Logistics nội làm chủ sân chơi - trợ lực cho doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu
Các doanh nghiệp (DN) logistics Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ và chiếm ưu thế trong nhiều lĩnh vực như vận tải, kho bãi, cầu cảng… và đang tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy các ngành khác phát triển.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) khẳng định, nhiều năm nay ngành logistics đã tiến bộ rất nhiều, thể hiện rõ nét nhất là qua bảng xếp hạng Chỉ số năng lực mà Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá 2 năm 1 lần. Theo kết quả mới nhất mà WB công bố năm 2018, Việt Nam hiện đang xếp ở vị trí thứ 39/160 (tăng 25 bậc).
“Trước đây người ta vẫn thường hay nhìn nhận “sân chơi” logistics chủ yếu thuộc về DN ngoại, tuy nhiên, theo khảo sát của Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI), trong số hơn 3.000 DN logistics thì DN trong nước chiếm 88%, chỉ có 10% là DN liên doanh và 2% là DN 100% vốn nước ngoài” - ông Hiệp nhấn mạnh.
Nhìn về triển vọng tương lai, ông Lê Duy Hiệp cho biết, khung pháp lý và chính sách liên quan đến logistics đang dần hoàn thiện. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics và Bộ Công Thương cũng có Quyết định số 708/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch cải thiện chỉ số Hiệu quả logistics của Việt Nam (gọi tắt là LPI). Hiện tại, VLA đang bám vào những quyết định này để xây dựng các chiến lược hoạt động như nâng cao công tác đào tạo nhân lực, áp dụng công nghệ trong quản trị logistics… qua đó giúp ngành có sự cạnh tranh tốt hơn.
Theo thống kê của VLA, hiện các công ty logistics nội địa là lựa chọn hàng đầu của DN chủ hàng khi có tới 52,8% DN lựa chọn - cho thấy sự tin tưởng lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ logistics nội địa. Trong hầu hết các lĩnh vực về khai thác cảng, kho bãi, vận tải đường bộ nội địa, vận tải đường thủy nội địa… DN nội đang chiếm ưu thế gần như tuyệt đối.
Đơn cử trong lĩnh vực giao nhận, sự phát triển mạnh của các công ty như Giaohangnhanh.vn, Giaohangtietkiem… với hệ thống mạng lưới điểm giao dịch, phương tiện vận chuyển linh hoạt có thể giao và lấy hàng trong 6 giờ đồng hồ đã buộc những đơn vị truyền thống như Công ty Kho vận miền Nam, Vietnam Post buộc phải thay đổi để thích ứng. Theo đó, các doanh nghiệp này đã đa dạng loại hình cung cấp cho đối tác bằng việc nâng cao chất lượng phục vụ, giảm giá vận chuyển và áp dụng công nghệ để khách hàng có thể truy dấu gói hàng khi gửi đi…
Hay trong lĩnh vực cảng biển, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện nay cả nước có 265 bến cảng/402 cầu cảng với 87.550m dài cầu cảng, tổng công suất thiết kế khoảng 500-550 triệu tấn hàng/năm. Hầu hết các cảng tổng hợp, đầu mối khu vực cho phép tiếp nhận tàu có trọng tải đến 30.000 - 50.000 DWT và lớn hơn (Cái Mép - Thị Vải tiếp nhận tàu 160.000 - 194.000DWT), tạo điều kiện cho DN xuất nhập khẩu thuận tiện hơn.
Một DN xuất khẩu dệt may tại TP. Hồ Chí Minh nhận xét, việc các cảng biển ngày càng được nâng cấp về tải trọng cũng như các kho ngoại quan của Việt Nam đang ngày càng mở rộng đã đáp ứng được nhu cầu trữ hàng cho DN, phục vụ việc mua nguyên liệu để sản xuất, xuất khẩu.
Đánh giá của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho thấy, năm vừa qua ngành này đã xuất khẩu 9 tỷ USD, kết quả này có được do sự cải thiện tích cực về logistics nội địa, từ hệ thống lưu kho cho tới vận chuyển hàng hóa đã đáp ứng tốt nhu cầu của DN thủy sản.
Có thể thấy, sự phát triển nhanh của các DN logistics nội đang là trợ lực lớn cho các DN kinh doanh xuất khẩu, giúp họ lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ với giá cả tốt nhất khi vận chuyển hàng hóa hoặc lưu kho.
Theo Bộ Công Thương, hạ tầng logistics bao gồm các trung tâm logistics, trung tâm phân phối, cảng cạn, kho ngoại quan đã gia tăng về số lượng và nâng cấp về công nghệ. Các trung tâm logistics lớn hiện nay tập trung ở khu vực Hải Phòng, Đồng Nai và Bình Dương.