“Lối mở” cho linh kiện ôtô

Theo Lan Anh/congthuong.vn

Ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang tạo cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) linh kiện ôtô. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi các DN phải biết nắm bắt cơ hội, liên kết tạo dựng thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Lợi thế lớn

Theo Bộ Công Thương, 6 tháng năm 2020, mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đã XK với trị giá 10,42 tỷ USD, tăng 26,5% (tương đương 2,18 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, tổng kim ngạch XK nhóm hàng linh kiện, phụ tùng ôtô của Việt Nam đạt kỷ lục 5,645 tỷ USD, đứng vị trí thứ 8 trong nhóm 10 sản phẩm có giá trị XK cao nhất hiện nay. Các thị trường lớn nhất nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô từ Việt Nam là: Nhật, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc… Việc gia công được cho là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Ưu đãi thuế quan tạo cơ hội xuất khẩu linh kiện ôtô
Ưu đãi thuế quan tạo cơ hội xuất khẩu linh kiện ôtô
 

Dư địa thị trường để phát triển ngành sản xuất và XK linh kiện ôtô đối với DN Việt khá tiềm năng nếu như biết nắm bắt cơ hội. Điển hình, Thaco đang đẩy mạnh hoạt động XK ôtô và linh kiện, phụ tùng, từng bước đưa XK trở thành “mảng kinh doanh mũi nhọn”. Bên cạnh đó, Thaco đã XK nhiều sản phẩm linh kiện ôtô sang Hàn Quốc và Nhật Bản. Kế hoạch sắp tới, nhà máy sẽ phát triển đa dạng các sản phẩm XK, mở rộng thị trường sang Đông Nam Á, châu Âu, Úc, Mỹ...

Hay, Công ty TNHH Tâm Hợp nhận sản xuất khoảng 400 linh kiện đơn để lắp ráp cho các dòng xe Toyota. DN cũng là nhà cung ứng cho Thaco Trường Hải, sản xuất khoảng 100 bộ linh kiện cho xe tải với sản lượng bình quân 1.600 xe/tháng…

Theo đánh giá của các chuyên gia, triển vọng XK linh kiện ôtô của Việt Nam vào EU sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, thuế suất giảm từ 3 - 4% về 0% sẽ tăng cơ hội XK cho mặt hàng này. Với Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thuế suất linh kiện ôtô XK sang các nước thành viên như Nhật, Canada… giảm về 0% cũng là lợi thế đối với Việt Nam.

Liên kết tạo dựng thị trường

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), các DN sản xuất công nghiệp phụ trợ ngành công nghiệp ôtô bên cạnh cung cấp sản phẩm cho thị trường nội địa, đã có xuất khẩu. Năng lực công nghệ của nhiều DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho ngành ôtô Việt Nam đã được tăng cường.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp (Cục Công nghiệp) - chỉ ra, những linh kiện, phụ tùng ôtô Việt Nam xuất khẩu có công nghệ tương đối cao như bộ dây đánh lửa, phụ tùng trong hộp số, túi khí an toàn... Điều này cho thấy, Việt Nam đã có các nhà sản xuất linh phụ kiện ôtô đạt chất lượng cao, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, chứ không chỉ sản xuất những sản phẩm giản đơn.

Với kim ngạch XK linh kiện ôtô hàng tỷ USD mỗi năm và việc ưu đãi thuế quan từ các hiệp định EVFTA hay CPTPP, DN nội địa cần nắm bắt cơ hội. Để nâng cao năng lực XK linh kiện ôtô cũng như tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do, giới chuyên gia cho rằng, cần triển khai các chương trình kết nối kinh doanh nhằm tăng cường liên kết, liên doanh giữa DN CNHT ôtô trong nước với DN lớn trên thế giới để tạo dựng thị trường. Bên cạnh đó, để XK lĩnh vực này không bị chững lại do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, rất cần thêm những chính sách lớn từ Chính phủ và các bộ, ngành, khuyến khích DN CNHT trong nước…

Dù chỉ số mức độ hấp dẫn tương đối của một quốc gia đối với các cơ sở sản xuất ôtô (do Fitch Solutions xếp hạng) thấp hơn các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn để sản xuất linh kiện ôtô vì có nhiều hiệp định thương mại tự do và chi phí sản xuất thấp.