Làm sao nói cải tổ mà không dám hi sinh?
(Tài chính) Chúng ta vẫn nói hội nhập là động lực để cải tổ nhưng quan trọng là chúng ta có đủ ý chí nội tại để thay đổi, hòa mình vào thông lệ chung hay không.
Năm 2014, các vòng đàm phán quốc tế vẫn đang tiếp diễn. Đặc biệt, nhiều khả năng chúng ta sẽ trở thành thành viên của Hiệp định Hợp tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại đa phương được đánh giá là toàn diện và có tính chuẩn hóa cao.
Một lần nữa, bao nhiêu giấy mực lại tiêu tốn cho câu chuyện quen thuộc về cơ hội và thách thức cho đất nước trước ngưỡng của quá trình hội nhập đang tăng tốc. Như thông điệp đầu năm của Thủ tướng đã chỉ rõ rằng: toàn cầu hóa, năng lực cạnh tranh và hội nhập thế giới "vừa là áp lực vừa là điều kiện thuận lợi để chúng ta tăng cường dân chủ và hoàn thiện thể chế".
Không thể dễ dãi với chính mình
Cơ hội và thách thức hội nhập với Việt Nam đã được phân tích nhiều từ nhiều phía. Tuy nhiên, với thông điệp của Thủ tướng đầu năm 2014 vừa gửi tới toàn dân, có lẽ đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể hơn, thay vì xem xét một cách riêng biệt.
Thách thức là rất rõ ràng, thậm chí khó khăn hơn bao giờ hết, khi mà các đối tác cũng như đối thủ của chúng ta là những nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, áp lực từ thách thức sẽ đóng vai trò là động lực của cải cách, thậm chí là tái cấu trúc toàn diện bộ mặt kinh tế trong nước. Đây là cơ hội tối thượng, nằm sau tất cả những con số được kì vọng về mức thuế quan 0% hay những khoản tăng trưởng thương mại. Nói cách khác, cơ hội và thách thức là một, quan trọng là chúng ta có khả năng tự thay đổi mình để "tận dụng" nó hay không.
Nguyên tắc đầu tiên, khi tham gia vào một sân chơi có tính chuẩn hóa cao, chúng ta không thể mãi trông chờ vào cung cách làm ăn giản đơn, dễ dãi. Nhiều phân tích đã gắn liền tăng trưởng của dệt may Việt Nam với việc gia nhập TPP. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngành dệt may cần nhiều hơn cái chúng ta có hiện giờ để tận dụng hết cơ hội. Các công ty may gia công theo hình thức gia công thuần túy - CMT (cut, make, trim) cho các hãng nước ngoài chiếm tới 75% tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu ngành.
Họ trước nay vẫn hoạt động tốt với mô hình CMT, với đầu ra lẫn đầu vào nguyên liệu, vốn đa phần có xuất xứ Trung Quốc, đã được các hãng nước ngoài lo liệu. Để đáp ứng các điều kiện cao như yarn-forward, dệt may Việt Nam vẫn chưa thể đột phá thay đổi, đồng nghĩa với việc "trái ngọt" thuế suất 0% vẫn chưa thể "ăn" ngay.
Cũng trong TPP, lúa gạo ta có được cơ hội với các thị trường hấp dẫn, trong đó có Nhật Bản. Tuy nhiên, với một thị trường hết sức kĩ tính như Nhật Bản, duy trì lối sản xuất thiên về số lượng với chất lượng chỉ ở mức trung bình sẽ không thể đưa hạt gạo Việt Nam vào bàn ăn của người Nhật.
Thêm nữa, mô hình liên kết "4 nhà" với VFA là đại diện xuất khẩu lúa gạo duy nhất, vốn dựa vào nhiều tầng thương lái khiến chất lượng gạo giảm, giá trị xuất khẩu không cao. Một cuộc cải cách toàn diện về định hướng xuất khẩu gạo theo hướng trọng chất lượng lẫn mô hình thị trường theo hướng "tư nhân hóa" nhiều hơn là cần thiết, không chỉ với TPP, mà còn về lâu dài.
"Hội nhập là... nhập hội"
Nếu xem quá trình hòa mình vào dòng chảy chung với thế giới của Việt Nam như một cuộc đua đường trường, quả thật chúng ta đã vượt qua được những chặng đường không hề đơn giản.
Năm 1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên ASEAN, đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng sau một thời gian dài chìm trong khủng hoảng đối ngoại. Kể từ thời điểm đó, chúng ta tiếp tục tiến những bước xa hơn.
Năm 1997, Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ, một trong những chìa khóa quan trọng nhất giúp mở cánh cửa bước ra thế giới. Đến năm 2007, chúng ta gia nhập WTO, một bước ngoặt trên nhiều phương diện của Việt Nam, đặc biệt là trong thương mại.
Một cách tổng thể, hội nhập phải được hiểu là một quá trình tương tác hai chiều. Việt Nam cố gắng đưa các giá trị của mình ra thế giới. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn phải chấp nhận những thay đổi để phù hợp với thông lệ chung.
Trong 5 năm trở lại đây, nhiều sự thật chấn động về khả năng hoạt động yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được đưa ra trước công luận. Vấn đề cải cách DNNN và chi tiêu chính phủ được đặt ra kể từ đó chứ chưa cần đến sự xuất hiện của TPP.
Sau quá trình sửa đổi Hiến pháp, kinh tế nhà nước vẫn được hiến định vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, để lại sự nhập nhằng phân biệt giữa kinh tế nhà nước với DNNN. Đây là vấn đề chúng ta đã trải nghiệm và hiểu rõ, với những thất thoát to lớn về tài sản, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Thêm nữa, mới đây Việt Nam đã thành công trong việc thuyết phục các nước trong TPP về đề xuất trong đó không phân biệt đối xử giữa DNNN và các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế, kể cả trong vấn đề nhận hỗ trợ từ chính phủ.
Mối lo trước mắt được dẹp bỏ. Tuy nhiên, theo sau đó là nỗi trăn trở cũ.
Chúng ta vẫn nói hội nhập là động lực để cải tổ. Nhưng là bao giờ? Dẫu biết quá trình cải cách không thể diễn ra một sớm một chiều, nhưng quan trọng hơn vẫn là chúng ta có đủ ý chí nội tại để thay đổi, hòa mình vào thông lệ chung hay không. Cho đến thời điểm này, có lẽ Việt Nam vẫn chưa đủ điều kiện để bước ra khỏi vùng an toàn của mình.
Cuối cùng, tham gia vào sân chơi lớn đồng nghĩa với việc phải chấp nhận cạnh tranh khốc liệt. Ở cấp độ quản lý vĩ mô, tầm nhìn nên được đặt theo hướng chấp nhận sự "hủy diệt sáng tạo", thay vì cầu toàn, đảm bảo sự tồn tại của mọi chủ thể trong nền kinh tế.
Một cách cơ bản, "hủy diệt sáng tạo" đồng nghĩa với việc để cho những lĩnh vực, chủ thể kém hiệu quả bị khai tử, dành nguồn lực phát triển cho những đối tượng khác có đủ sức cạnh tranh, phù hợp với xu thế. Chung quy, nói đến quá trình này cũng là muốn nói đến ý chí cho việc cải tổ. Làm sao nói về cải tổ mà không dám hi sinh?
Làm sao cải tổ khi nhà nước vẫn phải mở hầu bao để cứu những doanh nghiệp chỉ còn xác không hồn và sinh khí (zombie) ở cả trong khu vực quốc doanh lẫn ngoài quốc doanh? Trốn chạy sự hủy diệt theo cách đó là đưa cả nền kinh tế đi đến sự hủy diệt sau cùng, không thể cứu vãn.
Dù đồng ý rằng còn nhiều cách hiểu khác nhau về "tái cấu trúc" nền kinh tế Việt Nam và ngay cả cách thực hiện tái cấu trúc cũng là một vấn đề phải bàn thảo kĩ trong bối cảnh, tình hình phát triển của Việt Nam nhưng nhiều yếu tố mang tính đặc thù chỉ phản ánh hiện tượng của vấn đề mà không đi vào bản chất.
Áp lực hội nhập có thể mở đường cho cải tổ. Cái gốc chính vẫn là đòi hỏi từ việc thay đổi các thiết chế tạo khung hành lang pháp lý và chính sách phù hợp. Và quan trọng hơn cả là chúng ta có thể làm gì để một quá trình như vậy thực sự diễn ra một cách trật tự, bình ổn và ít tốn kém nhất cho xã hội.