Lỗ luỹ kế 2.600 tỷ đồng sau 5 năm, Grab kéo các đối thủ be, Go-Viet vào cuộc đua “đốt tiền”
Năm 2018, Grab lỗ 885 tỷ đồng, trong khi Go-Viet lỗ 550 tỷ đồng sau khoảng 4 tháng, be lỗ 88 tỷ đồng sau nửa tháng hoạt động chính thức.
Báo cáo tài chính của Grab năm 2018 cho thấy, tổng chi phí bán hàng của Grab tăng thêm 900 tỷ đồng lên 1.470 tỷ nhưng mức lỗ chỉ tăng chưa đến 100 tỷ so với năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh thu của công ty tăng vọt từ 760 tỷ lên 2.200 tỷ đồng và lãi gộp từ 8 tỷ lên 1.087 tỷ đồng.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các ứng dụng gọi xe công nghệ trong nước và nước ngoài từ việc khuyến mãi cho khách hàng đến thưởng tài xế, việc có dòng tiền lớn từ hoạt động kinh doanh để bù đắp cho chi phí khuyến mãi là một lợi thế rất lớn của Grab.
Grab không dừng lại ở một ứng dụng gọi xe công nghệ, hệ sinh thái đã đa dạng hơn trong đó ví điện tử của Grabpay by Moca, thậm chí đã thay đổi thói quen tiêu dùng của không ít khách hàng.
Nếu như hiện tại, việc mua thẻ điện thoại qua ví điện tử Momo, khách hàng chỉ được hoàn tiền 2% sau giao dịch, tương đương 2.000 đồng với thẻ điện thoại 100.000 đồng cộng 2 điểm thưởng trên Momo. Ở Grabpay by Moca, câu chuyện hoàn toàn khác. Qua ví điện tử của Grab, hoàn tiền lên đến 10% và điểm thưởng hơn 160 điểm trong giao dịch mua thẻ điện thoại mệnh giá 100.000 đồng.
Theo thống kê của Grab vào tháng 12/2018, số lượng giao dịch không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab đã đạt được mức tăng trưởng vượt hơn 370% so với cùng kỳ năm trước.
Việc liên kết với nhiều khách hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ là thứ tiện ích mà gần như chưa ứng dụng gọi xe công nghệ, ví điện tử nào có được từ thanh toán cho các chuyến đi Grab, cho đơn đặt hàng GrabFood, GrabExpress, đến hoá đơn điện, nước, đặt phòng khách sạn, chuyển tiền trong ví cho nhau...
Với GrabFood, sau 1 năm ra mắt đã đạt mức tăng trưởng gấp 250 lần, trở thành dịch vụ giao nhận thức ăn tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam. 7 tháng kể từ khi chính thức ra mắt, đến 1/2019, GrabFood mở rộng dịch vụ đến 15 tỉnh thành và trở thành mạng lưới giao nhận thức ăn phát triển nhanh nhất Việt Nam, bỏ xa cả những đối thủ đã có mặt trước GrabFood trên thị trường giao nhận đồ ăn. Thậm chí ứng dụng giao đồ ăn Lala còn chấp nhận bỏ cuộc vì mức độ cạnh tranh quá gay gắt.
Trên khắp “mặt trận” từ ứng dụng gọi xe, giao đồ ăn hay ví điện tử, Grab trở thành đối thủ đáng gờm, nhất là so về mặt thời gian, Grab cũng thuộc ứng dụng “đàn anh, đàn chị”, với những ứng dụng sinh sau đẻ muộn hơn như Go-Viet hay Be Group chi phí ban đầu bỏ ra sẽ rất nhiều và có lẽ để đuổi kịp Grab chi phí bỏ ra thậm chí gấp nhiều lần so với thời gian đầu mà Grab đã từng làm.
Số liệu của Go-Viet cho thấy, dù ứng dụng ra mắt từ tháng 9/2018, nhưng chỉ 4 tháng sau khi hoạt động chính thức Go-Viet đã lỗ 550 tỷ đồng, trong khi be thuộc Be Group báo lỗ 88 tỷ đồng dù chính thức ra mắt giữa tháng 12/2018 tức là mới hoạt động được nửa tháng.
Với dịch vụ giao đồ ăn, Foody sở hữu mức lỗ năm 2018 cũng tăng gấp 4 lên 433 tỷ đồng còn số lỗ của ví điện tử Momo cũng tăng gần gấp đôi lên 440 tỷ đồng.