Lấy lại đà tăng trưởng kinh tế tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững


Sáng ngày 9/10, sau 5 ngày làm việc khẩn trương, Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã bế mạc. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2021-2023 là những nội dung quan trọng được thảo luận kỹ lưỡng, liên tục trong 3 ngày làm việc của Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị trung ương 13 - Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Nguồn: baochinhphu.vn
Toàn cảnh Hội nghị trung ương 13 - Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Nguồn: baochinhphu.vn

Ban Chấp hành Trung ương đã tập trung thảo luận sôi nổi, sâu sắc, có nhiều ý kiến đóng góp cụ thể, xác đáng và thống nhất cao về các nội dung cần bổ sung, sửa đổi dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã trình Trung ương các báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2021-2023.

Cụ thể, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất nhận định,  9 tháng đầu năm 20220, tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái nặng nề, tăng trưởng âm; thương mại thế giới sụt giảm nghiêm trọng; thị trường tài chính biến động bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Do đó, kinh tế - xã hội nước ta bị ảnh hưởng lớn, khó có thể hoàn thành được toàn bộ các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra cho năm 2020 và 5 năm 2016-2020, mặc dù 4 năm trước đó luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, năm sau tốt hơn năm trước.

Mặc dù vậy nhờ có sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn của Chính phủ đã được ban hành kịp thời và tổ chức thực hiện tốt để duy trì ở mức cao nhất các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. 

Việt Nam được coi là điểm sáng về phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn đã được ban hành kịp thời và tổ chức thực hiện tốt để duy trì ở mức cao nhất các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.

Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, đạt trên 2% trong 9 tháng đầu năm, dự kiến từ 2 đến 3% trong năm 2020 (được đánh giá là một trong số 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh đại dịch, kinh tế thế giới và nhiều nước lớn dự kiến tăng trưởng âm).

Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; cán cân thương mại có thặng dư cao, xuất siêu 17 tỷ USD, dự trữ ngoại hối tăng cao khoảng 93 tỷ USD…

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Trung ương cho rằng, trước mắt cần tăng cường công tác phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh và triển vọng kinh tế - xã hội thế giới, trong nước từ nay đến hết năm 2020 và các năm 2021 - 2022; tiếp tục rà soát thật kỹ, xác định đúng các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn của nền kinh tế, định hướng phát triển một số ngành, lĩnh vực quan trọng và những nhiệm vụ trọng tâm, những giải pháp có tính đột phá, khả thi cao.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 13.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 13.

Tại Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII lần này đã phân tích, đánh giá, tạo sự thống nhất cao trong nhận định về những kết quả, thành tựu đã đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm được rút ra từ tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, 10 năm thực hiện cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. 

Dự thảo xác định mục tiêu tổng quát, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao...