Lỗ hổng trong lệnh cấm vận của Mỹ và EU
(Tài chính) Một số người ví von lỗ hổng trong lệnh cấm vận lớn đến nỗi một giàn khoan rộng 320 foot của Exxon và Rosneft có thể xuyên qua lỗ hổng ấy.
Rex Tillerson (Chủ tịch kiêm CEO của công ty năng lượng lớn nhất thế giới Exxon Mobil) và Igor Sechin (CEO của tập đoàn dầu khí Nga Rosneft đồng thời là người thân thiết với Tổng thống Putin) đã trở thành đối tác lớn của nhau khi cùng thông qua thỏa thuận khai thác hàng tỷ thùng dầu ở Nga.
Tuy nhiên, giờ đây “đôi bạn” này đang lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan với nguyên nhân là lệnh cấm vận mới mà Mỹ và EU vừa áp đặt lên Nga mấy ngày trước.
Hồi tháng 8, Exxon đã mang giàn khoan từ Na Uy tới khai thác giếng dầu đầu tiên ở biển Kara trong động thái được nhiều người đánh giá là thể hiện niềm tin vào Rosneft. Tuy nhiên, động thái này đã làm lộ ra kẽ hở mà giờ đây kẽ hở ấy đã bị khép lại sau lệnh cấm vận mới. Hành động của Exxon cũng khiến một vài quan chức phương Tây cũng như các đối thủ cạnh tranh cảm thấy rằng Exxon đang vi phạm tinh thần của các lệnh cấm vận, bất chấp Exxon cho rằng hành động này vẫn phù hợp với luật pháp.
Sự hợp tác giữa Exxon và Rosneft cũng cho thấy sự khác biệt giữa mối quan tâm của chính phủ Mỹ, châu Âu và mối quan tâm của các tập đoàn đa quốc gia.
Ở nước Nga của Tổng thống Putin, chính phủ và các doanh nghiệp nòng cốt, đặc biệt là các tập đoàn nhà nước (trong đó có Rosneft) có mối quan hệ gắn kết và thường không có nhiều khác biệt về mục tiêu. Tuy nhiên, điều này không đúng với Exxon.
Theo David Kramer, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, Exxon không phải là “một cánh tay” của chính phủ Mỹ. Exxon chịu trách nhiệm trước các cổ đông và do đó nếu mang lại lợi nhuận, thương vụ ấy không nhất thiết phải ủng hộ cho các lợi ích về chính sách đối ngoại của nước Mỹ.
Một số người ví von lỗ hổng trong lệnh cấm vận lớn đến nỗi một giàn khoan rộng 320 foot có thể xuyên qua lỗ hổng ấy. Theo như lệnh cấm vận ban đầu, mặc dù các công ty Mỹ và châu Âu không được cung cấp công nghệ cho các công ty Nga, họ vẫn có thể cung cấp các dịch vụ phục vụ hoạt động khai thác dầu khí dài hạn. Điều này có nghĩa là Exxon có thể tiếp tục khoan dầu ở nước ngoài và vẫn có thể tiến hành các dự án hợp tác với Rosneft.
Với lệnh cấm vận ngày 12/9, lỗ hổng ấy đã được bịt lại. Các công ty Mỹ có 14 ngày để ngừng tất cả hoạt động khoan, khai thác và sản xuất dầu ở Nga. Các hợp đồng đã ký vẫn có thể hoạt động, nhưng không có bất kỳ công ty dầu khí lớn nào của EU đang khoan dầu ở vùng biển của Nga.
Nga cần tìm các giếng dầu mới để thay thế các giếng cũ vốn đã hoạt động từ thời Xô Viết và đang bị giảm sản lượng. Nga cũng muốn nhập khẩu các kỹ thuật hiện đại của Mỹ bằng cách hợp tác với những tập đoàn lớn trên thế giới như Exxon hay Shell. Tuy nhiên, rõ ràng là kẻ mất nhiều nhất sau lệnh cấm vận mới nhất lại là Exxon.
Rosneft phần nào đã cảm nhận được các lệnh cấm vận với những tác động tiêu cực đến tình hình tài chính và khả năng tìm kiếm công nghệ mới. CEO Sechin bị cấm du lịch đến Mỹ và châu Âu, đồng thời bị đóng băng tài sản. Trong suốt mấy tháng qua, khi Mỹ và EU ráo riết cấm vận, Exxon nổi lên là một ví dụ điển hình cho một công ty sẵn sàng hỗ trợ đối tác Nga.
Hồi tháng 5, kể cả sau khi Tổng thống Barack Obama kêu gọi lãnh đạo của các công ty Mỹ không tham dự diễn đàn St. Petersburg, một lãnh đạo cấp cao của Exxon vẫn thản nhiên chụp hình với CEO của Rosneft và hai bên đã ký một loạt hợp đồng mới. Tháng 6, Tillerson bay tới Moscow dự Hội nghị dầu khí toàn cầu. Thậm chí ông này tuyên bố với các cổ đông rằng lệnh cấm vận không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Exxon.
Rosneft cũng luôn đẩy mạnh tìm kiếm đối tác. Cuối tháng 7, trong ngày EU và Mỹ đưa ra lệnh cấm xuất khẩu thiết bị khai thác dầu khí cho Nga, Rosneft ký một loạt hợp đồng với Seadrill Ltd., công ty thuộc sở hữu của tỷ phú Na Uy John Fredriksen.
Kể từ khi Xô Viết tan rã cách đây 25 năm, các công ty Mỹ và EU đã giúp đỡ rất nhiều trong công cuộc xây dựng ngành năng lượng Nga với hi vọng có được một phần trong trữ lượng dầu dự trữ 75 tỷ thùng.
Ban đầu, các lệnh cấm vận không hề làm chậm lại những khoản đầu tư này. Tuy nhiên, về dài hạn, Exxon có thể phải đối mặt với một rủi ro lớn: sản lượng. Hoạt động thăm dò khai thác ở biển Kara là nỗ lực lớn nhất trong nỗ lực ngăn chặn đà suy giảm sản lượng mà Exxon đang triển khai trên toàn cầu.
Cổ phiếu của Exxon đã giảm 7,2% kể từ cuối tháng 7, khi công ty này thông báo sản lượng dầu và khí tự nhiên giảm 5,7% theo quý, xuống còn 3,84 triệu thùng mỗi ngày – thấp nhất kể từ quý I/2009.