Làm rõ phí và lệ phí để thu đúng
(Tài chính) Phí và lệ phí là khoản tiền phải đóng không lớn và có những khoản chỉ phải đóng một lần duy nhất nhưng lại khiến dư luận xã hội bức xúc trước những thống kê có hàng trăm loại phí và lệ phí đang đè lên mỗi một người dân, gây áp lực không nhỏ trong cuộc sống. Phóng viên vừa có cuộc trao đổi với ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ chính sách Thuế (Bộ Tài Chính) xung quanh vấn đề này.
Ông Ngô Hữu Lợi: Tôi cho rằng quan niệm vấn đề phí và lệ phí thường rộng hơn nhiều so với các loại phí, lệ phí theo quy định cho nên có thể phần nào có sự hiểu nhầm. Chúng tôi thấy ở một số địa phương có tình trạng huy động một số khoản đóng góp mang tính tự nguyện của người dân như: quỹ khuyến học, quỹ ủng hộ người nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới hoặc các khoản thu mang tính chất xã hội, từ thiện... nhưng cách thức huy động chưa phù hợp. Người dân cũng quan niệm đơn giản gọi các khoản đóng góp này là phí, lệ phí. Thật sự, các khoản thu này không phải là phí, lệ phí (không có tên trong Danh mục phí, lệ phí).
Hay nhiều khoản thu dịch vụ khác như dịch vụ chung cư, dịch vụ liên quan đến vận chuyển container... không phải là phí, lệ phí nhưng các tổ chức, cá nhân thu, nộp khoản thu này cũng thường gọi là phí.
Có thông tin cho rằng cả nước hiện có 432 loại phí và lệ phí được áp dụng, gồm 357 khoản phí và 75 khoản lệ phí. Có đúng vậy không thưa Vụ trưởng?
Pháp lệnh Phí và lệ phí đã quy định danh mục chung về các nhóm phí, lệ phí, gồm 73 nhóm phí và 43 nhóm lệ phí. Nghị định số 24/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí, quy định rõ 171 khoản phí, 130 khoản lệ phí và cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với từng khoản phí, lệ phí cụ thể.
Nhưng không phải ai cũng phải chịu tất cả những khoản phí và lệ phí đó, có những khoản phí người dân và doanh nghiệp chỉ phải đóng một lần trong đời.
Vậy, Bộ Tài chính đã có những biện pháp gì để kiểm soát danh mục phí và lệ phí?
Trước khi có Pháp lệnh phí và lệ phí, đã có khá nhiều khoản thu được gọi là phí, lệ phí cho nên cần được rà soát, quy định cụ thể về danh mục. Từ khi Pháp lệnh phí, lệ phí có hiệu lực thi hành (năm 2002) đến năm 2007, Bộ Tài chính đã phối hợp các Bộ, ngành và địa phương rà soát, bãi bỏ hơn 340 khoản phí, lệ phí ban hành không đúng quy định. Từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg về tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân, Bộ Tài chính tăng cường chỉ đạo các địa phương tích cực rà soát tình hình chấp hành pháp luật về phí, lệ phí, bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của Pháp lệnh. Nhiều khoản phí, lệ phí được ban hành không đúng thẩm quyền đã được các địa phương bãi bỏ, đồng thời thực hiện miễn, giảm phí đúng quy định.
Song dư luận vẫn cho rằng, khi ngân sách cần thêm tiền, các ban, ngành chức năng lại tăng các khoản phí và lệ phí để tăng thu?
Pháp lệnh quy định, chỉ có Chính phủ mới có thẩm quyền quy định danh mục chi tiết các loại phí, lệ phí. Các Bộ, ngành, địa phương không thể tự đặt ra các khoản phí và lệ phí. Đồng thời, Pháp lệnh cũng quy định rõ thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính và HĐND cấp tỉnh trong việc quy định mức thu; nguyên tắc xác định mức thu phí, lệ phí cũng được xác định rõ trong pháp lệnh và Nghị định của Chính phủ cho nên các ban, ngành chức năng không thể vì muốn tăng thu mà nâng mức thu phí, lệ phí.
Mức thu phí đối với các dịch vụ do Nhà nước đầu tư phải bảo đảm thu hồi vốn trong thời gian hợp lý, có tính đến những chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ.
Mức thu phí đối với các dịch vụ do tổ chức, cá nhân đầu tư vốn phải bảo đảm thu hồi vốn trong thời gian hợp lý, phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp.
Theo quy định hiện hành, Chính phủ quyết định một số loại phí, lệ phí có tính chất quan trọng, có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong cả nước và tên các loại phí, lệ phí đó đã được quy định rõ trong Danh mục. Thẩm quyền của Bộ Tài chính, của HĐND cấp tỉnh quy định đối với loại phí, lệ phí nào đều được quy định chặt chẽ trong Danh mục phí, lệ phí, và cần thực hiện đúng. Không thể có chuyện cơ quan được giao thẩm quyền quy định loại phí, lệ phí này nhưng lại tự ý quy định loại phí, lệ phí khác.
Theo ông, việc phân cấp quản lý và quyền quyết định các loại phí và lệ phí hiện nay có gì bất cập? Liệu có lợi ích ngành, lợi ích cục bộ địa phương trong việc thu phí và lệ phí không?
Không phải cơ quan hay tổ chức nào cũng có quyền quyết định thu phí, lệ phí. Theo quy định của Pháp lệnh, việc giao thẩm quyền ban hành quy định về phí và lệ phí là khá chặt chẽ, rõ ràng từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến Chính phủ, Bộ Tài chính và HĐND cấp tỉnh. Danh mục phí và lệ phí đã quy định cụ thể, thì các Bộ, ngành, địa phương không thể tự đặt ra các khoản phí, lệ phí nào ngoài danh mục. Mức thu, chế độ thu nộp cũng đã có quy định cụ thể. Vì vậy, không thể có việc ngành này hay địa phương kia tự đặt ra các khoản phí, lệ phí để nhằm thu lợi ích cục bộ.
Trong quá trình thực hiện Pháp lệnh phí và lệ phí, một số địa phương phản ánh mặc dù có thẩm quyền quyết định đối với một số loại phí, lệ phí nhưng lại không có quyền miễn, giảm; do đó đề nghị phân cấp thẩm quyền cho HĐND quyết định miễn giảm phí, lệ phí trong một số trường hợp cần thiết để phù hợp tình hình thực tế tại địa phương. Khi xây dựng dự án Luật phí, lệ phí trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ xem xét để trình Quốc hội quyết định.
Ông có nhận xét gì trước ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát lại các khoản phí, lệ phí; chuyển một số khoản phí, lệ phí sang cơ chế giá; bãi bỏ các khoản thu không hợp lý?
Điều 18 Pháp lệnh phí, lệ phí quy định: Phí thu được từ các dịch vụ không do Nhà nước đầu tư hoặc do Nhà nước đầu tư nhưng đã chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện theo nguyên tắc hạch toán là khoản thu không thuộc ngân sách nhà nước. Tổ chức, cá nhân thu phí có quyền quản lý, sử dụng số tiền phí thu được theo quy định của pháp luật. Theo quy định này và thực tế thực hiện, đã có một số khoản thu có tên gọi là phí nhưng ở phạm vi nhất định đã thực hiện thu theo cơ chế giá dịch vụ. Thí dụ như dịch vụ xử lý nước thải; dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trong các khu công nghiệp, đơn vị quản lý khu công nghiệp tự quyết định mức thu tiền xử lý.
Theo dự kiến đăng ký chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2015, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ để trình Quốc hội dự án Luật phí và lệ phí, trong đó có nội dung quan trọng của Dự án Luật phí và lệ phí là việc rà soát danh mục phí, lệ phí hiện hành. Trên cơ sở đó, tiếp tục chuyển một số khoản phí sang cơ chế giá dịch vụ, một mặt để thực hiện chủ trương khuyến khích xã hội hóa các dịch vụ công, đồng thời rà soát để giảm bớt thủ tục hành chính, từ đó xóa bỏ khỏi danh mục phí, lệ phí một số loại phí, lệ phí không cần thiết.
Xin trân trọng cảm ơn ông!