6 ngành công nghiệp ưu tiên phát triển:

Thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước

Theo daibieunhandan.vn

Trao đổi bên lề cuộc Hội thảo Liên kết doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ ở 6 ngành công nghiệp trong Chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam - Nhật Bản, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương NGUYỄN THỊ TUỆ ANH cho rằng, 6 ngành phía Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phát triển đều là những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn vừa qua, đóng góp lớn vào hoạt động xuất khẩu. Đây sẽ là những ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh quốc tế, giữ vai trò dẫn dắt về thúc đẩy thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phóng viên: Sau 2 năm thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (Chiến lược), hai nước đã đạt được kết quả gì, thưa Bà?

Thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước - Ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh: Với mục tiêu đưa 6 ngành này thành những ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh quốc tế, các ngành này sẽ giữ vai trò dẫn dắt về thúc đẩy thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là của Nhật Bản. 6 ngành phía Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phát triển đều là ngành Việt Nam có tiềm năng, có tốc độ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn vừa qua, có nhu cầu cao ở trong nước và đóng góp lớn vào hoạt động xuất khẩu.

Một số ngành Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển như chế biến thực phẩm, máy nông nghiệp và đóng tàu, nhưng năng suất còn thấp và năng lực cạnh tranh yếu. Ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng còn tương đối mới, trong khi nhu cầu đối với ngành này có xu hướng tăng lên cùng với quá trình công nghiệp hóa như xử lý rác thải công nghiệp, thiết bị bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Hiện tại, Chính phủ đã phê duyệt 5 ngành, riêng ngành ô tô và phụ tùng ô tô đang chuẩn bị trình để sớm phê duyệt. Trong mỗi kế hoạch hành động của từng ngành, ví dụ như ngành công nghiệp điện tử thì chúng ta lựa chọn ra một số vấn đề mang tính chiến lược, tức là tìm nút thắt để tháo gỡ mới có thể thực hiện được mục tiêu đề ra. Công nghiệp hỗ trợ trong Chiến lược này chỉ là một hoạt động.

Ngoài ra, còn nhiều việc khác như hoạch định chính sách, một số ngành hình thành các khu công nghiệp ví dụ như chế biến nông thủy sản có khu công nghiệp chế biến nông sản công nghệ cao hay một số nơi hình thành các cụm công nghiệp như công nghiệp đóng tàu...Tôi cho rằng, phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược này.

Tháng 7/2013, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó ưu tiên phát triển 6 ngành công nghiệp bao gồm: điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; và sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô.

Vậy, thưa Bàtrong quá trình triển khai chúng ta gặp những vướng mắc gì ?

Tôi ví dụ về ngành công nghiệp điện tử là rõ nhất. Thời gian qua công nghiệp điện tử phát triển rất mạnh, dung lượng thị trường tương đối tốt. Ví dụ như Samsung và Canon sản xuất các thiết bị như máy văn phòng, camera, những sản phẩm về thông tin truyền thông...

Chúng ta xuất khẩu nhiều sản phẩm ra các thị trường nước ngoài. Khi dung lượng thị trường lớn như vậy nhưng công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa phát triển. Nút thắt hiện tại là ở các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia được chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn. Trong khi đó mục tiêu của Chiến lược đề ra là chúng ta phát triển 6 ngành này, không chỉ làm ra sản phẩm cuối cùng mà phải tăng được giá trị gia tăng trong nước. Nếu không làm được điều này chúng ta mãi mãi chỉ gia công lắp ráp.

Chúng ta bàn luận rất nhiều về công nghiệp hỗ trợ nhưng chỉ mới bình luận yếu kém như vậy nhưng ở mức độ nào và doanh nghiệp cần phải làm gì thì chưa rõ. Về góc độ nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhưng cũng lưu ý rằng công nghiệp hỗ trợ không phải do chúng ta quyết định. Có tham gia được chuỗi cung ứng của Samsung hay không thì phải do Samsung quyết định. Vậy thì làm thế nào để có thể tham gia chuỗi khi quyền quyết định là họ.

Tôi cho rằng, vai trò của các doanh nghiệp đầu đàn tức là doanh nghiệp sản xuất cuối cùng cũng rất quan trọng và khi tham gia chính sách về công nghiệp hỗ trợ thì cần thu hút họ vào đây bởi chính họ mới là người biết được mình cần gì và yêu cầu doanh nghiệp làm gì khi tham gia chuỗi cung ứng của họ.

Trở lại câu chuyện giữa Việt Nam - Nhật Bản trong việc phát triển 6 ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển thì Nhật Bản sẽ đem đến những gì và chúng ta đón nhận điều này ra sao, thưa Bà?

Trong chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam- Nhật Bản, đối tượng thực hiện cuối cùng là doanh nghiệp. Mục tiêu đề ra của Chiến lược này là gì? Chúng ta đưa ra một số lĩnh vực để tập trung ưu tiên phát triển thêm vào đó là một số chính sách cho sản phẩm cụ thể của từng ngành. Hiện tại trong một số lĩnh vực như ô tô thì các nhà sản xuất của Nhật Bản đã vào Việt Nam. Chúng ta không nên kỳ vọng cùng một lúc làm được tất cả ngành khác. Điều này là chưa thể.

Về phía Nhật Bản, họ đã hỗ trợ chúng ta tương đối nhiều trong việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện tử, công nghiệp. Trong công nghiệp đóng tàu, Nhật Bản cũng nỗ lực tìm kiếm các doanh nghiệp Nhật Bản có kỹ thuật cao quan tâm tới ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam. Đại sứ quán Nhật Bản cũng phối hợp chặt chẽ với JICA cử nhiều đoàn chuyên gia sang hỗ trợ và hy vọng Việt Nam sẽ triển khai nhiều chương trình, kế hoạch thích hợp để phát triển bền vững.

Tại hội thảo cũng đề cập đến lĩnh vực nông sản và đây là thế mạnh của chúng ta. Vậy công nghiệp hỗ trợ trong chế biến nông sản của Việt Nam cần những bước chuyển biến như thế nào?

Nhật Bản cũng đang rất quan tâm đến ngành nông thủy sản của Việt Nam bởi đây là một ngành Việt Nam có thế mạnh nhất. Việt Nam đi lên từ một nước nông nghiệp và chúng ta có tiềm năng nhưng chúng ta chưa thể tiếp cận được với thị trường bên ngoài do chưa đạt được tiêu chuẩn quốc tế. Tại sao chúng ta chỉ xuất khẩu hàng sơ chế, hàng thô. Nhật Bản mạnh về công nghệ, chúng ta cũng kỳ vọng sẽ có sự hợp tác giữa hai bên và Nhật Bản chuyển giao công nghệ như bảo quản sau thu hoạch, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Người tiêu dùng trong nước muốn có sản phẩm sạch để ăn, đồng thời muốn xuất khẩu ra thị trường bên ngoài. Tôi cho rằng, về phía các doanh nghiệp Việt nam cũng như các Hiệp hội cần phải chủ động, tất nhiên cũng cần có vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước. Họ là cầu nối kết nối giữa các Hiệp hội, doanh nghiệp. Và tôi nghĩ rằng cũng cần phải tham vấn doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chính sách. Chúng ta nói Samsung quyết định một doanh nghiệp nào đó nhưng họ có chọn đâu. Bản thân Samsung sẽ tự chọn các tiêu chuẩn, tiêu chí. Tất cả đểu phải rõ ràng.

Xin cảm ơn Bà!