Đầu tư kinh phí cho hoạt động khuyến nông: Một số vấn đề đặt ra
Kinh phí cho hoạt động khuyến nông hiện nay có sự phân cấp rõ rệt giữa Trung ương và địa phương, bước đầu xã hội hóa nguồn đầu tư và đa dạng hóa đơn vị thực hiện nhiệm vụ khuyến nông. Tuy nhiên, mức đầu tư hiện còn thấp và có sự chênh lệch lớn về nguồn kinh phí khuyến nông giữa các địa phương. Từ thực tiễn, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm đổi mới về nguồn lực và cơ cấu đầu tư cho hoạt động khuyến nông.
Kết quả đầu tư cho hoạt động khuyến nông
Thống kê cho thấy, kể từ khi Nghị định số 02/2010/NĐ-CP quy định về khuyến nông, khuyến ngư có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/3/2010 thay thế Nghị định số 56/2015/NĐ-CP quy định về khuyến nông, khuyến ngư), hệ thống khuyến nông tiếp tục được phát triển cả về tổ chức và lực lượng; cơ sở vật chất kỹ thuật từng bước được đầu tư, đóng vai trò chủ lực trong hoạt động phổ biến kiến thức và chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn sản xuất, kinh doanh cho bà con nông dân.
Về tổ chức và cán bộ
Hiện trên 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng trung tâm khuyến nông hoặc trung tâm khuyến nông – khuyến ngư làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ khuyến nông, khuyến ngư của địa phương. Trong đó, 87,2% cấp xã đã có khuyến nông viên và gần 3.300 câu lạc bộ khuyến nông đang hoạt động.
Về cơ sở vật chất – kỹ thuật
Nhìn chung mức độ đầu tư trang thiết bị, phương tiện hoạt động của hệ thống khuyến nông còn thiếu hoặc trang thiết bị lạc hậu.
Về chế độ đối với cán bộ khuyến nông các cấp
- Đối với cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, cấp huyện: Theo quy định của Luật Viên chức, cán bộ khuyến nông hiện đang làm việc và được hưởng chế độ theo mã ngạch viên chức theo quy định hiện hành của Nhà nước.
- Đối với khuyến nông viên cấp xã: Đến nay mới chỉ có một số tỉnh có chính sách trả lương cho cán bộ khuyến nông cấp xã theo trình độ đào tạo như: Lào Cai, Bắc Giang, Sơn La, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ; Đa số các tỉnh, thành phố thực hiện chính sách trả phụ cấp cho cán bộ khuyến nông cấp xã với mức từ 0,5-1,0 hệ số lương cơ bản; cán bộ khuyến nông chưa được tham gia các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
- Đối với cộng tác viên khuyến nông: Hiện nay mức trả thù lao rất thấp, chỉ từ 100-300 nghìn đồng/tháng, ngoài ra không có chế độ gì khác. Kinh phí cho hoạt động khuyến nông đã có sự phân cấp rõ rệt giữa Trung ương và địa phương, bước đầu xã hội hóa nguồn đầu tư và đa dạng hóa đơn vị thực hiện nhiệm vụ khuyến nông trung ương. Tuy nhiên, mức đầu tư còn thấp và có sự chênh lệch lớn. Điển hình như:
Thứ nhất, nguồn kinh phí khuyến nông Trung ương
- Về đầu tư: Theo cam kết của Chính phủ Việt Nam với Ngân hàng Phát triển châu Á, kinh phí khuyến nông Trung ương giai đoạn 2011-2013 tăng bình quân khoảng 10%/năm; tuy nhiên, từ năm 2014 và kế hoạch 2015 lại giảm bình quân 10%/năm.
- Về cơ cấu kinh phí: Giai đoạn 2011-2013, hầu hết (trên 80%) tổng kinh phí khuyến nông Trung ương đầu tư cho các dự án xây dựng mô hình trình diễn. Từ năm 2014, tỷ lệ kinh phí cho hoạt động khuyến nông thường xuyên chiếm khoảng 23%; kinh phí quản lý, kiểm tra chiếm 2% tổng số.
- Về kênh tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến nông trung ương: Kể từ sau năm 2011, nguồn kinh phí khuyến nông trung ương cũng được cấp qua nhiều đầu mối khác nhau, trong đó: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia bình quân khoảng 60-65%; các đơn vị khác thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 35-40%. Thực tế, từ khi thực hiện khuyến nông theo dự án, kinh phí khuyến nông Trung ương thực hiện thông qua hệ thống khuyến nông các tỉnh chỉ chiếm khoảng 45%, còn lại do các tổ chức chủ trì dự án trực tiếp triển khai thông qua các đơn vị khác ở địa phương.
Thứ hai, nguồn kinh phí khuyến nông địa phương
Thực hiện Nghị định 02/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Trong thời gian qua, các tỉnh, thành phố đã quan tâm bố trí tăng nguồn kinh phí cho các hoạt động khuyến nông của địa phương, tuy nhiên, mức độ đầu tư giữa các địa phương, vùng miền vẫn còn sự khác biệt khá lớn.
Trên phạm vi toàn quốc, bình quân tổng kinh phí khuyến nông địa phương giai đoạn 2011-2013 khoảng 400 tỷ đồng/năm, tăng 80% so với năm 2010. Trong đó, vùng có tốc độ tăng nhiều nhất là Đồng bằng sông Hồng (tăng 241%), vùng tăng ít nhất là Duyên hải Nam Trung Bộ (24%). Riêng Trung du miền núi phía Bắc, kinh phí địa phương bình quân 3 năm qua giảm 11% so với năm 2010 (trước Nghị định 20/2010/NĐ-CP).
Kinh phí khuyến nông địa phương giữa các tỉnh cũng rất khác nhau: Có 5 tỉnh/thành phố có mức đầu tư kinh phí khuyến nông trên 10 tỷ đồng/năm; có 15 tỉnh/thành phố là từ 5-10 tỷ đồng/năm; có 23 tỉnh/thành phố là từ 2-5 tỷ đồng/năm; và còn khoảng 20 tỉnh/thành phố có mức đầu tư dưới 2 tỷ đồng/năm, trong đó có những tỉnh rất thấp như: Cao Bằng, Bắc Cạn, Ninh Thuận, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Bạc Liêu chỉ dưới 500 triệu đồng/năm.
Thứ ba, các nguồn kinh phí khác
Theo báo cáo của khuyến nông các tỉnh, bình quân mỗi năm có khoảng 30-35 tỷ đồng của các tổ chức quốc tế đầu tư cho hoạt động khuyến nông, tập trung ở các vùng Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa khuyến nông, từ năm 2010 đến nay, các doanh nghiệp đã đầu tư khoảng 20-30 tỷ đồng/năm để tổ chức các hoạt động khuyến nông tại các mô hình liên kết chuỗi sản phẩm ngành hàng của doanh nghiệp.
Tồn tại và hướng giải quyết
Việt Nam là đất nước nông nghiệp với trên 60% dân số và trên 50% lao động làm nông nghiệp nhưng chưa có quy định chung về mức đầu tư ngân sách cho hoạt động khuyến nông nên kinh phí khuyến nông hàng năm còn rất thấp và không ổn định. Năm 2014, tổng kinh phí khuyến nông từ ngân sách nhà nước khoảng 600 tỷ đồng (tương đương khoảng 0,06% tổng chi ngân sách và khoảng 0,35% tổng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp), bình quân khoảng 60 nghìn đồng (tương đương 2,5 USD)/hộ/năm.
Kinh phí khuyến nông thấp nhưng lại chưa có cơ chế phối hợp nguồn lực giữa Trung ương và địa phương, nội dung đầu tư còn trùng lặp; nhiều địa phương khó khăn về thu ngân sách nên kinh phí khuyến nông rất thấp, nhất là các tỉnh miền núi, các tỉnh thuần nông.
Để thực hiện hiện mục tiêu đổi mới khuyến nông giai đoạn (2015-2020), góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, cần tăng cường đầu tư nguồn lực cho khuyến nông, bao gồm cả nguồn từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác theo phương châm xã hội hóa. Một số giải pháp cần quan tâm, chú ý gồm:
(i) Theo Nghị quyết Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 8, trong giai đoạn 2015-2020, ngân sách đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng gấp 2 lần (100%) so với giai đoạn 2011-2015 (bình quân mỗi năm tăng 20%). Do đó, đề nghị Chính phủ và UBND các tỉnh/thành phố quan tâm bố trí kinh phí khuyến nông từ Nhà nước ít nhất tăng 10%/năm. Đồng thời, tăng cường đầu tư cho những tỉnh hiện vẫn còn có mức kinh phí khuyến nông quá thấp, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu Ngành.
(ii) Đẩy mạnh huy động nguồn vốn đầu tư khuyến nông từ các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ trong các năm tới. Theo đó, cần có cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, kiểm soát các nội dung khuyến nông phù hợp với định hướng tái cơ cấu, gia tăng giá trị và phát triển bền vững.
(iii) Để chủ động nguồn kinh phí đầu tư cho các chương trình, dự án khuyến nông trong giai đoạn tới, cần sớm đổi mới chính sách đầu tư nguồn lực cho khuyến nông. Theo đó, đề nghị các bộ, ngành liên quan tính toán định mức đầu tư ngân sách cho hoạt động khuyến nông trên phạm vi toàn quốc tăng từ 10-12%/năm, phù hợp với cam kết quốc tế và chủ trương của Quốc hội.
(iv) Về chính sách đối với cán bộ khuyến nông, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cho phép xây dựng và ban hành tiêu chuẩn ngạch bậc đối với viên chức ngành Khuyến nông; đồng thời xem xét bổ sung phụ cấp ngành nghề đặc thù cho cán bộ khuyến nông như các ngành bảo vệ thực vật, thú y, kiểm lâm…