Lĩnh vực xuất nhập khẩu vượt khó như thế nào?

Theo Lưu Hiệp/cand.vn

Sau Tết trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra đang diễn biến phức tạp đã làm gián đoạn giao thương Việt-Trung, đã kéo giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng. Theo dự báo tình hình xuất nhập khẩu sẽ phải đối mặt khó khăn trong nhiều tháng tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tháng 1 trùng vào dịp nghỉ Tết, số ngày làm việc giảm, nên kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) cũng giảm theo. Đây là diễn biến thường nhật theo các năm. Tuy nhiên, năm nay sau Tết trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra đang diễn biến phức tạp đã làm gián đoạn giao thương Việt-Trung, đã kéo giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu (XK) nhiều mặt hàng. Theo dự báo tình hình XNK sẽ phải đối mặt khó khăn trong nhiều tháng tới.

Kim ngạch nhiều nhóm hàng sụt giảm

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Công Thương, tổng kim ngạch XNK hàng hóa của Việt Nam trong tháng 1- 2020 ước đạt 38,1 tỷ USD, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó XK ước đạt 19 tỷ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị XK tất cả các nhóm hàng đều theo chiều đi xuống. 

Cụ thể, giá trị XK nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 1,85 tỷ USD, giảm tới 18,8% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 9,7% tổng kim ngạch XK. Trong nhóm này, ngoại trừ sắn và các sản phẩm từ sắn, các mặt hàng khác đều có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước. 

Lĩnh vực xuất nhập khẩu vượt khó như thế nào? - Ảnh 1
Dịch virus Corona ảnh hưởng sâu rộng tới các ngành hàng xuất nhập khẩu.

Tương tự, kim ngạch XK nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt gần 0,294 tỷ USD, giảm tới 36,3% so với cùng kỳ năm 2019. Với nhóm hàng công nghiệp chế biến, tình hình cũng không khả quan hơn khi kim ngạch XK tháng 1 ước đạt 15,88 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 83,6% tổng kim ngạch XK.

Trên thực tế, sự sụt giảm này có tác động lớn từ ảnh hưởng của dịch bệnh virus Corona, Trung Quốc đóng cửa biên giới, hạn chế XNK hàng hoá, do đó đã gây gián đoạn giao thương Việt - Trung. Dịch tác động mạnh đến giá nhiều loại nông sản, cụ thể là trái cây. Đơn cử như sầu riêng, trước Tết giá đạt 70.000 đồng/kg, nay chỉ còn 40.000 đồng/kg; thanh long chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg, cá biệt có nơi giá dưa hấu chỉ còn 1.000 đồng/kg.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, dịch do virus Corona ảnh hưởng chủ yếu đến việc xuất khẩu các sản phẩm nông sản sang thị trường Trung Quốc và cụ thể là đối với xuất khẩu thanh long. Ước tính quý I/2020, sản lượng thanh long đạt 360.000 tấn, tăng 13% so cùng kỳ năm 2019 và hiện lượng đã thu hoạch xuất bán khoảng 150 nghìn tấn. 

Hiện nay, sản phẩm thanh long còn lại sẽ thu hoạch đến cuối tháng 3/2020. Tuy nhiên, thanh long chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc (chiếm gần 80%), do dịch bệnh nên một phần ùn ứ tại các cửa khẩu đã khiến giá thanh long tại vườn giảm sâu. Hiện, giá thanh long chỉ còn khoảng 4.000-5.000 đồng/kg, khả năng nếu không tiêu thụ được nông dân sẽ bỏ không thu hoạch gây thiệt hại lớn (khoảng 100 nghìn tấn). 

Mặt hàng dưa hấu, dự kiến sản lượng thu hoạch quý I/2020 ước đạt 230.000 tấn và hiện đã thu hoạch phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu 120.000 tấn. Sản lượng thu hoạch đến cuối tháng 3 còn lại 110.000 tấn; trong đó, tiêu thụ nội địa chiếm 50%, XK Trung Quốc 50%, nên khả năng bị thiệt hại do giảm giá và bỏ ruộng khoảng 50.000 tấn. 

Đối với XK thủy sản, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng đã thông báo cho các DN XK thủy sản của Việt Nam tạm dừng việc giao hàng cho đến hết ngày 9/2, hoặc cho đến khi có thông tin bình thường hóa các hoạt động trở lại từ Chính phủ Trung Quốc.

Dự báo, nhiều sản phẩm thủy sản chủ lực XK vào Trung Quốc cũng giảm. Nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch 14,2 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.

Đa dạng hoá thị trường để bảo đảm sự phát triển

TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, đầu ra cho nông sản hiện nay là vấn đề quan trọng nhất đối với người nông dân. Thị trường ổn định và đa dạng sẽ là hướng đi bền vững cho nông sản Việt Nam. Để đa dạng hoá thị trường, trước hết phải xây dựng chuỗi giá trị từ nơi sản xuất đến tiêu thụ cuối cùng, chuyển sản xuất manh mún sang quy mô lớn… và điều quan trọng nhất là phải thực hiện được. Hiện nay, sự hỗ trợ có thể chỉ là tạm thời như khoanh vốn, giảm thuế, mở kênh phân phối…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát sao diễn biến tình hình dịch bệnh và có thông báo, khuyến cáo đến các địa phương, DN khi có những diễn biến mới của bệnh dịch có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động XNK, từ đó có giải pháp thay đổi phương thức giao hàng, chuyển hướng XK hoặc tiêu thụ trong nước cho phù hợp. 

Bộ Công Thương đề nghị các DN thực hiện nghiêm túc hoạt động XK sang thị trường Trung Quốc theo thông lệ quốc tế, nâng cao chất lượng, triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước NK, tránh phát sinh rủi ro và giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh. 

Bên cạnh đó, các DN Việt Nam, đặc biệt là DN kinh doanh nông sản cần lường trước tình huống DN Trung Quốc không thể nhận hàng để có giải pháp thay đổi phương thức giao hàng, chuyển hướng XK, hoặc tiêu thụ trong nước, hoặc đưa vào chế biến, trữ lạnh cho phù hợp.