Leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran: Giá dầu vẫn giảm?
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang những tuần gần đây lẽ ra phải khiến giá dầu tiếp tục tăng. Tuy nhiên, nhà đầu tư chứng kiến diễn biến ngược lại, khi giá vàng đen giảm mạnh trong những ngày cuối tuần qua.
E ngại cuộc chiến mới
Ngày 20/5, Tổng thống Trump dọa sẽ phá hủy Iran, cảnh báo quan chức ở Tehran rằng, nếu tấn công các lợi ích của Mỹ ở Trung Đông và muốn chiến đấu, thì đó sẽ là kết thúc của nước này. Washington cũng nghi ngờ dân quân có quan hệ với Iran đã tổ chức một cuộc tấn công bằng tên lửa tại thủ đô Baghdad của Iraq.
Không chỉ dừng ở lời nói, ngày 24/5, Mỹ loan báo đã triển khai 1.500 binh sĩ đến Trung Đông và có thể sẽ tiếp tục gửi tới 120.000 binh sĩ. Mỹ mô tả đây là nỗ lực nhằm tăng cường phòng thủ chống lại Iran, đồng thời cáo buộc Vệ binh Cách mạng của Iran chịu trách nhiệm trực tiếp về các vụ tấn công tàu chở dầu gần đây.
Trước đó, Mỹ cũng đã triển khai hàng loạt khí tài tại vùng Vịnh gồm tàu sân bay, tên lửa Patriot, máy bay ném bom B-52 và máy bay chiến đấu F-15.
Tổng thống Trump cũng vượt quyền khi xúc tiến 22 hợp đồng bán vũ khí trị giá khoảng 8 tỷ USD cho các đồng minh tại vùng Vịnh, gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và những quốc gia khác mà không thông qua Quốc Hội. Lý do viện dẫn là mối đe dọa từ Iran để tuyên bố tình trạng khẩn cấp liên quan đến an ninh quốc gia.
Căng thẳng giữa hai nước đang nóng lên kể từ khi chính quyền Mỹ siết chặt các lệnh trừng phạt với xuất khẩu dầu của Iran, sau khi Tổng thống Trump hồi tháng 5/2018 chủ động rút khỏi thỏa thuận giải trừ hạt nhân đã ký với Iran dưới thời Tổng thống Obama.
Quyết định này đã bị chỉ trích bởi các bên cùng ký là Trung Quốc, Pháp, Đức, Iran, Liên minh Châu Âu, Nga và Vương quốc Anh.
Về phần mình, Iran lên án các hành động của Mỹ khiến căng thẳng leo thang, trong bối cảnh liên lạc trực tiếp giữa Mỹ và Iran đình trệ, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột ngày một lớn. Iran cũng cho biết họ sẽ chống lại áp lực của Mỹ và từ chối các cuộc đàm phán tiếp theo.
Đầu tháng 5, Iran tuyên bố ngừng thi hành một số điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân, đồng thời tuyên bố nếu châu Âu không có động thái để bảo vệ Iran khỏi các lệnh trừng phạt trong 60 ngày, sẽ trở lại làm giàu uranium ở mức cao, mở đường cho các chương trình hạt nhân trở lại.
Diễn biến trên đã khiến giá dầu thô WTI leo lên gần 64 USD/thùng trong ngày 20/5 - mức cao nhất kể từ cuối tháng 4. Tuy nhiên, đà tăng nhanh chóng chấm dứt và giá dầu sau đó chìm sâu trở lại trong những ngày cuối tuần qua, với mức giảm đến 6% chỉ riêng ngày 23/5, tiếp nối mức giảm 3% của ngày trước đó.
Kinh tế mới là nỗi lo chính
Bất chấp lo ngại về một cuộc chiến mới, hay việc các thành viên OPEC dự kiến trong cuộc họp sắp tới có thể mở rộng thỏa thuận cắt giảm sản lượng cho đến cuối năm nay, mà theo kế hoạch sẽ hết hạn vào tháng tới, thì thị trường dầu mỏ giảm khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
Là khách hàng nhập khẩu dầu lớn hiện nay, kinh tế suy yếu trước các đòn trừng phạt thương mại sẽ khiến nhu cầu dầu của Trung Quốc sụt giảm đáng kể.
Thực tế cho thấy, một cuộc chiến quân sự giữa Mỹ và Iran là điều không được mong đợi ở cả hai bên vào thời điểm này. Tổng thống Trump tuyên bố ông hy vọng tránh được cuộc chiến với Iran và nhà lãnh đạo tối cao Iran là Ayatollah Ali Khamenei cho biết Tehran cũng không có ý định gây chiến với Mỹ, dù sẽ tiếp tục chống lại những chính sách áp đặt của Washington.
Chính vì vậy, nỗi lo xung đột quân sự không phải là động lực chính dẫn dắt thị trường dầu hiện nay, mà rủi ro về nền kinh tế mới là yếu tố đang chi phối tâm lý các nhà đầu tư.
Với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bước sang giai đoạn mới, sau khi hai bên tăng thuế lên hàng hóa của nhau, cùng việc Mỹ cấm cửa Huawei, giới đầu tư lo ngại kinh tế toàn cầu, hay ít nhất là phía Trung Quốc sẽ sớm rơi vào suy thoái.
Là khách hàng nhập khẩu dầu lớn hiện nay, kinh tế suy yếu trước các đòn trừng phạt thương mại sẽ khiến nhu cầu dầu của Trung Quốc sụt giảm đáng kể.
Mở rộng ra toàn cầu, kinh tế yếu kém cũng sẽ làm giảm sản lượng dầu tiêu thụ, trong bối cảnh nguồn cung dầu đá phiến tại Mỹ liên tục mở rộng những năm gần đây đẩy lượng dự trữ dầu của Mỹ gia tăng kỷ lục và cũng khiến Mỹ trở thành nhà xuất khẩu dầu số 1 thế giới.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang cũng thúc đẩy các nhà đầu tư thoát khỏi các kênh đầu tư rủi ro để tìm tài sản an toàn hơn, do đó giá dầu bị bán mạnh cùng với chứng khoán trong những ngày qua cũng là điều dễ hiểu.
Nói cách khác, giá dầu đang bị kẹt giữa hai cuộc chiến, một bên là địa - chính trị Mỹ - Iran và một bên và thương mại Mỹ - Trung, nhưng hiện tại sức ảnh hưởng của cuộc thương chiến đang lớn hơn và có tác động rõ ràng hơn.
Có thể thấy chỉ trong hai phiên giao dịch ngắn ngủi 22 - 23/5, giá dầu đã giảm đến gần 10% và cũng đã phá vỡ xu hướng phục hồi được thiết lập từ đầu năm 2019 đến nay và hiện đang nằm ở mức thấp nhất trong hơn hai tháng qua. Dù vậy, so với đầu năm nay, giá dầu vẫn cao hơn 30%.
Nhưng với tình hình hiện nay, xu hướng điều chỉnh của thị trường dầu có thể sẽ chưa dừng lại, nếu như căng thẳng giữa Mỹ và Iran không có thêm diễn biến gì mới có thể đe dọa sự gián đoạn nguồn cung ở vịnh Ba Tư, và mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục xấu đi trong bối cảnh các vòng đàm phán bị cắt đứt.