Tăng cường phối hợp, liên kết vùng

Theo daibieunhandan.vn

Từ lâu phát triển vùng và liên kết vùng để phát triển là một trong những chủ đề thu hút sự quan tâm của không chỉ các nhà nghiên cứu về phương diện học thuật, mà còn là nhu cầu thực tế trong công tác quản lý của các cấp, các ngành, cũng như trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Với lợi thế là trung tâm chính trị - văn hóa - kinh tế lớn của cả nước, vấn đề liên kết vùng để phát triển của Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của nền kinh tế - xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Lợi thế trong liên kết vùng để phát triển

Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học công nghệ và kinh tế lớn của cả nước; đồng thời là hạt nhân của vùng đồng bằng sông Hồng, là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.Chưa kể đến, Hà Nội cũng nằm trên giao lộ của 2 tuyến hành lang kinh tế Việt Nam- Trung Quốc là hành lang kinh tế Côn Minh- Lào Cai- Hà Nội - Hải Phòng- Quảng Ninh và hành lang kinh tế Nam Ninh- Lạng Sơn- Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh. Và Hà Nội cũng là trung tâm kinh tế của cả miền Bắc trong tương quan 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Có thể thấy, vị thế thủ đô đã tạo cho Hà Nội một lợi thế độc nhất vô nhị trong liên kết vùng, địa phương để phát triển và mang trọng trách khách quan của một trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội- văn hóa- khoa học công nghệ và giao lưu quốc tế lớn của kiểu liên kết mang tính lan tỏa, lôi kéo giữa trung tâm và ngoại vi, đô thị và nông thôn.

Nhờ vào lợi thế đó, thời gian qua, hoạt động liên kết phát triển vùng và hội nhập quốc tế giữa Hà Nội và các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trong điểm Bắc bộ, vùng Thủ đô Hà Nội… đều đã khẳng định vị thế trung tâm của Hà Nội; đồng thời xác định rõ sự liên kết phát triển tổng thể của cả vùng.

Lĩnh vực liên kết vùng, địa phương nổi bật của Hà Nội là các công trình kết cấu hạ tầng được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đơn cử như tuyến đường bộ được xây dựng mới nối Hà Nội và các địa phương trong vùng như đường cao tốc Hà Nội- Lào Cai, Hà Nội- Lạng Sơn, Hà Nội- Ninh Bình, Hà Nội- Quảng Ninh… Tiếp theo là các công trình bệnh viện, trường địa học, khu công nghiệp… mở rộng ra các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Ninh… Tất cả đang dần hình thành nên một sự phân bố không gian lãnh thổ hợp lý hơn giữa TP Hà Nội với các thành phố vệ tinh...

Tuy nhiên, dù đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng thực tế việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội thời gian qua vẫn còn có chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra cho giai đoạn 2011- 2015. Việc hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra trong thời gian tới đòi hỏi Hà Nội cần thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ, sáng tạo với tầm nhìn mới, cách làm mới. Trong đó, nhu cầu liên kết, phân công và phối hợp trên quy mô vùng trong cả đột phá về thể chế, đột phá về phát triển nhân lực và đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng, nhằm tạo ra sức hấp dẫn mới thu hút nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội một cách hiệu quả và bền vững.

Tăng cường hoạt động phối hợp, liên kết vùng

Từ nhu cầu thực tế và cách thức liên kết vùng hiện nay, để tăng cường hoạt động phối hợp, liên kết vùng nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả và bền vững, theo Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Tất Thắng, Hà Nội cần đổi mới nhận thức về tư duy phát triển vùng và liên kết vùng.

Theo đó, cần nhận thức đúng vai trò, vị trí của phát triển kinh tế vùng trong hệ thống kinh tế quốc dân và vai trò của liên kết vùng trong hệ thống các quan hệ kinh tế vĩ mô, nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quan điểm phát triển chung và vì lợi ích phát triển quốc gia. Đồng thời, xem xét lại cơ chế phân cấp giữa trung ương và địa phương và chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương; gắn phân cấp cho địa phương với bảo đảm nguồn lực thực hiện. Đây là biện pháp có tính cơ bản và lâu dài.

Mặt khác, để có tính đồng bộ, hệ thống và vận hành nhịp nhàng nhằm đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra cần thiết phải nghiên cứu hình thành cơ chế quản lý phát triển kinh tế vùng. Viện trưởng Bùi Tất Thắng cho rằng, hiện nay nước ta mới chỉ có Ban chỉ đạo các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ, Ban điều phối các vùng kinh tế trọng điểm. Như vậy, còn nhiều địa phương và vùng chưa xác định được cơ chế quản lý rõ ràng. Để phát huy được cao nhất các tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương và khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, mâu thuẫn, hiệu quả thấp… trong đầu tư phát triển, cần có sự phân công, hợp tác giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng.

Ngoài ra, để phát triển hiệu quả cần tổ chức nghiên cứu cơ chế chính sách liên kết vùng để giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế bền vững như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, nguồn nước, phòng tránh thảm họa và ứng phó với biến đổi khí hậu... Chưa kể đến, một số hoạt động liên kết vùng nên sớm được xem xét. Theo đó, trong khi chờ đợi một cơ chế liên kết phối hợp chung, thống nhất từ trung ương, nên chủ động tổ chức liên kết các hoạt động xúc tiến đầu tư vùng trên cơ sở thế mạnh của Hà Nội và từng địa phương. Tổ chức nghiên cứu cụ thể từng lĩnh vực và lộ trình thực hiện các lĩnh vực liên kết cụ thể giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong vùng và liên vùng…

Trong bối cảnh chuyển sang nền kinh tế thị trường, nền kinh tế nước ta có đầy đủ các kiểu liên kết vùng. Thứ nhất là các hình thức liên kết tự nhiên của quá trình phát triển, trong đó nổi bật nhất là kiểu liên kết mang tính lan tỏa, lôi kéo giữa trung tâm và ngoại vi, đô thị và nông thôn. Thứ hai là liên kết theo quan hệ phân cấp chính quyền giữa trung ương và địa phương (liên kết theo chiều dọc). Ba là liên kết giữa các vùng/địa phương với nhau, chủ yếu là do các cơ quan quản lý cấp địa phương với nhau và mang tính hành chính tự nguyện (liên kết theo chiêu ngang). Đây là loại hình liên kết được quan tâm nhiều hơn trong những năm gần đây.