Lĩnh vực ngân hàng toàn cầu đối mặt với nhiều nỗi lo
Kinh tế toàn cầu nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng được dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn sau những sự kiện tiêu cực liên tục diễn ra.
Nhìn chung, đầu năm đến nay, giới chức Mỹ và châu Âu đã cố gắng điều hành nền kinh tế tránh các xu hướng nguy hiểm. Cùng với đó, các ngân hàng trung ương đã liên tục tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lãi suất cao đang tạo nhiều thách thức cho lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Bởi nếu các ngân hàng thắt chặt tín dụng để đối phó với căng thẳng thì có thể làm cho nền kinh tế chậm lại và làm tăng nguy cơ suy thoái.
Gần đây, lãi suất tăng nhanh ở Mỹ và châu Âu đang khiến một số ngân hàng trở thành nạn nhân. Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank đã làm dấy lên lo ngại khủng hoảng lan rộng. Theo Moody's, hậu quả từ cuộc khủng hoảng ngân hàng bắt đầu với sự sụp đổ của Silicon Valley Bank vào đầu tháng 3 vẫn có nguy cơ lan rộng, dù gần đây các nhà hoạch định chính sách đã phản ứng nhanh chóng với cuộc khủng hoảng.
Trên thực tế, dù các ngân hàng Mỹ gặp sự cố vừa rồi có quy mô không phải lớn song đã tác động khá mạnh đến tâm lý người dân. Số liệu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố hôm 24/3 cho thấy, người gửi đã rút tổng cộng 98,4 tỷ USD khỏi các ngân hàng Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 15/3. Việc rút tiền chủ yếu diễn ra ở các ngân hàng nhỏ. Tổng cộng, lượng tiền gửi tại các ngân hàng Mỹ hiện chỉ còn hơn 17.500 tỷ USD. Với con số này, số tiền gửi đã giảm 582 tỷ USD tính từ tháng 2/2022.
Trong khi đó, ngày 19/3, UBS đồng ý chi 3,2 tỷ USD mua Credit Suisse, trong thỏa thuận lịch sử do chính phủ Thụy Sĩ làm trung gian nhằm nỗ lực tìm ra phương án giải cứu Credit Suisse, ngăn khủng hoảng tài chính lan rộng trên toàn cầu. Trước đó, từ cuối năm ngoái, Credit Suisse đã gặp rất nhiều khó khăn trước làn sóng rút tiền của khách hàng. Hàng loạt scandal, từ thua lỗ đầu tư, cắt giảm nhân sự, thay đổi lãnh đạo đến vướng vào kiện tụng đã khiến khách hàng mất niềm tin vào Credit Suisse.
Khi những căng thẳng trong hệ thống ngân hàng trở nên rõ ràng, các nhà đầu tư đã kỳ vọng những ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới dừng tăng lãi suất. Tuy nhiên, cả Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Fed gần đây vẫn tiếp tục siết chặt tiền tệ. Với việc chính sách tiền tệ thắt chặt càng lâu thì khả năng căng thẳng sẽ lan rộng ra ngoài lĩnh vực ngân hàng, gây ra thiệt hại tài chính và kinh tế lớn hơn những gì mà các tổ chức tài chính, xếp hạng đang dự đoán.
Báo cáo hôm 23/3 của Moody's cũng nhận định, trong một môi trường kinh tế không chắc chắn và với niềm tin của nhà đầu tư vẫn còn mong manh, có nguy cơ các nhà hoạch định chính sách sẽ không thể ngăn chặn tình trạng hỗn loạn hiện tại mà không gây ra những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài hơn trong và ngoài lĩnh vực ngân hàng.
Nhìn chung, các ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý ở Mỹ, châu Âu cho biết những căng thẳng đã được ngăn chặn, nhưng có thể mất vài tháng trước khi niềm tin vào hệ thống ngân hàng khôi phục hoàn toàn. Trước đó, ông Jerome Powell - Chủ tịch Fed lên tiếng trấn an thị trường rằng, hệ thống ngân hàng vẫn an toàn. Fed có công cụ và sẵn sàng sử dụng các công cụ đó để bảo vệ người gửi tiền nếu nền kinh tế hoặc hệ thống tài chính bị đe dọa một cách nghiêm trọng. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cũng lên tiếng sẽ tuyên bố sẽ bảo vệ các ngân hàng nhỏ và người gửi tiền.
Moody's cho biết, họ kỳ vọng vào Fed và các cơ quan quản lý khác sẽ thành công trong việc ngăn chặn các hiệu ứng gợn sóng, nhưng khả năng căng thẳng lớn hơn vẫn còn. Tuy nhiên, sự hỗn loạn của lĩnh vực ngân hàng đã làm phức tạp thêm cuộc chiến kéo dài cả năm của Fed với lạm phát và khiến việc hạ cánh mềm trở nên khó khăn hơn.
Rõ ràng, mọi áp lực và rủi ro vẫn đang ở phía trước và chưa ai lường trước được điều gì xảy ra.