“Lép vế” doanh nghiệp nội
(Tài chính) Bức tranh về xuất khẩu 2013 vừa được Bộ Công Thương công bố, theo đó kim ngạch xuất khẩu đã đi được ¾ quãng đường với tổng kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2013 đạt khoảng 96,46 tỉ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2012.
Về tỉ trọng xuất khẩu, khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 32,51 tỉ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ; khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 63,95 tỉ USD (kể cả dầu thô), tăng 22,4% so với cùng kỳ.
Có thể thấy, cơ cấu hàng xuất khẩu đã đa dạng hơn và tăng dần tỉ trọng xuất khẩu hàng công nghệ cao, phần lớn nhóm này thuộc về khối DN FDI. Chẳng hạn, xuất khẩu điện thoại và linh kiện trở thành mặt hàng có giá trị lớn và vượt qua các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của VN như dệt may, dầu thô, giày dép…
Trong khi đó, xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản phần lớn do các DN nội chiếm lĩnh lại tiếp tục giảm cả về giá và lượng so với cùng kỳ. Chẳng hạn trong tháng 9, cà phê giảm 22,5% về lượng và 21,8% về trị giá; gạo giảm 12,3% về lượng và 14,6% về trị giá; sắn và sản phẩm từ sắn giảm 28,3% về lượng và 22,5% về trị giá…
Với tình hình xuất nhập khẩu hiện nay, Bộ Công Thương đánh giá, hết quý III, xuất khẩu đạt khoảng 76,5% kế hoạch năm 2013. Dự kiến đến hết năm 2013, nếu mỗi tháng kim ngạch xuất khẩu khoảng 11,5 tỉ USD, xuất khẩu cả năm ước đạt 131 tỉ USD, tăng khoảng 14% so với 2012, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 4%. Nhập khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 71% kế hoạch (136 tỉ USD). Dự kiến nhập khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 131,5 tỉ USD, tăng 15,6% so với năm 2012.
Nhìn tổng thể bức tranh xuất nhập khẩu có thể thấy bức tranh khá đẹp và tròn trịa khi đạt được những chỉ tiêu đề ra theo từng quý, cán cân xuất khẩu và nhập khẩu đã ngang bằng. Nhưng dường như trong bức tranh đó, vẫn có những mảng tối khi hình bóng của các doanh nghiệp nội cứ mờ dần và “lép vế” hơn hẳn so với khối DN nước ngoài khi phần lớn các mặt hàng xuất khẩu cao đều thuộc về các DN FDI.
Vấn đề này không phải bây giờ mới được nhắc tới. Gần đây nhiều chuyên gia cũng đã cảnh báo, thậm chí các chuyên gia còn ví von rằng Việt Nam đang trở thành nước xuất khẩu “giùm” các DN FDI bởi kim ngạch xuất khẩu do khối này mang về chiếm tới 2/3 tổng kim ngạch. Việc quá phụ thuộc vào những mặt hàng khoáng sản, gia công và nông sản chưa chế biến… có giá trị gia tăng thấp, dễ chịu tác động giá cả trên thị trường thế giới, đã khiến DN Việt Nam làm hàng xuất khẩu đang ngày càng… đuối sức
Có thể thấy, đây là vấn đề rất lớn của nền kinh tế trong dài hạn. Vì vậy, đã đến lúc các bộ, ngành và DN cần chung tay để nâng dần tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu của các DN nội với DN ngoại. Muốn như vậy, các DN trong nước cần phải thay đổi phương thức sán xuất kinh doanh, chẳng hạn từ gia công sang sản xuất bán sản phẩm, khai thác nguyên phụ liệu trong nước và hình thành chuỗi liên kết sản phẩm, nâng dần giá trị hàm lượng xuất khẩu trong mỗi sản phẩm, cơ cấu lại hàng hóa xuất khẩu cũng như thị trường bằng chiến lược dài hạn hơn là chỉ cố gắng đạt được quy mô như đã đặt ra… Trong khi đó, các bộ, ngành cần đẩy mạnh hơn nữa hỗ trợ DN tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và xúc tiến thương mại, với một số mặt hàng cần bảo hộ cần phải có hàng rào kỹ thuật để giúp các DN trong nước tự vệ…