Đồng Nai:
Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi heo, gia cầm an toàn vệ sinh thực phẩm
Ngày 23/9/2015, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội thảo “Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi heo, gia cầm an toàn vệ sinh thực phẩm”. Hội thảo đã thu hút được đông đảo doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi, chủ trang trại và đại diện ngành nông nghiệp của TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Dương...
Hội thảo đã giới thiệu các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi heo, gia cầm, an toàn vệ sinh thực phẩm; những tiến bộ kỹ thuật mới của thế giới về con giống, thức ăn chăn nuôi có thể ứng dụng tại Việt Nam; kinh nghiệm của các địa phương trong xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; phát triển chăn nuôi theo chuẩn Việt GAP; chăn nuôi an toàn dịch bệnh; giải pháp quản lý chất cấm trong chăn nuôi…
TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, Đông Nam bộ là vùng chăn nuôi lớn, năng động và đồng thời là thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi lớn nhất cả nước. Vùng Đông Nam bộ cũng tập trung nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư vào ngành chăn nuôi nên có điều kiện tiếp cận rất nhanh những công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Chẳng hạn, Đồng Nai hiện được xem là thủ phủ chăn nuôi của cả nước với 1,5 triệu con heo và 15,5 triệu gia cầm; tỷ lệ chăn nuôi trang trại với quy mô lớn theo hướng công nghiệp chiếm tỷ lệ cao (toàn tỉnh hiện có 2.208 trang trại heo, chiếm gần 70% trên tổng đàn; gà có 464 trang trại, chiếm 87% trên tổng đàn). Bên cạnh đó, Tỉnh cũng đã hình thành được các chuỗi liên kết khép kín từ khâu giống, thức ăn chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ với sự tham gia của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Hiện nay, Đông Nam bộ cũng là vùng trọng điểm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặc biệt quan tâm trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi, nâng cao giá trị cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Thực tế cũng đã chứng minh, phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị nhằm giảm giá thành, đảm bảo chất lượng sản phẩm chính là giải pháp tăng sức cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập ngày càng sâu, rộng hiện nay.
Tại hội thảo, rất nhiều vấn đề về xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi, thông tin thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi, bất cập trong quản lý dẫn đến việc lạm dụng chất tạo nạc trong nuôi heo... được thảo luận. Đặc biệt, vấn đề “nóng” được người chăn nuôi quan tâm nhiều vẫn là tình trạng thịt nhập vẫn ồ ạt tràn về thị trường nội địa, đang dần “ép” chết ngành chăn nuôi trong nước. Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, hiện không chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ mà những doanh nghiệp FDI đầu tư vào chăn nuôi cũng e ngại yếu thế trong cạnh tranh với gà ngoại có giá rẻ một cách bất thường. Đồng tình với nhận định này, ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhận xét nhiều chủ trang trại chăn nuôi gia cầm của Đồng Nai, của khu vực Đông Nam bộ đều đã tham gia chuỗi liên kết nhưng cũng không thể cạnh tranh lại gà Mỹ với giá siêu rẻ. Điều doanh nghiệp, người chăn nuôi bức xúc là gà ngoại nhập khẩu về một cách ào ạt, thiếu sự kiểm soát, trong khi đó doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi lại gặp quá nhiều rào cản, khó khăn.
Nhiều ý kiến của doanh nghiệp và người chăn nuôi cũng cho rằng, giai đoạn này ngành chăn nuôi đang chạm đáy khó khăn, cần ngay những chính sách, cơ chế hỗ trợ hiệu quả từ Nhà nước. Trong đó, cần tập trung vào các vấn đề quản lý giá đầu vào trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, hàng rào kỹ thuật trong nhập khẩu thịt ngoại, chống gian lận thương mại... Bên cạnh đó, cần minh bạch về thị trường, hạn chế gian lận thương mạitồn tại lâu nay nhằm giúp doanh nghiệp và nông dân yên tâm sản xuất và tăng sức cạnh tranh.