Lạm phát duy trì ở mức thấp, chưa cần hành động nào với chính sách tiền tệ

Theo Nguyễn Long/diendandoanhnghiep.vn

Chuyên gia Tài chính Nguyễn Minh Tuấn đánh giá, mục tiêu lạm phát năm nay vẫn có thể đạt 2% và sang năm sau là 4%; các chính sách sách vĩ mô vẫn có thể điều chỉnh được...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 11 tăng 0,32% so với tháng trước và tăng 2% so với tháng 12/2020. Chỉ số CPI bình quân 11 tháng hiện là 1,84% so với cùng kỳ năm trước – mức thấp nhất kể từ năm 2016 và thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% mà Chính phủ đặt ra.

Báo cáo về lạm phát tháng 11 của CTCK KB Việt Nam (KBSV) cho biết các yếu tố tác động chính tới CPI tháng 11 bao gồm: Đầu tiên, giá xăng tháng 11 tăng 8,12% so với tháng trước (MoM), dầu diezen tăng 7,3% MoM khiến giá nhóm giao th ng tăng tiếp tục tăng 3,11% MoM. Giá nhóm giao thông hiện tăng ở mức 20,71% so với năm trước (YoY) – mức cao nhất trong năm nay. Thứ hai, giá nguyên vật liệu đầu vào xây dựng tăng và giá điện, nước sinh hoạt tăng trở lại 1,94% MoM. Thứ ba, giá thịt lợn giảm 5,62% MoM do các cơ sở chăn nuôi tăng cường bán ra để hạn chế thua lỗ khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, giúp giá nhóm thực phẩm giảm 0,4% MoM.

Các chuyên gia của KBSV nhận định, lạm phát tháng 12 của năm 2021 dự báo tăng 0,8% MoM, do đó cũng giảm dự báo lạm phát bình quân trong năm 2021 xuống còn 2%. Theo đó, cầu nền kinh tế hồi phục yếu, tổng mức bán lẻ 11 tháng giảm 14,1% YoY, một phần đến từ thói quen tiết kiệm để vượt khó của người Việt (biểu đồ 1).

Lạm phát duy trì ở mức thấp, chưa cần hành động nào với chính sách tiền tệ - Ảnh 1

Cung tiền M2 tăng trưởng chậm lại và tốc độ vòng quay tiền đang giảm dần, cụ thể 9 tháng đầu năm 2021 cung tiền M2 tăng 6,3% từ đầu năm đến nay (YTD) thấp hơn so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2020 đạt 8,6% YTD (biểu đồ 2).

Lạm phát duy trì ở mức thấp, chưa cần hành động nào với chính sách tiền tệ - Ảnh 2

Giá nhóm hàng hóa thiết yếu lương thực, thực phẩm, xăng dầu, nhà ở và vật liệu xây dựng không tăng mạnh như giai đoạn năm 2020, thậm chí giá thịt heo còn giảm và vẫn duy trì ở vùng giá thấp (biểu đồ 3). Áp lực lạm phát hiện hữu trong năm 2022, dự báo CPI ở mức 3,8% cho cả năm 2022 trong kịch bản cơ sở.

Lạm phát duy trì ở mức thấp, chưa cần hành động nào với chính sách tiền tệ - Ảnh 3

Các gói hỗ trợ nền kinh tế của Việt Nam năm 2021 dù chưa đủ lớn để gây ra hiện tượng bùng nổ về sức cầu khiến lạm phát tăng mạnh như tại Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc (biểu đồ 5), tuy nhiên áp lực lạm phát là hiện hữu trong năm 2022, khi các gói hỗ trợ dần thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế (theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính cả các khoản hỗ trợ qua các kênh quỹ bảo hiểm thất nghiệp, các khoản miễn, giảm cước viễn thông, điện, nước, học phí..., quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 đạt khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,84% GDP).

Lạm phát duy trì ở mức thấp, chưa cần hành động nào với chính sách tiền tệ - Ảnh 4

Ngoài ra, gói phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch COVID-19 với quy mô 800.000 tỷ đồng (tương đương 35 tỷ USD), trong kịch bản được thông qua vào đầu năm tới, sẽ gây áp lực rất lớn đến lạm phát và nhiều khả năng sẽ đẩy CPI 2022 vượt mức mục tiêu 4%.

Rủi ro nhập khẩu lạm phát khi mà kinh tế Việt Nam có độ mở cao, chi phí sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu, trong bối cảnh lạm phát ở các nước đối tác thương mại lớn (Mỹ, EU, Hàn Quốc...) đều đang có xu hướng tăng mạnh.

Nền kinh tế đã mở cửa trở lại từ tháng 9/2021 tuy nhiên lực lượng lao động quay trở lại thị trường vẫn ở mức thấp, theo khảo sát ngày 12/10/2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy trong số 22.764 doanh nghiệp có 17,8% doanh nghiệp bị thiếu lao động, cụ thể vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ doanh nghiệp thiếu lao động cao nhất (30,6%). Bình Dương (36,9%), Bình Phước (34,4%) và TP.HCM (31,8%).

Lạm phát duy trì ở mức thấp, chưa cần hành động nào với chính sách tiền tệ - Ảnh 5

“Chúng tôi cho rằng tình trạng khan hiếm, mất cân đối cung cầu lao động có thể khiến các doanh nghiệp phải tăng lương, tăng phúc lợi cho nhân viên, từ đó gia tăng áp lực lên lạm phát”, chuyên gia KBSV nhận định.

Biến động giá hàng hóa, bao gồm giá thịt lợn và xăng dầu nghiêng nhiều về phía tăng với tốc độ chậm dần khi kinh tế toàn cầu phục hồi. Chuyên gia KBSV dự báo giá heo hơi có thể tăng lên khoảng 65.000-70.000 đồng/kg trong dịp Tết Nguyên đán và quý 1/2022 do việc chậm tái đàn thời gian qua ảnh hưởng đến giá heo, tuy nhiên khó có thể về mốc đỉnh năm 2020 nhờ việc Chính Phủ luôn ưu tiên tăng cường nguồn cung trong nước.

Bên cạnh đó, chuyên gia KBSV kì vọng việc Chính phủ các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Anh cùng phối hợp xả kho dầu dự trữ cùng lúc nhằm bình ổn giá nhiên liệu thế giới có thể kìm lại đà tăng mạnh của nhóm này, và duy trì neo giá ở mức cao.

Chia sẻ trên Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam (VWA), ông Nguyễn Minh Tuấn CEO&Founder AFA Capital cho biết, lạm phát là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian và sự mất giá trị của một loại tiền tệ nào đó. Để đo lường lạm phát có 4 bộ chỉ số: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Chỉ số giá sản xuất (PPI), Chỉ số chi tiêu dùng cá nhân (PCE) và Chỉ số bán sỉ (WPI). Và khi tất cả chỉ số này tăng mới có thể kết luận lạm phát tăng.

Thực tế cho thấy, lạm phát đang trở thành mối lo ngại trên toàn cầu, NHTW các nước đã bắt đầu thu hẹp lại các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Theo thống kê của NHNN, từ đầu năm đến nay, thế giới đã chứng kiến 93 lượt tăng lãi suất của các NHTW, trong đó riêng từ tháng 9/2021 đến nay đã chứng kiến 50 lượt tăng lãi suất... Với diễn biến trên, NHNN sẽ theo dõi sát tình hình để đưa ra những chính sách ứng phó kịp thời.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà

Tốc độ tăng/giảm lạm phát cơ bản của tháng 11 và 11 tháng (%) cho thấy lạm phát lõi số liệu cho thấy mức độ tăng giá của nền kinh tế ở mức chấp nhận được. Lạm phát lõi của tháng 11 so với tháng trước chỉ có 0,11% còn so với cùng kỳ năm trước tăng ở mức 0,58% và 11 tháng cho so với cùng kỳ năm trước tăng ở mức 0,82%. "Như vậy nếu tính từ giai đoạn 2017-2021 nếu đo bằng CPI mục tiêu lạm phát năm nay vẫn có thể đạt 2% và sang năm sau là 4% và các chính sách sách vĩ mô vẫn có thể điều chỉnh được", Giám đốc AFA Capital nhận định.

“Nhìn chỉ số CPI trong tầm kiểm soát như hiện nay chúng ta chưa cần có hành động nào với chính sách tiền tệ, chúng ta cần thêm một yếu tố nữa là quan sát sự tăng trưởng của GDP. Quan điểm của tôi nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn phục hồi tích cực”, ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết.

Ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) cho biết, có thể thấy làn sóng COVID-19 thứ tư đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Việt Nam, do đó thời điểm hiện tại là cơ hội cho dư địa của các chính sách tiền tệ tích cực trong thời gian tới.

“Trong quản lý đầu tư cá nhân, chúng ta phải xây dựng được lớp tài sản căn bản đó mới là sự phát triển tài chính vững chắc lâu dài nhất, cần điều chỉnh với các con số về lạm phát, tránh ảnh hưởng bởi tin đồn, truyền thông, lái dư luận mà không bám vào kế hoạch tài chính của mình, lõi của mình trong việc phân bổ tài sản đầu tư”, ông Phan Lê Thành Long chia sẻ.