Lập “kịch bản” phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2025

Lê Hà

Trong năm 2022, phấn đấu đạt 19,17 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), đạt 38,7% lực lượng lao động trong độ tuổi; đạt 15,2 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt 30,7% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 91,76 triệu người, đạt 92,7% dân số.

Phấn đấu trong năm 2022 đạt 19,17 triệu người tham gia BHXH, đạt 38,7% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Phấn đấu trong năm 2022 đạt 19,17 triệu người tham gia BHXH, đạt 38,7% lực lượng lao động trong độ tuổi.

BHXH Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch số 1813/KH-BHXH ngày 6/7/2022 về triển khai thực hiện công tác khai thác, phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2022 - 2025.

Kế hoạch đặt mục tiêu, phấn đấu trong năm 2022 đạt 19,17 triệu người tham gia BHXH, đạt 38,7% lực lượng lao động trong độ tuổi; đạt 15,2 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt 30,7% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người lao động tham gia BHYT đạt 91,76 triệu người, đạt 92,7% dân số.

Đến năm 2025, phấn đấu đạt 25,33 triệu người tham gia BHXH, đạt 47,2% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 18,68 triệu người, đạt tỷ lệ 35,1% lực lượng lao động trong độ tuổi; số tham gia BHYT đạt 96,92 triệu người, đạt tỷ lệ 95,51% dân số.

Để hiện thực hóa mục tiêu cụ thể trên, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố rà soát, thống kê người chưa tham gia BHYT làm căn cứ xây dựng Chương trình phát triển người tham gia BHYT giai đoạn 2022-2025 của từng tỉnh.

Phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lập kế hoạch và giải pháp cụ thể để phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn, hỗ trợ từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực khác để hỗ trợ đóng BHXH, BHYT cho người dân.

Giao chỉ tiêu tham gia BHXH, BHYT theo từng địa bàn (huyện, xã) với chính quyền địa phương cùng cấp, gắn trách nhiệm phát triển người tham gia BHXH, BHYT theo các nhóm với các Sở, ngành quản lý đối tượng có liên quan.

Trên cơ sở dữ liệu đăng ký kinh doanh, cơ quan Thuế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an… phối hợp xây dựng kế hoạch rà soát, đối chiếu, kiểm tra tất cả các đơn vị.

Cùng với đó, BHXH tỉnh, thành phố phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện, xã, các ngành liên quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân, hội viên, thân nhân… tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Thường xuyên báo cáo, trao đổi, cung cấp thông tin về kết quả, tình hình thực hiện việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình tiên tiến trong công tác vận động, phát triển người tham gia BHXH, BHYT.

Ngoài các nội dung trên, BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý hệ thống mạng lưới tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia BHXH, BHYT...