Liên kết để đứng vững

Theo hanoimoi.com.vn

(Tài chính) Xét về tổng thể, năm 2014 sẽ là thời điểm đặt dấu ấn quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, nhất là xuất khẩu khi kết thúc quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Liên kết để đứng vững
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ngoài những vấn đề thuộc về công tác điều hành vĩ mô, đây sẽ là thời điểm quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Chính DN mới thật sự là những "cầu thủ" trực tiếp thi đấu trên "sân chơi" rộng mở, đầy cam go nhưng cũng không ít cơ hội cho sự linh hoạt, chủ động ứng phó của từng đơn vị…
 
Với DN Việt Nam khi tham gia TPP, đương nhiên đơn vị nào đủ sức cạnh tranh hay biết chuẩn bị các biện pháp để thâm nhập thị trường sẽ có thể đứng vững, từng bước vận động và phát triển. Ngược lại, những đơn vị yếu kém sẽ bị đào thải, chịu thua trong "cuộc đấu" của một thị trường rộng lớn. Mỗi DN đang đứng trước sức ép lớn về nhiều mặt để cạnh tranh, tồn tại; tập trung vào việc đáp ứng một số yêu cầu như: Cạnh tranh về giá và chất lượng sản phẩm, thương hiệu, dịch vụ sau bán hàng - chăm sóc khách hàng, bảo vệ môi trường…

Các chuyên gia khuyến cáo, TPP là hiệp định tự do thương mại đầu tiên dành riêng một phần quy định cho đối tượng các DN nhỏ và vừa; mà những DN này tham gia vào hầu hết lĩnh vực đời sống xã hội ở mỗi quốc gia. Nhưng không thể đưa ra một tư vấn chung đối với từng đơn vị. Từ đó, chỉ có lãnh đạo từng DN mới biết "sức khỏe" của mình, tìm cách tận dụng thời cơ và giảm thiểu nguy cơ, bất lợi trong hoạt động để hiện diện trên thương trường quốc tế.

Theo TS. Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW, tác động của TPP đối với nền kinh tế Việt Nam là rất tích cực, nhưng cơ hội sẽ không chia đều cho từng ngành hay lĩnh vực. Từ tầm vĩ mô, cách ứng phó chung là điểm lại, rút kinh nghiệm từ việc được gì hoặc mất gì như một bài học thực tiễn sau khi Việt Nam đàm phán gia nhập WTO; với những mối quan tâm, cảnh báo hay lợi thế về mở cửa thị trường, cắt giảm thuế, minh bạch nhu cầu và hoạt động mua sắm công, vấn đề bảo hiểm, lao động, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ nhà đầu tư… Mặt khác, Chính phủ và các cơ quan quản lý nên tạo điều kiện thuận lợi để hình thành chuỗi liên kết, khuyến khích tăng cường trao đổi sản phẩm giữa các DN nội địa.

 
Tham gia TPP, mỗi DN sản xuất sản phẩm xuất khẩu chủ lực sẽ đối mặt với bài toán làm gì để duy trì sự ổn định, nâng cao doanh số bán hàng. Đơn cử, DN thuộc ngành dệt may phải bảo đảm nguyên tắc sử dụng một tỷ lệ sợi đầu vào theo quy định có xuất xứ từ các thành viên của TPP để được áp thuế suất là 0% của nước thành viên nhập khẩu mặt hàng đó.

Như vậy, tuy "cửa" rộng nhưng DN của ta không dễ vượt qua nếu không chuẩn bị và có ý thức đối phó càng sớm càng tốt bởi đến nay khoảng 70% nhu cầu về nguyên, phụ liệu của ngành dệt may vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu. Vì vậy, nếu tận dụng được thời gian để phát triển công nghiệp phụ trợ, chủ động thu xếp nguồn nguyên liệu hoặc tìm được nguồn nhập khẩu với giá và chất lượng phù hợp từ các nước nội khối TPP, DN Việt sẽ thu được nhiều lợi nhuận, gia tăng quy mô xuất khẩu và quan trọng hơn là đứng vững trên thị trường quốc tế.

Đối với DN thủy sản lại khác, thuế suất không phải là vấn đề, mà rào cản lớn nhất lại là phải ứng phó với các biện pháp kiểm dịch của nước nhập khẩu theo hướng khắc nghiệt hơn. Các chuyên gia cảnh báo, với những yêu cầu cao về chất lượng và điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hiệp hội DN các nước nhập khẩu thường có phản ứng tiêu cực là "hùa nhau" khiếu kiện, lập hàng rào kỹ thuật để ngăn cản hoạt động xuất khẩu thủy sản của DN Việt. Thực tế thời gian qua cho thấy, đây là bài học cũ nhưng luôn có tác dụng cho bên khởi kiện.

Từ đó, các DN của ta nên chủ động nâng cao khả năng tự kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm và thực hiện tốt quy định nghiêm ngặt của từng nước nhập khẩu cũng như kết hợp với các hiệp hội ngành nghề để thống nhất biện pháp ứng phó, phản ứng nhanh nhạy trước nguy cơ rủi ro có thể xảy ra.

Trong khi đó, DN làm đồ gỗ xuất khẩu cần hiểu rõ, chuẩn bị phương án bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến sản phẩm. Đặc biệt cần lưu ý là, Việt Nam duy trì chính sách bảo vệ rừng, việc khai thác tài nguyên rừng rất có chọn lọc, nhất là đối với những loại gỗ tốt, gỗ quý, vì vậy, đương nhiên nguồn gỗ nguyên liệu trong nước sẽ không đủ và DN có thể tìm nguồn nhập khẩu từ một số nước như Hoa Kỳ, Canada hoặc Australia - vốn có ngành lâm nghiệp phát triển.

Sau cùng, khuyến nghị cho mỗi DN là nên thường xuyên duy trì quan hệ, tham vấn với cơ quan chức năng, nhạy bén thông tin thị trường, tìm hiểu quy định của từng đối tác để tận dụng cơ hội gia tăng xuất khẩu. Trong nhiều trường hợp, DN cần chủ động thiết lập bộ phận chuyên trách về pháp lý hoặc thuê chuyên gia pháp luật làm công tác tư vấn…