Lần đầu tiên một phụ nữ nhận giải Nobel Kinh tế

Theo VnEconomy

Giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2009 đã được Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển trao cho hai giáo sư người Mỹ, trong đó có một phụ nữ.

Các lý thuyết được giải của hai nhà kinh tế học này được đánh giá là những tác phẩm mang tính đột phá và có thể ảnh hưởng tới những nỗ lực ngăn chặn sự xảy đến của các cuộc khủng hoảng tài chính khác trong tương lai.

Nhà kinh tế học thứ nhất được vinh danh ở giải Nobel Kinh tế năm nay là bà Elinor Ostrom, hiện làm việc tại Đại học Indiana, Mỹ, với lý thuyết về quản lý các nguồn tài nguyên chung như rừng, hải sản, đồng cỏ, các mỏ dầu, hệ thống thủy lợi... Đáng chú ý, nhà khoa học năm nay 76 tuổi này là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử được nhận giải Nobel Kinh tế.

Bà Ostrom đã chỉ ra rằng, các nguồn tài nguyên chung có thể được quản lý một cách thành công bới những người sử dụng, thay vì bởi chính phủ hay các công ty tư nhân. “Những gì mà chúng ta đã xem nhẹ là những gì mà các công dân có thể làm, cũng như tầm quan trọng của sự liên quan thực tế của những người có liên quan. Những điều bị bỏ qua này trái với việc các chính trị gia đưa ra quy tắc”, bà Ostrom phát biểu.

Cùng chia sẻ giải thưởng danh giá này với bà Ostrom là giáo sư Oliver Williamson, 77 tuổi, người đi tiên phong trong việc nghiên cứu làm thế nào và tại sao các công ty tự cấu trúc chính mình và cách thức giải quyết xung đột của doanh nghiệp. Ông Williamson hiện đang làm việc tại Đại học California, Mỹ.

Lý thuyết của ông tập trung vào lý giải tại sao các công ty và các thị trường có cách giải quyết xung đột khác nhau. Ông đã phát hiện ra rằng, các công ty thường có khả năng giải quyết xung đột hơn so với các thị trường nếu như sự cạnh tranh bị hạn chế.

Lý thuyết này không đề cập cụ thể tới khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng đã chỉ ra những thiếu sót trong chuyện giám sát lương thưởng, hay các loại chứng khoán có độ rủi ro cao - vốn bị xem là những vấn đề trọng tâm của cuộc khủng hoảng này. Williamson cho rằng, việc kiểm soát trực tiếp những hành vi như vậy sẽ tốt hơn là dùng các chính sách để hạn chế quy mô của các doanh nghiệp.

“Thế giới đã bàn luận rất nhiều trong việc các ngân hàng đầu tư lớn hành động như thế nào để dẫn tới khủng hoảng. Đó là các ông chủ lạm dụng quyền lực, lạm dụng niềm tin của cổ đông, và điều này đã được chỉ ra trong các lý thuyết của Williamson”, ông Per Krussel, thành viên hội đồng giám khảo giải Nobel Kinh tế, nhận xét.

Theo các chuyên gia, nghiên cứu của hai học giả trên không cho rằng việc chính phủ tăng cường giám sát là con đường ngăn chặn các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Tuy nhiên, tác phẩm của hai nhà kinh tế này, đặc biệt là của Williamson, có thể giúp định hình các cuộc tranh luận và thúc đẩy các nghiên cứu để ngăn chặn sự trở lại của khủng hoảng.

Những lý thuyết này cũng có thể ảnh hưởng tới cách nhìn nhận những vấn đề lớn khác của thế giới hiện nay như chăm sóc y tế cho người dân hay sự ấm lên của Trái đất.

“Một bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính này là chúng ta đã quá tin tưởng vào các định chế có vai trò quan trọng đối với sự vận hành các chức năng của nền kinh tế. Các lý thuyết của Ostrom và Williamson cho thấy điều rất quan trọng là phải hiểu rõ các định chế phi thị trường này, gồm các công ty, chính phủ, các cơ quan giám sát và tòa án”, Giáo sư luật học Barack Richman thuộc Đại học Duke, Mỹ, phát biểu.

Khi nhận được tin báo nghiên cứu của mình được nhận giải Nobel, bà Ostrom cho biết bà rất ngạc nhiên. “Thật là một vinh dự lớn. Tôi rất bất ngờ”, bà nói.

Nhà kinh tế học Williamson trước đây từng làm cố vấn cho Ủy ban Thương mại Mỹ trong thời gian 1978-1980. Trước đó, trong các năm 1966-1967, ông đã phục vụ với tư cách cố vấn kinh tế đặc biệt cho Phó tổng chưởng lý chống độc quyền thuộc Bộ Tư pháp Mỹ. Năm nay, ông sẽ cùng với bà Ostrom chia sẻ số tiền thưởng 1,4 triệu USD của giải Nobel.

Như vậy, 3 năm trở lại đây, giải Nobel Kinh tế liên tục thuộc về người Mỹ. Năm ngoái, người đoạt giải là Giáo sư Paul Krugman, một nhà bình luận của tờ New York Times. Năm 2007, giải thưởng này được trao cho ba nhà kinh tế học người Mỹ.

Việc công bố giải Nobel Kinh tế đã khép lại mùa giải Nobel năm nay, với con số kỷ lục 5 phụ nữ được trao các giải thưởng danh giá này. Mùa giải năm nay cũng ghi nhận sự thắng thế của nước Mỹ, với 11 công dân của nước này (một số người có hai quốc tịch) được trao giải trong tổng số 13 người được vinh danh.

Thứ Sáu tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama được trao giải Nobel Hòa bình và đây được xem là sự kiện gây bất ngờ nhất trong mùa giải Nobel 2009.

Ngoài tiền thưởng, các nhà khoa học, nhà văn và chính trị gia đoạt giải Nobel sẽ còn được nhận huy chương vàng và bằng chứng nhận từ nhà vua Thụy Điển vào ngày 10/12 tới nhân kỷ niệm ngày mất của nhà khoa học Alfred Nobel.

Giải Nobel Y học năm nay thuộc về ba nhà khoa học người Mỹ là Elizabeth H. Blackburn, Carol W. Greider và Jack W. Szostak, với công trình phát minh cơ chế chủ đạo trong các hoạt động di truyền của tế bào.

Giải Nobel Vật lý được trao cho ba công dân Mỹ, gồm Charles K. Kao - nhà khoa học gốc Trung Quốc, người đã phát triển cáp quang, và Willard S. Boyle và George E. Smith với phát minh “mắt” cho camera kỹ thuật số.

Hai nhà khoa học người Mỹ khác là Venkatraman Ramakrishnan và Thomas Steitz, cùng với đồng nghiệp người Israel có tên Ada Yonath cùng chia sẻ giải thưởng Nobel Hóa học dành cho công trình mô tả từng nguyên tử của ribosome.

Cuối cùng, nhà văn người Đức gốc Romania Herta Mueller là chủ nhân của giải Nobel Văn học 2009.