Lạm phát thấp vẫn ám ảnh các nền kinh tế tiên tiến

Theo TTXVN

Theo giới quan sát, trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã nâng lãi suất lần đầu tiên trong 10 năm qua, ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế tiên tiến khác chắc chắn cũng đang muốn chuyển hướng khỏi chính sách tiền tệ siêu lỏng.

Ngân hàng trung ương ở nhiều nền kinh tế tiên tiến đang muốn chuyển hướng khỏi chính sách tiền tệ siêu lỏng. Ảnh: VNA
Ngân hàng trung ương ở nhiều nền kinh tế tiên tiến đang muốn chuyển hướng khỏi chính sách tiền tệ siêu lỏng. Ảnh: VNA

Tuy nhiên, những tranh cãi xung quanh quyết định trên của BoE cho thấy, những lo ngại về tình trạng lạm phát thấp còn nhiều hơn cả mối lo về những khó khăn đã quá rõ ràng của nước Anh trong tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Phần lớn những người phản đối việc tăng lãi suất ở Anh cho rằng lạm phát ở trên mức mục tiêu là kết quả của giá hàng nhập khẩu tăng mạnh do đồng bảng Anh rớt giá kể từ cuộc bỏ phiếu rời khởi EU hồi tháng 6/2016, chứ không phải là vì áp lực lạm phát trong nước từ việc tăng lương.
Tình trạng lạm phát thấp cũng được ghi nhận ở Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), đặc biệt là Mỹ và các nước thuộc Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone).

Ngân hàng Trung ương Canada đã tăng lãi suất hai lần trong năm nay, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn không bứt phá và lạm phát cũng không có dấu hiệu cải thiện.

Tương tự, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Mario Draghi, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định tháng 1/2018 là thời điểm thích hợp để cắt giảm 50% quy mô chương trình mua trái phiếu hàng tháng xuống còn 30 tỷ Euro, nhưng lạm phát vẫn không dịch chuyển. Cũng như khu vực Eurozone, sự phục hồi kinh tế ấn tượng dường như cũng không giúp lạm phát của Nhật Bản tăng mạnh hơn.