Linh hoạt điều hành tỷ giá 2016
Theo các chuyên gia kinh tế, quyết định tăng lãi suất đồng USD thêm 0,25% của FED không tác động nhiều đến dòng tiền của Việt Nam, đồng thời có tác động không lớn đến tỷ giá. Về cơ bản, chúng ta có thể giữ tỷ giá ổn định, song năm 2016 cần điều hành tỷ giá linh hoạt hơn, có thể để cho tỷ giá biến động theo xu thế thị trường, đi đôi với việc xây dựng năng lực ứng phó với rủi ro tỷ giá khi có áp lực.
Quyết định tăng lãi suất của FED không tác động nhiều đến Việt Nam
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa quyết định nâng lãi suất cơ bản của đồng USD thêm 0,25%, sau 7 năm duy trì ở mức gần 0%. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright), quyết định tăng lãi suất của FED là điều đã được thị trường tài chính dự đoán.
Thông thường, khiFED tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, hôm qua, thị trường tài chính ở Hoa Kỳ và thị trường chứng khoán toàn cầu đều đã tăng điểm. Nguyên do bởi nhiều lầnFED dự định tăng lãi suất nhưng cuối cùng lại không tăng. Thị trường giải thích cho sự chần chừ này là doFEDcho rằng kinh tế Hoa Kỳ vẫn còn yếu. Lần nàyFED dự kiến tăng lãi suất và thực tế đã quyết định tăng, đây là tín hiệu cho thấy FED tin tưởng vững chắc vào sự cải thiện của nền kinh tế Hoa Kỳ, điều này mang lại niềm tin tích cực cho thị trường.
Ông Nguyễn Xuân Thành nhận định, lãi suất đồng USD tăng thêm 0,25% sẽ khiến cho một số nền kinh tế mới nổi, phụ thuộc vào vay nợ thương mại bằng USD và nhận vốn đầu tư chứng khoán mang tính ngắn hạn từ nước ngoài bị ảnh hưởng nặng nề, bao gồm các nền kinh tế Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Malaysia. Dòng vốn nước ngoài từ các nền kinh tế này đảo chiều, tạo áp lực mạnh lên tỷ giá hối đoái của các nền kinh tế vừa nêu so với đồng USD.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Nguyễn Xuân Thành, quyết định tăng lãi suất USD tác động vào dòng vốn của các nước mới nổi khác, trong đó có Việt Nam sẽ không nhiều. Bởi sự lệ thuộc vào dòng vốn nước ngoài đầu tư vào chứng khoán của nước ta không quá lớn, đặc biệt là tỷ lệ vay nợ ngắn hạn được kiểm soát khá chặt chẽ. Hơn nữa, tín hiệu tích cực từ quá trình hội nhập của Việt Nam khi vừa kết thúc đàm phán TPP, ký kết các hiệp định FTA, đặc biệt là với EU, rồi hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)… sẽ cân đối được với tác động tăng lãi suất của FED.
Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cũng nhận định, mức tăng lãi suất 0,25% của FED so với tỷ lệ lãi suất của Việt Nam là không đáng kể, do đó không có tác động đến việc đảo chiều dòng tiền từ Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ. Quyết định tăng lãi suất củaFED tác động đến Việt Nam một cách gián tiếp, thông qua các thị trường khác. Cụ thể, ở các thị trường phát triển như Nhật Bản, EU thì lãi suất 0,25% là con số đáng kể, có khả năng tạo ra sự đảo chiều dòng tiền, đồng USD có thể đắt hơn ở các thị trường này, kéo theo tỷ giá đồng tiền của các thị trường này mất giá, từ đó tác động đến giỏ tiền tệ của Việt Nam. Với tỷ lệ tăng lãi suất của FED, thì tác động tăng lên giỏ tiền tệ có thể chưa đến 1%, tỷ lệ này nằm trong biên độ dao động tỷ giá của VNĐ, hoàn toàn có thể điều chỉnh được.
Có thể để tỷ giá biến động theo xu thế thị trường
Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, điều dễ nhận thấy nhất là đồng USD tăng giá sẽ có tác động lên tỷ giá. Khi tăng lãi suất đồng USD sẽ làm đồng USD hấp dẫn hơn, từ đó ảnh hưởng đến sự hấp dẫn tương quan của việc nắm giữ VNĐ. Trong tình huống này, Ngân hàng Nhà nước có nhiều lựa chọn trước áp lực lên tỷ giá do FED tăng lãi suất đồng USD. Nếu quyết định giữ nguyên tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục dùng dự trữ ngoại tệ để bảo vệ tỷ giá trong thời gian ngắn hạn trước mắt. Hoặc có thể lựa chọn điều chỉnh lãi suất.Trong khiFED dự kiến sẽ tăng lãi suất đồng USD có lộ trình, trong khi Trung Quốc vẫn duy trì một chính sách tiền tệ nới lỏng, thì Việt Nam trong năm 2016 cần điều hành tỷ giá linh hoạt hơn, có thể để cho tỷ giá biến động theo xu thế thị trường đi đôi với việc xây dựng năng lực ứng phó với rủi ro tỷ giá khi có áp lực.
Khẳng định hiệu ứng tăng lãi suất củaFED không tạo ra sức ép nhiều đối với tỷ giá của Việt Nam, TS Nguyễn Tú Anh dự báo, dịp cuối năm, tỷ giá Việt Nam sẽ chịu 2 sức ép chính. Sức ép thứ nhất đến từ thói quen chi tiêu, nhập khẩu nhiều vào dịp cuối năm, do đó làm cho nhu cầu USD lớn. Thứ nữa, cuối năm cũng là thời kỳ cân bằng trạng thái của hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp vay ngân hàng bằng USD bây giờ có nhu cầu trả bằng USD, họ phải mua USD dẫn tới cầu USD tăng lên. Tuy vậy, nguồn cung USD cuối năm cũng sẽ tăng bởi nguồn kiều hối cuối năm về nhiều (dự kiến năm 2015 là khoảng 12 tỷ USD). Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể giữ được tỷ giá ổn định. Việt Nam sẽ phải điều chỉnh tỷ giá nếu như Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ.
Phản ứng trước quyết định tăng lãi suất của FED, giá dầu trên thế giới tiếp tục đà giảm, theo TS Nguyễn Tú Anh, cần phải thấy rằng, xu hướng giá dầu giảm diễn ra trước khi FED tăng lãi suất. Giá dầu giảm còn bởi các nền kinh tế mới nổi sụt giảm nhiều, đặc biệt là Brazil, Trung Quốc. Xu hướng chung là giá dầu sẽ tiếp tục giảm, xoay quanh mức 35 USD một thùng. Hiện tại, ngân sách Việt Nam ảnh hưởng bởi giá dầu vào khoảng 6 - 7%. Giá dầu giảm thì sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách trong ngắn hạn, nhưng không lớn. Ngược lại, giá dầu giảm cũng sẽ tác động giảm chi phí sản xuất, làm tăng GDP, kéo theo tăng nguồn thu từ thuế và phí, bù đắp ngược trở lại phần hụt thu do giá dầu giảm.
Sau nhiều lần trì hoãn, việc FED quyết định tăng lãi suất "nhỏ giọt" lần này chủ yếu mang ý nghĩa tạo tâm lý cho thị trường nhiều hơn là tác động thực sự tới kinh tế - tài chính toàn cầu, nhất là trong bối cảnh các yếu tố kinh tế vĩ mô của Mỹ vẫn chưa có chuyển biến thật sự rõ nét. Mức độ và thời điểm điều chỉnh lãi suất của FED lần này không gây bất ngờ và mang tính chất phát tín hiệu cho định hướng chính sách năm 2016. Quyết định của FED mang tính thăm dò, theo đó phản ứng của thị trường cũng mang tính thăm dò tương tự. - Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh.