Lãi suất tăng, tiền có “chảy” vào ngân hàng?
Sau thời gian dài “neo” lãi suất ở mức thấp, các ngân hàng hiện đã phải tăng lãi suất huy động nhằm “hút” mạnh tiền gửi dịp cuối năm. Sự cạnh tranh gay gắt với các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán, vàng, ngoại tệ… đã và đang khiến ngân hàng phải tính kế “câu kéo” tiền của khách hàng về phía mình.
Xu hướng tăng lãi suất huy động để hút tiền gửi từ dân cư, doanh nghiệp ngày càng rõ nét hơn từ cuối tháng 9/2015. Không chỉ cần huy động sẵn lượng tiền mặt lớn cho mùa kinh doanh cuối năm, mà các ngân hàng hiện còn lo đối phó với nguy cơ căng thẳng thanh khoản, tài sản sụt giảm mạnh…
Tăng lãi suất ngắn hạn
Dù cố gắng giữ ổn định lãi suất, song mới đây, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã quyết định điều chỉnh tăng lãi suất ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, biểu lãi suất huy động bằng VNĐ (áp dụng cho địa bàn Tp.HCM và Hà Nội) đã tăng thêm 0,3-0,4%/năm tuỳ từng kỳ hạn. Trong đó, lãi suất tiền gửi từ 6-11 tháng tăng từ mức 5,2-5,4%/năm lên mức 5,5%/năm. Lãi suất cao nhất là 7,55%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 13 tháng, nhưng chỉ áp dụng với khoản tiền gửi tối thiểu từ 500 tỷ đồng.
Đối với các kỳ hạn dài, Sacombank tăng nhẹ lãi suất thêm 0,3-0,4%/năm (ở các kỳ hạn dài từ 15-36 tháng). Hiện, lãi suất gửi tiền cao nhất là 6,8%/năm.
Trước Sacombank, một số ngân hàng cũng đã nhanh tay điều chỉnh tăng lãi suất huy động VNĐ nhằm thu hút người gửi tiền. Đầu tháng 11, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã tăng lãi suất huy động bằng VNĐ từ 0,2-0,5%/năm tuỳ từng kỳ hạn. Đơn cử, lãi suất tiền gửi với kỳ hạn từ 1-2_tháng_tăng từ 4,5%/năm lên 4,8%/năm; lãi suất kỳ hạn từ 2 tháng đến dưới 3 tháng tăng 0,5% lên 5%/năm.
Vietinbank tăng nhẹ 0,2% đối với lãi suất các kỳ hạn 3 tháng đến dưới 12 tháng, mà mức lãi suất cao nhất là 5,6%/năm. Còn các kỳ hạn dài hơn từ 12 tháng đến dưới 18 tháng và trên 18 tháng đến dưới 24 tháng, lãi suất ổn định ở mức 6-6,5%/năm, trên 36 tháng là 7%/năm.
Tại Ngân hàng Vietcombank, biểu lãi suất mới được áp dụng từ ngày 28/10/2015 cũng có sự nhích nhẹ. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng duy trì ở mức 4-4,5%/năm, lãi suất kỳ hạn 4-5 tháng tăng nhẹ lên 4,75%/năm, lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 5%/năm, từ 7-11 tháng là 5,4-5,8%/năm. Ở các kỳ hạn dài, Vietcombank đưa ra mức lãi suất là 6%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng, là 6,1%/năm với kỳ hạn trên 18 tháng.
Có thể thấy mức lãi suất tiền gửi của nhóm ngân hàng quốc doanh hiện khó cạnh tranh với lãi suất cao ở khối ngân hàng tư nhân. Đơn cử, với kỳ hạn 1 tháng Seabank áp dụng mức lãi suất tới 5,2-5,45%/năm, Kienlongbank chào mời mức lãi suất 5,2-5,3%/năm và lãi suất tăng mạnh ở các kỳ hạn dài hơn…
Đồng tiền “khôn”
Không chỉ cạnh tranh bằng lãi suất cao, để lôi kéo người gửi tiền, một số ngân hàng còn rầm rộ triển khai các chương trình ưu đãi, như gửi tiền trúng quà tặng, điện thoại, chuyến du lịch, thẻ mua sắm, tiền mặt…
Mặc dù lãnh đạo các ngân hàng tự tin về nguồn vốn dư dả, thanh khoản tốt nhưng họ vẫn phải đẩy mạnh huy động vốn, chuẩn bị nguồn cho vay hay người dân, doanh nghiệp rút tiền chi tiêu ồ ạt dịp cuối năm. Đồng thời, ngân hàng cũng cần dự phòng nguồn tiền để đảm bảo thanh khoản dịp trước và sau Tết bớt căng thẳng.
Hiện tượng tăng lãi suất mang tính chất “mùa vụ” này không hề lạ ở Việt Nam suốt nhiều năm qua. Nhu cầu huy động vốn cũng từng “nóng bỏng” vào các năm 2011-2012, khiến nhiều ngân hàng phải chấp nhận chi phí lãi suất cao, dẫn tới đẩy lãi vay lên rất cao.
“Dù ngân hàng có cho vay ra nhiều hay ít, thì dịp cuối năm, vẫn phải đẩy mạnh huy động. Khi cả hệ thống đẩy mạnh hút vốn, họ tăng lãi tiền gửi cao lên thì khách hàng sẽ chạy sang đó hết, kiểu “nước chảy chỗ trũng”. Chúng tôi đành phải tăng lãi suất để giữ chân khách hàng, ít nhất là qua được dịp Tết thường rất khát tiền”- Một lãnh đạo cấp chi nhánh chia sẻ.
Đó là thực tế diễn biến theo quy luật cung cầu của thị trường. Dĩ nhiên, các doanh nghiệp sẽ không vui khi lãi suất huy động dâng cao khiến lãi vay bị đẩy lên cao, đe dọa lợi nhuận của họ. Doanh nghiệp luôn kêu than và kiến nghị các ngân hàng giảm lãi suất, hoặc giữ ổn định lãi vay ở mức 6-10%/năm nhằm hỗ trợ chi phí tài chính cho doanh nghiệp.
Thế nhưng, ở góc nhìn khác, một số chuyên gia lại cho rằng tăng lãi suất huy động là việc “đặng chẳng dừng” của ngân hàng và khó có thể giảm thêm.
Theo chuyên gia kinh tế Ts. Võ Trí Thành, lạm phát hiện rất thấp, nhưng lãi suất trong ngắn hạn sẽ trông vào yếu tố tỷ giá và lãi suất đồng USD. Trong xu hướng đồng USD mạnh lên và FED luôn nhấp nhổm tăng lãi suất USD trong nhận định lạc quan về tăng trưởng kinh tế Mỹ, thì lãi suất VNĐ sẽ khó giảm trong năm sau. Vì nếu ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất, thì có khả năng tiền từ dân cư sẽ chảy sang kênh USD hoặc kênh đầu tư khác sinh lời hấp dẫn hơn, như bất động sản, chứng khoán, vàng…
Hơn nữa, trong bối cảnh nhu cầu huy động trái phiếu Chính phủ tăng và lãi suất đẩy lên cao thì theo ông Thành “lãi suất trái phiếu trung và dài hạn cao lên thì làm sao mà lãi suất cho vay của ngân hàng lại có thể thấp hơn?”