Liên tục khách gửi tiền tại ngân hàng bị chiếm đoạt

PV.

Lợi dụng các kẽ hở trong hoạt động ngân hàng, thời gian gần đây nhiều đối tượng vốn là nhân viên ngân hàng đã có dấu hiệu trục lợi và chiếm đoạt tiền của khách hàng gửi.

Liên tục khách gửi tiền bị nhân viên ngân hàng chiếm đoạt. Nguồn: internet
Liên tục khách gửi tiền bị nhân viên ngân hàng chiếm đoạt. Nguồn: internet

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Nghệ An xác nhận, cơ quan điều tra đã khởi tố Nguyễn Thị Lam (29 tuổi, trú ở huyện Đô Lương, Nghệ An) nguyên là cán bộ kiểm ngân của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chi nhánh huyện Đô Lương về hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo kết quả điều tra ban đầu, Lam vốn có quan hệ mật thiết với nhiều khách gửi tiền tiết kiệm. Mỗi lần có người gửi, Lam là người trực tiếp làm hồ sơ rồi gửi vào sổ tiết kiệm hoặc cầm tiền của khách hàng để làm thủ tục gửi sau.

Sau một thời gian, các chủ tài khoản cho biết không rút tiền gửi hoặc chuyển khoản tiền tiết kiệm tại ngân hàng Eximbank. Nhà chức trách đặt nghi vấn có dấu hiệu giả mạo chữ ký của khách hàng để rút tiền. Trong đó, Lam được đưa vào diện nghi vấn, bên cạnh đó tài khoản của Lam và người thân có biểu hiện bất minh, số tiền tăng lên từng ngày.

Ngày 21/9, Lam đến công an đầu thú, thừa nhận mình là chủ mưu vụ việc. Lam khai nhận, từ tháng 4/2016 đến nay, lợi dụng các mối quan hệ quen biết trong quá trình thực hiện giao dịch cho các khách hàng tại Phòng giao dịch thuộc Ngân hàng Eximbank, chi nhánh Nghệ An và vị trí công tác của bản thân, Nguyễn Thị Lam đã giả mạo chữ ký khách hàng, lập hồ sơ khống để đề nghị các khách hàng ký vào hồ sơ.

Sau đó, Lam đã thực hiện các giao dịch rút tiền hoặc chuyển khoản tiền tại sổ tiết kiệm của các khách hàng đã gửi tiết kiệm trong ngân hàng đến các tài khoản của một số người thân và một số khách hàng khác của Lam để chiếm đoạt. Số tiền Lam đã chiếm đoạt là hơn 47 tỷ đồng.  

Trước đó, bà Ngô Phương Anh (57 tuổi, tại Đà Lạt) gửi đơn tố cáo ông Phạm Thế Long - nguyên Giám đốc phòng giao dịch D2 Giảng Võ, chi nhánh Tây Hồ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm của mình.

Trong đơn tố cáo, bà Phương Anh cho biết, sổ tiết kiệm 32 tỷ đồng này có liên quan tới giao dịch mua bán nhà giữa bà với bà Bùi Thị Anh Thư. Tháng 1/2016, bà Anh Thư mua lại căn nhà của bố mẹ bà Phương Anh ở Đà Lạt nhưng không trả bằng tiền mặt mà bằng sổ tiết kiệm trị giá 30 tỷ đồng (đang gửi với kỳ hạn 3 tháng).

Thay vì tất toán sổ tiết kiệm lấy tiền mặt trả người bán, bà Anh Thư lại giao dịch bằng sổ tiết kiệm này qua hình thức làm thủ tục ủy quyền cho người bán nhà (bà Ngô Phương Anh) được toàn quyết rút số tiền 32 tỷ đồng khi đến hạn.

Trước khi đến văn phòng công chứng làm thủ tục này và thủ tục sang tên căn nhà, hai bên đã đến ngân hàng - phòng giao dịch D2 Giảng Võ của BIDV - nơi phát hành sổ - để xác nhận số tiền trong sổ tiết kiệm là có thật. Ngày 22/4, bà phát hiện toàn bộ 32 tỷ trong sổ tiết kiệm đã được rút sạch nên bà đã làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng.