Khe cửa hẹp
Chỉ còn hơn một năm nữa, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo yêu cầu của Thủ tướng đến hạn chót. Tuy nhiên, với số tiền đầu tư ngoài ngành lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay, việc thoái vốn là chuyện không dễ. Nhiều lãnh đạo các tập đoàn cũng công khai thừa nhận đang “mắc kẹt” với quy định rút vốn đầu tư ngoài ngành.
Như với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến hết năm 2013, còn mắc kẹt với hơn 2.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành tại nhiều đơn vị như: Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank); Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS); Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu (GIC); Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Miền Trung…
Theo lãnh đạo EVN, một trong những nhiệm vụ lớn phải cố gắng thực hiện từ nay đến hết 2015 là giảm vốn góp tại Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance) theo quy định Luật Tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, các số liệu cho thấy dù rất nỗ lực, nhưng việc thu hồi tiền đầu tư của EVN rất chậm chạp. Năm 2013, EVN đã hoàn thành việc thoái vốn lần một tại ABBank và GIC với số tiền thu về rất nhỏ: Chỉ 278 tỷ đồng.
TS. Lê Đăng Doanh
Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cũng thừa nhận đang gặp khó khi thoái vốn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, Công ty chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà… Nguyên nhân chính của việc thoái vốn là khó tìm kiếm đối tác chấp nhận mua ít nhất bằng mệnh giá.
TS. Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc bán cổ phần cũng giống như tất cả các loại hàng hóa khác, không nhất thiết bán cho ai cũng phải theo cùng một giá. Theo ông Cung, nếu bán lỗ, nhưng có cơ hội đầu tư vào nơi khác tốt hơn hoặc cắt được lỗ thì nên làm. Thậm chí cả với doanh nghiệp đang lãi, nếu cần vốn đầu tư vào chỗ khác để đạt được những mục đích quan trọng khác cũng nên làm.“Ngu gì mà không kiếm chác”
Trao đổi với phóng viên, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, trong thông điệp đầu năm của Thủ tướng đã khẳng định rõ quyết tâm đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống DNNN và cổ phần hóa. Thông điệp đã khá rõ nên phải quyết liệt làm, nếu không mọi thứ sẽ chẳng đi đến đâu.
Theo TS. Doanh, điều quan trọng là phải công khai minh bạch và làm theo cách mới. Bên cạnh đó, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả những DN đang kinh doanh có hiệu quả.
Cũng theo ông Doanh, không thể thực hiện việc tái cơ cấu và cổ phần hóa như trước đây khi không rõ ai mua, ai bán. Mua bán kiểu này, thiệt duy nhất là nhà nước và nhân dân. Cổ phần hóa phải làm sao để doanh nghiệp sau đó mạnh lên do có thêm vốn; có thêm nhà đầu tư chiến lược; có năng lực về tài chính, về quản lý.
Nếu đầu tư xong mà một lô quan chức có cổ phiếu, cổ phần ở đó hay tái cơ cấu kiểu bán đất đi để lấy tiền kinh doanh bất động sản thì tác động sẽ hết sức phức tạp. “Tôi từng hỏi chuyện với tổng giám đốc một tập đoàn kinh tế nhà nước và ông này nói thẳng, với cung cách quản lý hiện nay, ngu gì mà không kiếm chác. Đây là điều tôi nghĩ cần có sự xem xét rất cẩn trọng về con người”, TS. Lê Đăng Doanh nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, nhiều cơ chế chính sách về sắp xếp cổ phần hóa các DNNN hiện còn vướng mắc. Bộ Tài chính sẽ sớm hoàn thiện cơ chế chính sách về cải cách DNNN; đồng thời hoàn thiện chính sách về chuyển đổi và cổ phần hóa DNNN.
Ngoài ra, một số biện pháp mạnh cũng đang được nghiên cứu, bao gồm cả việc thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá; sửa đổi quy định chào bán cổ phần tại DNNN đã đầu tư; tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, cho phép sở hữu 100% vốn của công ty chứng khoán...