Lời giải nào cho bài toán thiếu nguyên liệu sản xuất da giày?


Có kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng do phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu cho sản xuất, giá trị gia tăng của ngành da giày thực tế không cao.

Lời giải nào cho bài toán thiếu nguyên liệu sản xuất da giày?
Lời giải nào cho bài toán thiếu nguyên liệu sản xuất da giày?

Cùng với dệt may, da giày là “điển hình” phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, kim ngạch diễn tiến theo đà tăng trưởng xuất khẩu của ngành. Số liệu từ Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, từ năm 2019-2023, riêng mặt hàng da thuộc, các doanh nghiệp da giày trong nước nhập khẩu từ 1,6-1,7 tỷ USD/năm, chưa kể tới những phụ liệu khác như đế giày, chỉ…

Với lợi thế giá thành cạnh tranh, vận chuyển thuận lợi, đa dạng chủng loại và chất lượng, Trung Quốc hiện vẫn là nguồn cung nguyên phụ liệu lớn nhất cho ngành da giày Việt Nam, với khoảng 35%; tiếp đến là Thái Lan với 11,8%; Italia 10,3%... Ngoài ra, doanh nghiệp da giày trong nước còn nhập khẩu da thuộc từ Mỹ, Hàn Quốc và những thị trường khác, tuy nhiên tỷ trọng mỗi thị trường không cao.

Quý I/2024, do tình hình đơn hàng có khởi sắc, nhập khẩu da thuộc của doanh nghiệp sản xuất da giày trong nước cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 với trên 434 triệu USD.

Những năm gần đây, dưới yêu cầu về quy tắc xuất xứ tại các hiệp định thương mại tự do, ngành da giày đã có cải thiện nhất định về tỷ lệ nội địa hóa. Có thời điểm đạt mức 55%, riêng đối với mặt hàng giày thể thao đã đạt 70-80%.

Tuy nhiên, con số kể trên được đánh giá không bao quát hết thực trạng phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc của các doanh nghiệp da giày. Việc chủ động được nguồn nguyên phụ liệu hay cải thiện tỷ lệ nội địa hoá thực chất là tuỳ thuộc vào từng doanh nghiệp.

Ở tầm vĩ mô, bao quát toàn ngành, trong chuyện phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam băn khoăn khi da giày là ngành xuất khẩu chủ lực nhưng quá tập trung vào gia công và phó mặc nguyên vật liệu cho chuỗi cung ứng ngoài nước.

Hơn nữa, thị trường kinh doanh giao dịch mua bán nguyên phụ liệu da giày tại Việt Nam hầu như không có. Chỉ có một vài chợ bán nguyên phụ liệu hộ gia đình phục vụ cho kinh doanh nhỏ lẻ của thị trường nội địa.

“Bài toán đặt ra là 60 -70% số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ của ngành dệt may, da giày Việt Nam phải loay hoay tự đi tìm nguồn cung nguyên liệu hoặc phải chạy theo sự chỉ định của khách hàng. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro”, bà Xuân nhấn mạnh.

Phụ thuộc nguyên phụ liệu nhập khẩu là vấn đề lịch sử của ngành da giày, trong bối cảnh đất nước, doanh nghiệp chưa đủ nguồn lực để đầu tư phát triển khâu thượng nguồn thì nhập khẩu là cách giải quyết tốt để đáp ứng năng lực sản xuất ở mức cao, tạo việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, như bà Xuân lo lắng, bối cảnh thị trường nhập khẩu sản phẩm da giày đã rất khác, bên cạnh quy tắc xuất xứ từ các hiệp định thương mại tự do, cấp độ yêu cầu đã tăng lên một mức mới khi các nước nhập khẩu đòi hỏi sự tham gia của vật liệu bền vững, thân thiện môi trường, minh bạch và truy xuất chuỗi cung ứng, chi phí tăng và áp lực lớn về lợi nhuận biên, sáng kiến kinh tế tuần hoàn. “Ngay cả sở thích người tiêu dùng cũng trở nên đa dạng hơn với ưu tiên thiên về sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm có thể tái chế”, bà Xuân cho hay.

Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay bài toán thiếu nguyên phụ liệu của ngành da giày cần một lời giải mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa. Điều này không chỉ là vấn đề có đơn hàng hay không có đơn hàng, bán được hàng hay không bán được hàng mà thậm chí cả sự tồn tại của một ngành sản xuất. Nói như chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: “Không đáp ứng được các yêu cầu, chúng ta sẽ bị loại khỏi cuộc chơi”.

Dư địa thời gian cho ngành da giày phát triển khâu thượng nguồn không còn nhiều, thậm chí là ngắn. Và cần thiết phải có những giải pháp đột phá để nâng cấp chuỗi giá trị ngành. Trong đó, thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch là thiết yếu.

“Việt Nam cần có Trung tâm giao dịch và phát triển cung ứng nguyên phụ liệu vì khi thị trường và ngành dệt may, da giày trong nước phát triển, sẽ cần có nơi để tập trung mẫu, phân phối nguyên phụ liệu, đầu tư, chuyển giao công nghệ và giao dịch giữa các doanh nghiệp trong nước, ngoài nước”, đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam đề xuất.

Được biết, mới đây đoàn công tác của Bộ Công Thương đã làm việc và bày tỏ sự đồng tình với đề xuất của hiệp hội. Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương thông tin, trên cơ sở Nghị quyết 115/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã cho xây 5 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng, trong đó có 3 trung tâm của ngành cơ khí và 2 trung tâm của ngành dệt may, da giày. Hiện, Bộ Công Thương đã khởi công xây dựng 2 trung tâm cơ khí tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Theo ông Hoài, đối với Trung tâm dệt may, da giày, hiện đã có đủ điều kiện cần và đủ để xây dựng. “Bản thân Nghị quyết 115 đã giao những ưu đãi đề án và chính sách hỗ trợ. Do đó, việc phát triển trung tâm theo hình thức nào, cần hỗ trợ những gì, hiệp hội và các doanh nghiệp cần làm rõ”, ông Hoài lưu ý. Trên cơ sở đó, Cục Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc bộ phối hợp cùng hiệp hội nghiên cứu, đề xuất xây dựng Đề án thành lập khu trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang Việt Nam.

Theo Báo Công Thương