Lợi chung hay lãi riêng?

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Lỗ - lãi của ngành xăng dầu luôn là câu chuyện “bí hiểm”. Đặc biệt mỗi khi tăng giá xăng tăng thì nguyên nhân thường được nhắc tới là do giá thế giới lên cao, giá trong nước lại chưa theo thị trường gây lỗ lớn.

Lợi chung hay lãi riêng?
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tuy nhiên có vẻ như mọi chuyện đã thay đổi một cách bất ngờ khi mới đây Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) chính thức công bố lợi nhuận của tập đoàn này 6 tháng đầu năm 2013. Theo đó, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Petrolimex đạt 898 tỉ đồng.

Bản báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2013 của Petrolimex gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nêu rõ trong khoản lợi nhuận gần 900 tỉ trên, lợi nhuận lớn nhất của Petrolimex lại đến chính từ kinh doanh mặt hàng xăng dầu, đạt tới trên 388 tỉ đồng (chiếm 43%).

Kết quả này có được là một tín hiệu tích cực bởi cách đó không lâu, tại buổi họp báo công bố báo cáo kiểm toán năm 2012, kiểm toán nhà nước đã phát hiện nhiều đơn vị kinh doanh xăng dầu chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của nhà nước về quản lý kinh doanh mặt hàng này. Cụ thể, Petrolimex đã áp dụng tỉ giá của Vietcombank để tính giá cơ sở, không sử dụng tỉ giá bình quân của các ngân hàng thương mại mà thương nhân đầu mối giao dịch theo quy định tại Nghị định 84.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện một số tổng đại lý, đại lý mua xăng dầu tại nhiều đầu mối nhập khẩu kinh doanh xăng dầu, trái với quy định của nhà nước.

Kiểm toán Nhà nước nhìn nhận, chính sách điều hành giá bán xăng dầu, việc quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá còn nhiều bất cập. Chẳng hạn như giai đoạn kinh doanh lỗ vẫn phải trích quỹ bình ổn, nhiều thời điểm quỹ không còn số dư nhưng vẫn phải sử dụng quỹ; việc thay đổi mức trích, chi quỹ không hoàn toàn bám sát sự biến động giá cả của thị trường nên doanh nghiệp bị động, mất nhiều thời gian để tính toán số liệu theo từng chu kỳ; việc cấp hạn mức nhập khẩu xăng dầu theo năm có thể dẫn tới tình trạng mất cân đối nguồn cung xăng dầu trong ngắn hạn.

Đáng chú ý, tập đoàn này cũng có tên trong nhóm các doanh nghiệp đầu tư vốn và sử dụng vốn nhưng không bảo toàn được vốn.

Khoan hãy nói đến chuyện lãi lớn của Petrolimex là do sự minh bạch sau khi kiểm toán hay do những yếu tố thị trường, nhưng rõ ràng theo như cách giải thích thường thấy của tập đoàn này là khi giá xăng tăng là do lỗ, vậy khi lãi lớn như vậy người dân có thể hy vọng vào việc giá xăng giảm?

Xét một cách sòng phẳng thì có lẽ thời điểm này Petrolimex nên giảm giá xăng dầu. Tuy nhiên, theo Nghị quyết của Hội đồng quản trị tập đoàn, kế hoạch lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn năm 2013 cần phải đạt 1.980 tỉ đồng. Như vậy, 6 tháng đầu năm 2013, dù lãi lớn, Petrolimex mới đạt 45% kế hoạch, những tháng cuối năm toàn tập đoàn, từ Cty mẹ đến tất cả các Cty thành viên, Cty con sẽ nỗ lực hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực xăng dầu, dầu mỡ nhờn... để sẽ đạt 100% kế hoạch lợi nhuận.

Đáng lẽ Petrolimex lãi lớn lúc này là chuyện đáng mừng vì đó là cơ sở để có thể giảm giá xăng dầu, nhưng với Nghị quyết đã phê duyệt, một câu hỏi được đặt ra là Petrolimex sẽ kiên định với mục tiêu lợi nhuận của mình hay sẵn sàng giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với cộng đồng? Nói cách khác là lãi cho riêng mình hay giảm vì lợi ích chung? Chuyện lãi lớn của Petrolimex chưa hẳn đã là một tín hiệu vui!