Lạm phát tại các nước: Cuốn theo chiều gió

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Tại nhiều nước trên thế giới, giá cả tiêu dùng đang cùng đi theo một hướng. Vậy lực đẩy nào đã định đoạt chiều hướng của “cơn gió” lạm phát và liệu đây là cơn gió lạnh hay gió mát?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại Trung Quốc, lạm phát đã ở mức thấp trong 5 năm qua khi tăng chỉ 1,6% trong tháng 10, thấp hơn nhiều so với mục tiêu giữ mức tăng giá cả tiêu dùng ở mức chưa tới 3,5%. Trong khi đó, tại Ấn Độ, sau một thời gian dài kìm hãm lạm phát, giá cả tiêu dùng vào tháng 10 tăng chỉ 5,5%, giảm từ mức tăng 2 con số cách đây 1 năm. Hàn Quốc cũng chứng kiến lạm phát ở mức thấp dưới 2% trong một thời gian dài.

Gió lạnh từ Á tới Âu

Khắp châu Á, giá cả tiêu dùng đang hạ nhiệt khi chi phí dầu mỏ và các hàng hóa như gạo, đậu nành và đường giảm mạnh.

Bức tranh chung này có thể thổi luồng gió “lạnh lẽo” vào tăng trưởng kinh tế của châu Á.  Theo Chetan Ahya, chuyên gia kinh tế tại Morgan Stanley ở Hồng Kông, khi lạm phát thấp kéo dài, sẽ càng khiến cho doanh nghiệp và hộ gia đình gặp khó khăn trong việc trả nợ. “Cần phải cắt giảm lãi suất mới có thể giải quyết vấn đề này”, ông nói.

Hiện tại, một số chính phủ châu Á đang lo ngại nước họ sẽ rơi vào tình trạng giảm phát kéo dài giống như Nhật mà theo đó, giá cả giảm bắt đầu một vòng luẩn quẩn của việc giảm chi tiêu tiêu dùng và giảm đầu tư doanh nghiệp, khiến tăng trưởng kinh tế ì ạch trong nhiều năm liền.

Chỉ số giá tiêu dùng lõi (core CPI), không tính giá thực phẩm tươi sống, của Nhật Bản tháng 10 tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp giá tiêu dùng tại Nhật Bản tăng chậm lại.

Nếu điều chỉnh số liệu theo tác động của đợt tăng thuế tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng lõi của Nhật Bản chỉ đạt 0,9%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.

Giá tiêu dùng tăng chậm dấy lên những lo ngại về nguy cơ giảm phát tại Nhật Bản, đặc biệt sau khi nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới rơi vào suy thoái trong quý III. Đây rõ ràng là thách thức rất lớn đối với Thống đốc Haruhiko Kuroda trong nỗ lực đạt mục tiêu lạm phát vào tháng 4/2015.

Tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Choi Kyung-hwan đã nhiều lần đưa ra khuyến cáo rằng Chính phủ cần phải hành động một cách ráo riết để giữ cho đất nước không đi theo vết xe của Nhật. Với việc lạm phát cứ ở dưới mức 2%, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã tiếp tục hạ lãi suất vào tháng 10 sau một đợt cắt giảm vào tháng 8. Nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng một đợt cắt giảm khác sẽ được thực hiện vào đầu năm tới.

Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 10/11 cho hay so với tháng 10/2013, tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc trong tháng 10/2014 tăng 1,6% - mức thấp nhất kể từ tháng 1/2010. Giới phân tích cảnh báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt với nguy cơ giảm phát.

Các nhà phân tích Liu Ligang và Zhou Hao thuộc Ngân hàng ANZ cho rằng những nguy cơ này sẽ tăng lên, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc dự báo sẽ tăng trưởng chậm hơn trong những quý tới, sau khi tăng trưởng 7,5% trong quý 2/2014 và 7,3% trong quý 3/2014. Đây là rủi ro lớn mà kinh tế Trung Quốc đang đối mặt, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải theo sát tình hình và hành động nhanh chóng.

Với châu Âu, “gió” lạm phát cũng “lạnh lẽo” như châu Á. Tháng 11, tỷ lệ lạm phát của khu vực đồng euro (Eurozone) tiếp tục giảm thấp, nhấn mạnh khó khăn mà chính phủ liên minh phải đối mặt.

Theo số liệu ước tính của Cục Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), giá tiêu dùng tại khu vực đồng euro chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 11. Con số này thấp hơn so với mức tăng 0,4% ghi nhận được trong tháng 10.

Nếu không tính giá thực phẩm, năng lượng, đồ uống có cồn và thuốc lá, giá tiêu dùng của khu vực đồng euro vẫn không đổi so với tháng 10 ở 0,7%.

Rõ ràng, áp lực lạm phát tại khu vực đồng euro đang giảm dần, dấy lên lo ngại cho rằng, Eurozone có thể rơi vào thập kỷ giảm phát và giảm phát giống Nhật Bản.

Lạm phát là một trong những rủi ro lớn mà kinh tế Eurozone phải đối mặt trong quá trình phục hồi, theo nhận định của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi trong ngày 27/11. Trong những bài phát biểu gần đây, ông Draghi đều nhấn mạnh cam kết sẽ làm tất cả những gì có thể để thúc đẩy lạm phát và kỳ vọng lạm phát tăng nhanh hơn.

Làn gió ngược thành gió mát

Tuy nhiên, với một số nền kinh tế, lạm phát thấp không hẳn là “tín hiệu tồi. Những ngày này, “mùa xuân” đang gõ cửa nước Mỹ. Báo cáo mới được công bố tuần trước cho thấy sau khi điều chỉnh, GDP tăng trưởng 3,9% trong quý III sau khi tăng trưởng trung bình hơn 4% trong 2 quý trước đó.

Màu sắc tươi sáng của kinh tế Mỹ càng đáng chú ý hơn khi phần còn lại của thế giới đang gặp nhiều trắc trở: Nhật Bản đã rơi vào suy thoái, châu Âu đau đầu với giảm phát và Trung Quốc phải hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng. Ngày 25/11, OECD – “câu lạc bộ của các nước giàu” – đưa ra nhận định nhiều nền kinh tế thành viên chỉ tăng trưởng 1,8% trong năm 2014 và 2,3% trong năm 2015.

Có hai lý do chính dẫn đến điều này: Thương mại vẫn chỉ là một phần nhỏ của nền kinh tế Mỹ và thực chất thì những “làn gió ngược” đối với kinh tế thế giới như lãi suất thấp và giá dầu giảm lại hỗ trợ cho kinh tế Mỹ.

Lạm phát thấp ở Mỹ sẽ giúp sức mua mạnh thêm 2% trong quý này và các quý tới.

Với Ấn Độ, lạm phát thấp dường như là cơn gió mát khi nước này vừa đối diện mức lạm phát “nóng bỏng”. Sau một thời gian dài kìm hãm lạm phát, giá cả tiêu dùng vào tháng 10 của Ấn Độ tăng chỉ 5,5%, giảm từ mức tăng 2 con số cách đây 1 năm. Giá dầu thô giảm và lạm phát thấp hơn sẽ giúp nền kinh tế Ấn Độ phục hồi đà tăng trưởng, vốn đã xuống dưới 5% trong hai năm qua.

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley nói rằng giá dầu mỏ trên thị trường quốc tế cùng với giá cả thực phẩm trong nước giảm trong thời gian gần đây đã góp phần giảm tỷ lệ lạm phát, thâm hụt tài khoản vãng lai xuống mức vừa phải và dự kiến sẽ giảm hơn nữa trong năm 2014-2015 nhờ giá dầu mỏ hạ.