Lai Châu: Đẩy mạnh áp dụng mô hình, dự án khuyến nông vào sản xuất
Để góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh Lai Châu, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Tỉnh đã đầu tư hàng trăm mô hình, dự án ở các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, khuyến công, giúp bà con nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, nâng cao thu nhập.
Khi thực hiện thí điểm các mô hình, dự án khuyến nông, người nông dân được tự triển khai, áp dụng trên chính mảnh đất của mình; tự theo dõi, đánh giá và so sánh giữa việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, từ đó học được cách làm. Qua đó, người nông dân được chuyển giao trực tiếp các tiến bộ kỹ thuật theo hình thức "cầm tay chỉ việc" nên việc tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật của bà con nông dân rất thuận lợi. Chính bởi lẽ đó, việc xây dựng các mô hình, dự án khuyến nông để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất ngành Nông nghiệp hiện nay.
Mô hình thâm canh lúa lai được Trung tâm Khuyến nông thực hiện tại xã Mường Khoa (Tân Uyên) đạt hiệu quả cao.
Theo đó, từ năm 2010 đến nay, Trung tâm đã xây dựng và triển khai 40 mô hình, dự án khuyến nông cho 1.916 hộ nông dân tham gia, trong đó có 31 dự án trồng trọt trên diện tích 197ha. Thông qua các dự án đã chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới cho bà con nông dân như: sử dụng giống mới, áp dụng các biện pháp thâm canh nâng cao năng suất cây trồng như: bón phân cân đối hợp lý cho lúa và ngô, mật độ gieo trồng, gieo mạ che phủ nilon vụ đông xuân, bố trí thời vụ sản xuất hợp ký trong khung thời vụ cho phép, thâm canh tăng vụ trên ruộng 1 vụ, 2 vụ để nâng cao hệ số sử dụng đất...
Trong lĩnh vực chăn nuôi, Trung tâm đã thực hiện 2 dự án với trên 4.000 con gà, vịt cho 33 hộ nông dân tham gia. Dự án giúp người dân tiếp cận với phương thức chăn nuôi mới, biết sử dụng giống tốt, đảm bảo chất lượng về con giống; đầu tư thức ăn chăn nuôi; chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh máng ăn, máng uống, phun sát trùng định kỳ, kiểm soát dịch bệnh... Việc đầu tư dự án khuyến nông vào lĩnh vực chăn nuôi đã từng bước làm thay đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ, không đầu tư sang chăn nuôi có kiểm soát, đầu tư chăm sóc nuôi dưỡng, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi. Đặc biệt là phát huy được tiềm năng sẵn có tại địa phương để phát triển kinh tế.
Ngoài ra, Trung tâm cũng thực hiện 7 mô hình về thủy sản, khuyến công giúp người dân từng bước chuyển đổi phương thức nuôi trồng thủy sản và đưa người dân tiếp cận với cơ giới hóa sản xuất bằng sử dụng các loại máy làm đất, giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất lao động. Giờ đây, mỗi khi vụ mùa đến, trên các cánh đồng ở các địa phương trong tỉnh, máy cày đang thay thế dần sức cày kéo của trâu, bò, giúp người nông dân tiết kiệm được thời gian, công sức.
Thực tế đã chứng minh, hiệu quả, năng suất, sản lượng trong các mô hình, dự án đều tăng cao so với sản xuất đại trà nên được bà con nông dân đón nhận và hưởng ứng nhiệt tình. Điển hình như dự án đưa lúa đông xuân lên vùng cao năm 2012, sau khi thực hiện thí điểm thành công, các vụ đông xuân sau đó lần lượt được mở rộng. Năm 2014, Trung tâm mở rộng được 102ha tại các huyện: Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ, Than Uyên. Ngoài ra, mô hình trồng ngô xuân sớm trên đất ruộng 1 vụ thuộc dự án chuyển đổi cơ cấu, luân canh cây trồng tại xã San Thàng (thành phố Lai Châu) cũng đạt kết quả cao trên chân ruộng 1 vụ (thu lãi 27,8 triệu đồng/ha).
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh thuyết trình mô hình trồng rau xanh tại bản Noong Kiêng, thị trấn Nậm Nhùn (huyện Nậm Nhùn).
Từ thực hiện thí điểm các mô hình, dự án khuyến nông, bà con nông dân đã học hỏi được nhiều cách làm mới và vận dụng vào đời sống sản xuất của gia đình. Từ đó hình thành thói quen canh tác mới, giúp cây trồng, vật nuôi ngày càng sinh trưởng, phát triển tốt. Và quan trọng là nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của Tỉnh.
Chị Hà Thị Hoa - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng, có rất nhiều hình thức chuyển giao khoa học kỹ thuật như thông qua mô hình trình diễn, các lớp tập huấn kỹ thuật, các buổi học tập, tham quan trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trên các cơ quan thông tin đại chúng... Nhưng, việc xây dựng các mô hình khuyến nông vẫn là phương pháp chuyển giao khoa học kỹ thuật có hiệu quả nhất.