Lập phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa đối với các công ty nông, lâm nghiệp
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hoàn thành việc cổ phần hóa vào đầu năm 2018 và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào ngày 1/6/2018 với vốn điều lệ 40.000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 96,77% vốn điều lệ. Sau khi có quyết định thực hiện cổ phần hóa, Công ty mẹ - Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã xây dựng 25 phương án sử dụng đất của từng đơn vị để lấy ý kiến các địa phương. Trong quá trình thực hiện cổ phần hóa đối với các công ty nông, lâm nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Thực trạng triển khai cổ phần hóa của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam
Cơ sở pháp lý và quy mô phương án sử dụng đất
Thực hiện Công văn số 2296/TTg-ĐMDN ngày 16/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông nghiệp của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định về việc tiến hành cổ phần hóa (CPH) Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, kế hoạch và lộ trình triển khai CPH.
Trưởng ban Chỉ đạo CPH đã ký quyết định thành lập Tổ giúp việc CPH để thực hiện CPH Công ty mẹ - Tập đoàn cùng 20 công ty TNHH một thành viên Cao su, 4 đơn vị sự nghiệp (sau đây gọi tắt là Công ty mẹ - Tập đoàn và các đơn vị thành viên).
Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Tổ giúp việc phối hợp với Tập đoàn chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan gồm: Hồ sơ pháp lý về thành lập doanh nghiệp (DN); Hồ sơ pháp lý về tài sản, nguồn vốn, công nợ của DN; Báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thuế của Công ty mẹ - Tập đoàn và các đơn vị thành viên đến thời điểm xác định giá trị DN; Lập dự toán chi phí CPH theo chế độ quy định; Lập phương án sử dụng đất của Công ty mẹ - Tập đoàn và các đơn vị thành viên đang quản lý phù hợp với quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trong từng thời kỳ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt...
Hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam quản lý đất đai khá lớn, diện tích sử dụng của Công ty mẹ - Tập đoàn và các đơn vị thành viên là 2.443.126.273,8 m2 đất tại 18 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó: Đất phi nông nghiệp là 47.968.628,7 m2; đất nông nghiệp là 2.395.157.645,1 m2 (lấy tròn 239.516 ha).
Sau khi có Quyết định thực hiện CPH Công ty mẹ- Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã xây dựng 25 phương án sử dụng đất của từng đơn vị để lấy ý kiến các địa phương. Sau đó, các địa phương đã có văn bản ý kiến về phương án sử dụng đất của các đơn vị.
Ngoài lập phương án sử dụng đất, có 9.732.831 m2 đất thuộc đối tượng rà soát, sắp xếp theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước gồm 583 thửa đất, 868 cơ sở nhà cửa, vật kiến trúc gắn với đất với tổng diện tích xây dựng 772.665 m2.
Phần lớn các cơ sở nhà, đất thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã hoàn thiện về tình trạng pháp lý đất đai; chỉ có 30 thửa đất chưa hoàn thành thủ tục pháp lý với diện tích 145.202,2 m2. Các đơn vị đã chủ động hoàn thiện hồ sơ để thực hiện sắp xếp theo đúng quy định.
Theo phương án được duyệt, tổng diện tích đất bàn giao lại địa phương của Tập đoàn là 279.400.163,9 m2 (27.940 ha) gồm: Đất nông nghiệp: 272.075.303,9 m2 và đất phi nông nghiệp 7.324.860,0 m2, trong đó: Tổng diện tích đất thuộc đối tượng Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg trả về địa phương là 514.952 m2 thuộc 72 thửa đất với 82 cơ sở diện tích xây dựng 50.672 m2 (gồm 4 cơ sở nhà làm việc diện tích xây dựng 4.619 m2, 5 cơ sở sản xuất kinh doanh diện tích xây dựng 17.964 m2 và 73 cơ sở công trình khác diện tích xây dựng 28.088 m2).
Hiện nay, Tập đoàn đang thực hiện trả đất về địa phương theo đúng quy định của Luật Đất đai; được nhận đền bù, hỗ trợ nếu còn tài sản trên đất. Việc trả đất kéo dài vì lệ thuộc kế hoạch triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và dự án đầu tư của địa phương.
Tổ chức thực hiện cổ phần hóa các công ty nông, lâm nghiệp
Sau khi thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc CPH, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có văn bản gửi các địa phương có đất đề nghị phối hợp, hỗ trợ trong quá trình lập phương án của Công ty trên địa bàn. Còn tại Tập đoàn, ngoài Tổ giúp việc CPH, giao trách nhiệm cho bộ phận quản lý đất đai Tập đoàn theo dõi, đốc thúc, hỗ trợ các đơn vị trong quá trình lập phương án sử dụng đất.
Đối với một số phương án sử dụng đất chưa có sự đồng thuận cao của địa phương, chủ yếu một số địa phương quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không rõ ràng nên có sự chưa đồng thuận về vị trí các khu đất trả địa phương.
Những trường hợp này, Lãnh đạo Tập đoàn trực tiếp làm việc với lãnh đạo địa phương để thống nhất phương án trên quan điểm hài hoà lợi ích với các bên và không làm ảnh hưởng đến hoạt động của công ty sau CPH.
Đối với một số trường hợp đặc thù có vướng mắc trong quá trình thực hiện, Tập đoàn đã báo cáo Ban Chỉ đạo để xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan để được hướng dẫn xử lý.
Thuận lợi, khó khăn
Thuận lợi
Trong quá trình triển khai CPH, phần lớn các đơn vị thành viên Tập đoàn đều có bộ phận chuyên trách quản lý về đất đai, nên việc tập hợp tài liệu nhanh, chính xác; phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý đất đai địa phương để thực hiện kế hoạch CPH theo lộ trình đề ra.
Bên cạnh đó, có sự chỉ đạo kịp thời của chủ sở hữu, của các Bộ, ngành giúp giải quyết các cơ chế để đẩy nhanh tiến độ CPH. Sự quyết liệt của Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc và từng đơn vị thành viên tham gia quá trình lập phương án CPH.
Khó khăn
Bên cạnh thuận lợi trên, quá trình CPH của các công ty thành viên Tập đoàn cũng gặp phải một số khó khăn như:
- Đất đai nông, lâm trường có nguồn gốc từ nhiều thời kỳ, hồ sơ pháp lý không đồng bộ, một số diện tích có tranh chấp, diện tích thực tế quản lý, sử dụng khác với sổ sách. Công tác đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa kịp thời, còn nhiều trường hợp sai sót.
- Việc cập nhật biến động đất các đơn vị thường thực hiện không kịp thời, dẫn đến hồ sơ pháp lý và thực tế có khác biệt, việc vừa làm phương án vừa hoàn thiện hồ sơ pháp lý làm kéo dài thời gian.
Bài học kinh nghiệm
Từ những vướng mắc trong quá trình CPH tại các công ty thành viên thuộc Tập đoàn đã rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, với nông, lâm trường, phương án sử dụng đất khá phức tạp, tốn nhiều thời gian, để bảo đảm tiến độ, trước khi có chủ trương CPH cần tiến hành rà soát kỹ lưỡng để khi lập phương án chỉ tập trung vào việc xác định đất giữ lại và trả về địa phương.
Hai là, với các đơn vị chưa có bộ phận chuyên trách cần có tập huấn, hướng dẫn để có thể tự thực hiện; việc giao khoán cho đơn vị tư vấn CPH sẽ rất khó hoàn thành theo tiến độ đề ra.
Ba là, đất đai phải được quản lý, rà soát, cập nhật biến động thường xuyên.
Bốn là, có quan hệ thật chặt chẽ với địa phương, nắm rõ thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở từng thời điểm để tránh phương án phải điều chỉnh nhiều lần.
Đề xuất, kiến nghị
Phương án sử dụng đất của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam bao gồm cả phương án sử dụng đất của từng đơn vị thành viên, được xây dựng theo đúng quy định của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn về CPH DNNN.
Cơ sở xây dựng phương án sử dụng đất là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm của địa phương ở thời điểm lập phương án và kế hoạch sản xuất kinh doanh của Công ty 3-5 năm, nên đến thời điểm hiện nay không còn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, với chiến lược chuyển đổi cây trồng, ngành nghề để tăng hiệu quả của DN.
Hiện nay, theo quy định tại khoản m, Điều 2, Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị quy định: “... DN sau CPH phải thực hiện đúng phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trong phương án CPH DN. Việc chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện sắp xếp, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp CPH phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục theo quy định. Kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm”.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh phương án sử dụng đất khi CPH không có cơ sở pháp lý để thực hiện bởi do các yếu tố sau:
- Theo tinh thần Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì phương án sử dụng đất CPH được xây dựng theo hướng dẫn tại Thông tư số 07/2015/TT-BTNMT ngày 26/02/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, địa phương có ý kiến và Tập đoàn phê duyệt phương án CPH, trong đó có phương án sử dụng đất. Riêng các công ty CPH đồng thời với Công ty mẹ - Tập đoàn, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH, trong đó có phương án sử dụng đất, trong tất cả các quy định nêu trên không có quy định về điều chỉnh phương án sử dụng đất.
- Tập đoàn và các công ty thành viên đã hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, không còn thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 118/2014/ NĐ-CP ngày 17/12/2014 (do không còn là công ty TNHH một thành viên, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) và Thông tư số 07/2015/TT-BTNMT ngày 26/02/2015 nên không xác định được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Từ thực tế trên, việc điều chỉnh phương án sử dụng đất về pháp lý gặp vướng mắc sẽ gây khó khăn cho địa phương trong việc thực hiện quy hoạch (đặc biệt quy hoạch giai đoạn 2021-2030), gây khó khăn cho Tập đoàn thực hiện quy hoạch để tăng hiệu quả sử dụng đất (đã có trường hợp công ty phải thuê đất ngoài vùng nguyên liệu để xây dựng nhà máy sơ chế, đóng gói sản phẩm).
Theo Luật Đất đai, DN mọi thành phần kinh tế được Nhà nước giao, cho thuê đất phải quản lý, sử dụng theo đúng quy định Luật Đất đai, Nhà nước có thể thu hồi hoặc cho chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy hoạch. Do vậy, Tập đoàn kiến nghị thực hiện theo đúng Luật Đất đai, không phát sinh thêm nghiệp vụ điều chỉnh phương án sử dụng đất.
Đối với các cơ sở nhà, đất thực hiện theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định việc sắp xếp xử lý tài sản công và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã là công ty cổ phần, không thực hiện được việc giảm vốn Nhà nước như công ty TNHH một thành viên, do vậy, cần có hướng dẫn cụ thể để việc bàn giao thuận lợi, giúp phát huy hiệu quả của tài sản.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ, Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014;
2. Chính phủ, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định việc sắp xếp xử lý tài sản công và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021;
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thông tư số 07/2015/TT-BTNMT ngày 26/02/2015.
* Theo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2022.