Lĩnh vực M&A ngân hàng chưa hấp dẫn trong ngắn hạn

PV.

(Tài chính) Với dự kinh tế trong và ngoài nước được hồi phục chậm chạp, bản thân nội tại ngân hàng đang giải quyết vấn đề nợ xấu nên lĩnh vực M&A ngân hàng vẫn chưa thể hấp dẫn các nhà đầu tư (NĐT) ngoại trong ngắn hạn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhận định về “lực cản” đối với NĐT ngoại khi muốn tham gia vào lĩnh vực M&A ngân hàng Việt Nam, TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, điều đó phụ thuộc vào chương trình tái cơ cấu của hệ thống ngân hàng hiện nay. Thời gian qua, hệ thống ngân hàng mới giải quyết những vấn đề căn bản như thanh khoản, xử lý một phần nợ xấu. Trong khi đó, tính chính xác, công khai minh bạch cũng như tiếp cận thông tin, số liệu về nợ xấu vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Ngay cả việc nới room cho NĐT ngoại, theo TS. Võ Trí Thành vẫn còn hạn chế, chỉ mở đối với các ngân hàng yếu kém, độ tin cậy các ngân hàng chưa thực cao. Trên thực tế, Nghị định về việc NĐT nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD) vừa được Chính phủ ban hành ngày 3/1 và có hiệu lực vào ngày 20/2 cũng chưa làm các NĐT ngoại hài lòng dù tỷ lệ sở hữu được nâng lên tối đa là 20% vốn điều lệ của một TCTD thay vì 15% như trước đây.

Nhiều NĐT từng cho rằng, sở hữu 20% vẫn là quá khó để có thể điều hành một ngân hàng, không thể nắm quyền kiểm soát tại ngân hàng đó. Tỷ lệ nắm giữ lý tưởng của một NĐT chiến lược ngoại tại một ngân hàng phải trên 50%, còn để có tiếng nói trong vấn đề quản lý trong ngân hàng thì phải sở hữu tối thiểu 30% vốn điều lệ. Rõ ràng sẽ không có ngân hàng nào muốn bỏ một số tiền lớn mà gần như không có quyền hành gì đối với nó. Chính điều này khiến cho nhiều chuyên gia nhận định rằng, nếu không tiếp thay đổi mức room này thì năm 2014 M&A ngân hàng cũng chưa có đột phá.

Đó là chưa kể trên thực tế, hiện nhiều ngân hàng đã sử dụng tối đa room NĐT ngoại như BNP Paribas sở hữu 20% vốn điều lệ của OCB, Commonwealth Bank of Australia sở hữu 20% vốn điều lệ của VIB, Societe Generale sở hữu 20% vốn của SeABank, United Overseas Bank sở hữu 20% vốn của Southern Bank…

Như vậy,  khá nhiều ngân hàng không còn cơ hội bán thêm vốn cho đối tác ngoại trong khi những ngân hàng quy mô nhỏ có tính thanh khoản, năng lực tài chính kém lại không thu hút được sự quan tâm của các NĐT ngoại. Đây chính là lí do mà một số chuyên gia ngoại từng kiến nghị Chính phủ cho phép nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng lên 49%; đối với các ngân hàng yếu trong hệ thống, cho phép tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên đến 100%.

Tuy nhiên, điều này khó xảy ra trong thời gian tới bởi đây tài chính – ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, không phải cứ muốn nới rộng là được. Với những lí do này, nhiều ý kiến cho rằng, tác động của việc tăng sở hữu nước ngoài tại ngân hàng đối với việc M&A trong lĩnh vực ngân hàng cũng như thị trường chứng khoán trong thời gian tới được cho là không lớn.

Ngoài ra, khi muốn mua cổ phần ngân hàng Việt Nam, điều NĐT ngoại quan tâm nhất chính là tính minh bạch, chính xác từ các bản cáo bạch, bảng cân đối tài sản, cơ cấu doanh thu, thậm chí cả nhân sự ở Hội đồng quản trị.

Những băn khoăn này không phải là không có cơ sở khi chủ ngân hàng hiện nay không làm trong lĩnh vực này mà chủ yếu họ tích lũy được một khoản tiền lớn từ kinh doanh, mà phần nhiều gắn với bất động sản, rồi đổ tiền vào ngân hàng. Điều đáng nói là hai thị trường rủi ro cao nhất mà hay liên quan với nhau, dòng tiền “chạy qua, chạy lại” vô cùng lớn, khiến rất dễ nảy sinh ra vấn đề sở hữu chéo, cho vay dưới chuẩn…

Sự “chằng chịt” về sở hữu khiến các NĐT ngoại rất ngại mua cổ phần những ngân hàng như vậy. Thậm chí, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, từng chia sé, có ngân hàng chào bán cổ phần, NĐT ngoại chỉ chấp thuận mua với giá cao nhưng với yêu cầu không có “bóng dáng” ông chủ cũ tại ngân hàng.

Bên cạnh đó, vấn đề áp dụng chuẩn mực, thông lệ quốc tế vẫn còn khá chậm. Điển hình như việc áp dụng Thông tư 02 quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng đối với các tổ chức tín dụng với những quy định gần chuẩn mực quốc tế hơn đã phải hoãn lại đến tháng 6/2014. Thậm chí, hiện nay không ít ngân hàng đang đề nghị tiếp tục lùi thời gian thực hiện.

Nhiều chuyên gia đồng tình rằng, trong dài hạn, NĐT ngoại sẽ quan tâm trở lại lĩnh vực ngân hàng, bởi đây là lĩnh vực Việt Nam mở cửa. Tài chính ngân hàng hiện vẫn là lĩnh vực hấp dẫn, có dư địa để phát triển bởi nếu tính theo tỷ lệ dân số có tài khoản và sử dụng tài khoản ở Việt Nam vẫn còn ít, còn dịch vụ ngân hàng bán lẻ cũng chưa phát triển…

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Chính phủ đã thể hiện được quyết tâm tái cấu trúc hệ thống ngân hàng để hưởng đến phát triển ổn định, bền vững. Về lâu dài với sự nỗ lực của Chính phủ và từ chính các ngân hàng trong việc tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh thì ngân hàng Việt Nam vẫn là “miếng bánh” hấp dẫn trong mắt NĐT ngoại. TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, phải năm sang năm 2015 M&A trong lĩnh vực ngân hàng mới thực sự nhộn nhịp, bởi hiện nay NĐT nước ngoài đang nghe ngóng tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đi đến đâu?!

Trong thời gian tới, nếu nỗ lực tái cấu trúc tiếp tục được thực hiện và mang lại hiệu quả tích cực thì từ năm 2015 chắc chắn NĐT nước ngoài sẽ vào mua, tạo sự sôi động trong lĩnh vực M&A ngân hàng ở Việt Nam.