mức tăng năng suất dần cạn kiệt và thiếu hiệu quả, kinh tế số (KTS) sẽ là một động lực mới cho cải thiện NSLĐ trong giai đoạn tới. Báo cáo Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên với chủ đề Cải thiện NSLĐ trong bối cảnh KTS do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố năm 2020 chỉ rõ: Sự phát triển nhanh chóng của KTS sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội để cải thiện mạnh mẽ NSLĐ trong tổng thể nền kinh tế, từ đó kinh tế đạt được phát triển bền vững và đồng thời chống đỡ được các cú sốc từ bên ngoài. Tuy nhiên, sự phát triển KTS đã và đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, dự liệu được các kịch bản để có thể hạn chế tối đa những tác động tiêu cực và phù hợp với các cam kết quốc tế…

Trong bài viết, nhóm tác giả tập trung làm rõ những cơ hội và thách thức với mục tiêu tăng NSLĐ của Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số nền kinh tế và Cách mạng công nghiệp 4.0. Qua khảo cứu các nghiên cứu trước đây, nhóm tác giả luận giải: Nghiên cứu này sẽ giúp Việt Nam nhận diện rõ ràng hơn về những động lực mới mà KTS đem lại; đồng thời, đề xuất giải pháp phù hợp thúc đẩy tăng trưởng NSLĐ tổng thể của nền kinh tế trong trong bối cảnh số hoá nền kinh tế.

Cơ hội tăng năng suất lao động trong nền kinh tế số

Thời gian tới, sự phát triển của KTS có thể tạo cơ hội và các động lực tăng trưởng mới cho NSLĐ tổng thể của nền kinh tế, cụ thể:

Thứ nhất, thúc đẩy NSLĐ ở khu vực công nghiệp chế tạo, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ: Sự lan toả của công nghệ số đã kéo theo sự gắn kết ngày càng chặt chẽ của các nền kinh tế thông qua thương mại quốc tế. Nhiều quốc gia đang phát triển đã và đang trở thành những thành viên quan trọng của thị trường quốc tế. Sản xuất công nghiệp ngày càng có tính tích hợp cao, dẫn đến hình thành chuỗi giá trị sản phẩm công nghiệp ở cấp độ toàn cầu.

Cơ hội và thách thức đối với tăng năng suất lao động trong nền kinh tế số - Ảnh 1

Vai trò của từng quốc gia trong chuỗi giá trị được định hình và thể hiện ngày càng rõ nét khi tính tích hợp của chuỗi được củng cố. Đây là cơ hội để ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam khẳng định vị thế trong khu vực cũng như trên thị trường quốc tế. Chuyển đổi số và tích hợp công nghệ thông tin mang đến nền tảng quan trọng để thúc đẩy NSLĐ ở lĩnh vực sản xuất chế tạo, đặc biệt là sản xuất chế tạo những sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).

Theo Hình 1, trong giai đoạn 2007-2018, tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm chế tạo trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam gia tăng liên tục, đặc biệt là sau năm 2010.

Năm 2007, tỷ trọng xuất khẩu của công nghiệp chế tạo chiếm 54,437% tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu. Đến năm 2013, con số này tăng lên mức gần 74% và đến năm 2018 là 83,187%. Đồng thời, mức đóng góp của xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao, xuất khẩu sản phẩm ICT cũng tăng liên tục. Nếu như năm 2010, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ICT lần lượt là 18,811% và 7,909%, thì đến năm 2018, con số này lần lượt là 40,436% và 33,758%. Theo Tổng cục Thống kê, NSLĐ là chỉ tiêu phản ánh hiệu quả hoạt động của người lao động, được đo lường bằng cách lấy GDP theo giá thực tế chi cho số lao động trung bình trong một thời kỳ nhất định, thường là một năm tài khoá. Như vậy, có thể hiểu một cách giản đơn rằng, gia tăng được GDP hoặc duy trì được tốc độ tăng GDP lớn hơn tốc độ tăng lao động, NSLĐ sẽ gia tăng. 

cho thấy, giá trị xuất khẩu sản phẩm chế tạo tính trên mỗi đồng vốn của Việt Nam liên tục được cải thiện trong 5 năm trở lại đây, đi cùng với đó là sự cải thiện đáng kể về thứ hạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh công nghiệp. Giá trị của xuất khẩu sản phẩm chế tạo tăng từ mức 1.308,34 USD năm 2015 lên mức 2.414,8 USD năm 2020. Giá trị gia tăng của công nghiệp chế tạo tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm, từ 260,89 USD năm 2015 lên mức 441,6 USD năm 2020. Như vậy, sản xuất chế tạo là lĩnh vực đóng vai trò then chốt trong thúc đẩy NSLĐ trung bình của Việt Nam trong thập kỷ tới.

Thứ hai, tạo diện mạo mới cho NSLĐ ngành Nông nghiệp: Nông nghiệp là ngành kinh tế trụ cột của Việt Nam, ngoài những đóng góp vào GDP, còn có vai trò trọng yếu trong bảo đảm an ninh lượng thực, an sinh xã hội và mục tiêu phát triển bền vững nền kinh tế. Tuy nhiên, NSLĐ của ngành Nông nghiệp hiện nay còn thấp. Năm 2016, khu vực này chỉ tạo ra được 33,62 triệu đồng/lao động (theo giá hiện hành), bằng 39,78% mức NSLĐ chung trong nền kinh tế. Đến năm 2018, con số này đạt 39,8 triệu đồng/lao động, bằng 38,9% toàn nền kinh tế.

Trong khu vực ASEAN, NSLĐ ngành Nông nghiệp của Việt Nam thấp hơn Malaysia gần 12 lần, Thái Lan 2,1 lần và Philipines là 1,8 lần. Đoàn Hương Quỳnh và Trần Thanh Thu (2020) qua thống kê chỉ tiêu năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) của ngành Nông nghiệp Việt Nam và các quốc gia khác khu vực ASEAN cho thấy, sự thay đổi về kỹ thuật đóng góp 30% vào sự gia tăng TFP giai đoạn 2011-2015. Điều này khẳng định triển vọng gia tăng NSLĐ ngành Nông nghiệp là nhờ công nghệ.

Nghiên cứu của Trần Thọ Đạt và cộng sự (2020) khẳng định, công nghệ số có tác động tích cực và có ý nghĩa thống kê đến NSLĐ của ngành Nông lâm thuỷ sản. Tuy nhiên, mức gia tăng NSLĐ ngành Nông nghiệp là thấp nhất trong các ngành sản xuất khi tăng cường internet trong doanh nghiệp (DN). Điều này đồng nghĩa với việc NSLĐ ngành Nông nghiệp sẽ có những bước tiến đáng kể nếu nhận được mức độ đầu tư xứng đáng vào công nghệ số, chuyển đổi số.

Thực tế cho thấy, công nghệ số đã và đang thâm nhập sâu rộng vào lĩnh vực nông nghiệp. Nông nghiệp công nghệ cao đã được triển khai ở nhiều địa phương như mô hình trồng rau và hoa tại Đà Lạt, mô hình nông nghiệp công nghệ cao tích hợp tại TP. Hồ Chí Minh, khu nhân giống cây lâm nghiệp và trồng rau quả, chăn nuôi, thuỷ sản tại TP. Hà Nội. Đặc biệt, nhiều tập đoàn thực phẩm lớn như: Tâp đoàn Dabaco Việt Nam, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN, Tập đoàn MASAN đã đưa công nghệ số tích hợp vào chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, từ khâu sản xuất đầu vào đến khâu phân phối sản phẩm đầu ra nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.

Thách thức đối với mục tiêu tăng năng suất lao động trong nền kinh tế số

Bên cạnh những cơ hội, mục tiêu tăng NSLĐ trong nền kinh tế số cũng đặt ra khá nhiều áp lực và thách thức, cụ thể:

Thứ nhất, thiếu vốn – Rào cản lớn nhất để thúc đẩy tăng NSLĐ: Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2019 chỉ ra rằng, những rào cản trong tiếp cận nguồn tài chính đã cản trở các DN Việt Nam, đặc biệt là DN vừa và nhỏ trong nâng cao NSLĐ và hiệu quả hoạt động. Hình 2 mô tả mức độ tự tài trợ cho đầu tư của nguồn vốn nội sinh năm 2017 của Việt Nam ở mức thấp nhất so với các quốc gia khác, chỉ đạt 21%. Mặt khác, hiệu quả hoạt động của các loại hình DN cũng có những cách biệt rất lớn. Giá trị gia tăng trên mỗi lao động của khu vực DN FDI cao gấp 4,8 lần DN tư nhân và gấp gần 1,67 lần DN nhà nước. Mặc dù biên lãi ròng không có sự cách biệt, hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh của các DN FDI cao gấp 2,6 lần DN nhà nước (Hình 3).

Cơ hội và thách thức đối với tăng năng suất lao động trong nền kinh tế số - Ảnh 2

Có thể thấy, sự cách biệt lớn về NSLĐ giữa các loại hình DN. DN FDI, nhờ những lợi thế về vốn, công nghệ và quản trị đã cho thấy, NSLĐ cao hơn hẳn so với các loại hình DN còn lại. Những DN tư nhân, do hạn chế về quy mô, không thể hưởng lợi ích kinh tế nhờ quy mô; đồng thời, thiếu vốn nên gia tăng NSLĐ nhờ thay đổi công nghệ là điều không dễ dàng. Theo Binh (2018), NSLĐ của 100 công ty niêm yết lớn nhất trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh cao gấp gần 10 lần mức trung bình. Phần lớn những DN trong nước, quy mô nhỏ và thiếu vốn cố định, có mức năng suất thấp. Thực trạng này đặt ra 2 vấn đề trong thúc đẩy NSLĐ, bao gồm: (i) Tái phân bổ nguồn lực giữa các khu vực kinh tế; (ii) Giảm bớt các rào cản để tạo sân chơi bình đẳng cho các loại hình DN.

Thứ hai, trình độ công nghệ non kém, tỷ lệ đào thải cao ở một số ngành và yêu cầu đa nhiệm với đội ngũ lao động: Sự lan toả của công nghệ số, đặc biệt là sử dụng robot công nghiệp đang đặt ra những lo ngại về sự biến mất của một số nhóm công việc thủ công, khi mức độ tự động hoá tăng cao. Năng lực của robot công nghiệp đang được mở rộng ở lĩnh vực chế tạo.

Số liệu của Hiệp Hội Robot thế giới cho thấy, đơn đặt hàng robot công nghiệp tăng gấp 5 lần trong giai đoạn 2001-2017 và dự báo sẽ gia tăng mạnh trong tương lai. Dự kiến năm 2021, số lượng robot công nghiệp trên toàn cầu lên đến 600 nghìn đơn vị. Sự gia tăng của sản phẩm ICT, robốt công nghiệp và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đã tác động mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến sự biến mất của một số nhóm công việc thủ công, cũng như làm sụt giảm số lượng việc làm ở những ngành nghề nhất định, từ may mặc giản đơn cho đến những ngành chế tạo thiết bị điện phức tạp (OECD, 2017).

Mặt khác, sự phát triển liên tục của công nghệ đặt người lao động trong tâm thế bị đào thải bất kỳ lúc nào nếu không bắt kịp xu hướng dịch chuyển. Tính ổn định và chắc chắn trong nghề nghiệp, cũng như văn hoá công việc trọn đời của nhiều quốc gia châu Á sẽ dần bị thay thế bởi sự linh hoạt và tính dịch chuyển trong nghề nghiệp. Người lao động buộc phải có “kỹ năng số” để tồn tại trong nền kinh tế số (Deming, 2015).

Để tăng năng suất lao động trong bối cảnh chuyển đổi số nền kinh tế

Gia tăng NSLĐ và chuyển đổi mô hình kinh tế là trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam 10 năm tới. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó đặt mục tiêu: Việt Nam trở thành một trong 70 quốc gia dẫn đầu về chính phủ điện tử; trong nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh; trong nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo. Đồng thời, NSLĐ trong nền kinh tế được duy trì mức tăng bình quân tối thiểu là 7%/năm.

Nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng NSLĐ tổng thể của nền kinh tế trong trong bối cảnh chuyển đổi số, nhóm tác giả đề xuất, khuyến nghị sau:

Một là, chú trọng đến đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong thời đại số bởi con người là nền tảng thành công của quá trình chuyển đổi. Chính phủ cần xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực số, thực hiện phân luồng lao động từ cấp trung học phổ thông. Người lao động cần được trang bị nền tảng công nghệ và những kỹ năng mới để thích ứng với chuyển đổi số.

Cơ hội và thách thức đối với tăng năng suất lao động trong nền kinh tế số - Ảnh 3

Hai là, gia tăng NSLĐ ngành công nghiệp chế tạo, đặc biệt là chế tạo các sản phẩm công nghệ trung và cao cấp. Với tiềm năng tăng trưởng của thị trường công nghệ và những thế mạnh hiện có của Việt Nam trong chuỗi giá trị sản phẩm công nghệ, thúc đẩy NSLĐ là nhân tố then chốt để chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, khi NSLĐ của ngành công nghiệp chế tạo được cải thiện, sẽ tạo hiệu ứng lan toả đến các ngành kinh tế khác, giúp nâng mức NSLĐ tổng thể nền kinh tế.

Ba là, tái cơ cấu phân bổ nguồn lực giữa các khu vực kinh tế, thúc đẩy NSLĐ của DN tư nhân và DN nhà nước; gia tăng hiệu ứng lan toả công nghệ và quản trị từ DN FDI đến toàn nền kinh tế. Chính phủ cần xây dựng và triển khai những chương trình hỗ trợ thiết thực dành cho các DN tư nhân, đặc biệt là hỗ trợ về vốn và đào tạo nhân lực. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, để thực hiện thành công mục tiêu giai đoạn 2021-2025, dòng vốn tín dụng cho DN tư nhân trong ngắn hạn cũng như dài hạn cần được khơi thông. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tốc độ cổ phần hoá DN nhà nước và thoái vốn nhà nước tại DN, giảm bớt những ưu đãi riêng có của DN nhà nước, xây dựng một sân chơi bình đẳng cho các loại hình DN. Đối với dòng vốn FDI, thu hút vốn đầu tư có chọn lọc, tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư vào công nghiệp chế tạo, năng lượng tái tạo, nông nghiệp xanh thay vì chỉ chú trọng đến yếu tố quy mô.

Bốn là, đẩy mạnh số hoá ngành Nông nghiệp, gia tăng mức đóng góp của yếu tố công nghệ và quản trị vào NSLĐ ngành Nông nghiệp. Số hoá ngành Nông nghiệp nên được thực hiện cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới. 

Tài liệu tham khảo:

  1. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030”;
  2. Trần Thọ Đạt và Tô Trung Thành (2020), “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2019-Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số”, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân 2020;
  3. Đoàn Hương Quỳnh và Trần Thanh Thu (2020), “Năng suất nhân tố tổng hợp và đóng góp của nó vào tăng trưởng ngành Nông nghiệp Việt Nam”, Tạp chí Tài chính, kỳ 1 Tháng 6/2021, 77-80;
  4. Le Duy. (2018), “Vietnam Private Sector: Productivity and Prosperity”, Economica, Hanoi;
  5. Australia – World Bank Group Strategic Partnertship in Vietnam (2020), “Vibrant Vietnam – Forging the Foundation of a High – Income Economy”, The World Bank Group, Washington DC;
  6. Deming, D.J. (2015), “The growing importance of social skills in the labor market”, NBER Working Papers, No. 21473;
  7. Frey, C., and M. Osborne (2017), “The future of employment: How susceptible are jobs to computerisation?”, Technological Forecasting and Social Change, Vol. 114, pp. 254-280, http://dx.doi.org/10.1016/J.TECHFORE.2016.08.019;
  8. Nedelkoska, L., and G. Quintini (2018), “Automation, skills use and training”, OECD Social, Employment and Migration Working Papers, No. 202, OECD Publishing, Paris;
  9. OECD (2017), “International Migration Outlook 2017”, OECD Publishing, Paris;
  10. OECD (2019), “Employment Outlook 2019: The Future of Work;
  11. OECD (2019), “Preparing for the Changing Nature of Work in the Digital Era”.

 (*) PGS., TS. Đoàn Hương Quỳnh,  TS. Trần Thanh Thu - Học viện Tài chính

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 8/2021.