Làn sóng nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm từ EU vào Việt Nam tăng mạnh

Theo dangcongsan.vn

Nhằm đón đầu các cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU, các doanh nghiệp châu Âu đã sẵn sàng chiến lược cho việc xuất khẩu những sản phẩm thế mạnh như thịt gia súc, gia cầm vào thị trường Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo các chuyên gia, nếu Việt Nam không có sự chuẩn bị tốt cho việc hội nhập kinh tế quốc tế, ngành sản xuất, chế biến thịt gia súc, gia cầm nội địa sẽ bị mất thị phần, kéo theo sự thay đổi bất lợi của cả ngành chăn nuôi vốn đang trong quá trình phát triển.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong hai năm gần đây, nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ thịt như thịt bò, thịt lợn, thị gà... từ EU sang Việt Nam đã tăng hơn 7 lần so với những năm trước đó. Điển hình, trong hai quý đầu của năm 2015 đã có gần 1.000 tấn thịt lợn được nhập khẩu về Việt Nam từ EU, tăng gần 25% về số lượng và hơn 63% về doanh thu so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy các loại thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ châu Âu đang ngày càng hiện diện nhiều hơn trên bàn ăn của người Việt và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Mặt khác, từ tháng 8/2015, FTA Việt Nam - EU đã cơ bản hoàn thành quá trình đàm phán và dự kiến sẽ ký kết trong thời gian tới. Khi FTA này có hiệu lực, thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ EU vào Việt Nam sẽ có giá thành thấp hơn hiện nay, do tác động của việc cam kết ưu đãi thuế quan có thể miễn, giảm về mức 0% theo lộ trình từ 3 đến 7 năm sau đó. Với mức thuế 0%, các loại thịt gia súc, gia cầm từ châu Âu sẽ cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm cùng loại tại thị trường Việt Nam, đồng thời gây sức ép không nhỏ lên ngành thịt gia súc, gia cầm nội địa.

Ông Wieslaw Rozanski, Chủ tịch Liên minh các nhà sản xuất và sử dụng lao động trong ngành thịt châu Âu (UPEMI) cho biết, tại châu Á, Việt Nam được đánh giá là thị trường lớn và tiềm năng nhất của ngành thịt gia súc, gia cầm châu Âu. Trong đó, Ba Lan là một trong những nhà sản xuất lớn của EU, nên việc thúc đẩy hợp tác giữa Ba lan và Việt Nam đóng vai trò quan trọng, góp phần đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu của ngành thịt gia súc, gia cầm châu Âu vào Việt Nam. Đặc biệt, FTA Việt Nam - EU được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các hợp tác giao thương cũng như xuất khẩu sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ EU vào Việt Nam tăng mạnh. Hiện có hơn 100 nhà xuất khẩu thịt gia súc, gia cầm thuộc các nước EU được cấp phép xuất khẩu vào Việt Nam.

Theo các chuyên gia EU, “Hương vị truyền thống châu Âu” là chiến dịch quảng bá thông tin được xúc tiến bởi Liên minh các Nhà sản xuất và sử dụng lao động trong ngành thịt gia súc, gia cầm, châu Âu được tổ chức tại Việt Nam từ tháng 7/2013 và sẽ kéo dài đến hết tháng 7/2016. Đây không phải lần đầu tiên hoạt động quảng bá sản phẩm của các nhà sản xuất thịt gia súc, gia cầm châu Âu được tổ chức tại một nước vốn có ngành chăn nuôi đang phát triển như Việt Nam. Đồng thời, thị trường Việt Nam cũng không phải là thị trường lớn truyền thống của các nhà sản xuất thịt gia súc, gia cầm châu Âu, tuy nhiên mục tiêu tăng cường thâm nhập thị trường Việt Nam của các tập đoàn châu Âu là rất rõ ràng.

Ghi nhận tại Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Thực phẩm - Đồ uống - Máy móc bao bì Đóng gói lần thứ 19 (VietFood & Beverage - ProPack Vietnam 2015) vừa tổ chức vào đầu tháng 9/2015 ở Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, số lượng các doanh nghiệp sản xuất, nhà nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm từ châu Âu tham gia tăng đột biến so với những lần Triển lãm trước. Các nhà sản xuất thịt gia súc, gia cầm đến từ châu Âu cho biết, họ nhận thấy nhiều cơ hội mở rộng thị trường và tiềm năng lớn ở thị trường với 92 triệu dân của Việt Nam và trên 600 triệu dân của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), vốn có sức tiêu thụ rất mạnh các loại thịt gia súc, gia cầm.

Nhận định về thị trường Việt Nam, bà Justyna Niemczuk, Tổng giám đốc Thương mại, Nhà máy Sản xuất thịt Lmeat-Lukow S.A cho rằng, các doanh nghiệp EU nói chung và Ban Lan nói riêng xuất khẩu thịt gia súc, gia cầm sang Việt Nam không phải là để có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất ở Việt Nam mà đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm khác biệt, hấp dẫn hơn với chất lượng cao cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, thị trường và sức tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm tại Việt Nam đang tăng trưởng với nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn nên sẽ có đủ thị phần cho tất cả doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia, hoặc hợp tác cùng phát triển theo hướng liên doanh, liên kết.

Đánh giá về làn sóng nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm từ châu Âu sang Việt Nam, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản Vissan nhấn mạnh, các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và EU nói riêng có nhiều kinh nghiệm trong hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời rất chủ động tiếp cận, khai thác hiệu quả những lợi thế của các FTA. Còn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, mặc dù ngày càng quan tâm và nâng cao nhận thức về vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế nhưng vẫn khá thụ động và chưa nắm bắt được nhiều cơ hội cũng như tận dụng triệt để lợi thế cạnh tranh từ các FTA mà Việt Nam tham gia.

Trước những bước đi bài bản và từ khá sớm của các doanh nghiệp thực phẩm châu Âu, để giữ thị phần trong nước và có thể mở rộng thị trường xuất khẩu thông các FTA, các chuyên gia cho rằng, dù muộn nhưng nếu doanh nghiệp Việt Nam không quyết tâm và có những bước cải tiến mạnh mẽ thì sẽ khó cạnh tranh trong thị trường quốc tế. Cụ thể, doanh nghiệp phải cải tiến thay đổi tư duy quản trị doanh nghiệp và phương thức sản xuất, đồng thời hướng đến nhu cầu thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tư duy theo hướng thị trường quyết định cho sản xuất, sau đó sản xuất quyết định kinh doanh, dựa trên cơ sở đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu thị trường, tiếp cận thị trường.