London đề xuất duy trì liên minh thuế quan với EU

Theo daibieunhandan.vn

Ngày 15/8, Chính phủ Anh đã công bố lập trường trong đàm phán về việc thoái lui khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Trong đó, London đề xuất duy trì liên minh thuế quan với EU trong một khoảng thời gian ngắn, sau thời hạn Brexit vào tháng 3/2019. Đây được cho là cách tiếp cận mềm mỏng của Chính phủ Anh nhằm bảo đảm sự ổn định nhất thời sau Brexit.

Bộ trưởng Thương mại Liam Fox, Thủ tướng Anh Theresa May và Bộ trưởng Tài chính Phiilip Hammond. Nguồn: Internet
Bộ trưởng Thương mại Liam Fox, Thủ tướng Anh Theresa May và Bộ trưởng Tài chính Phiilip Hammond. Nguồn: Internet

Tránh xáo trộn

Theo đề xuất của Chính phủ Anh, London sẽ rời khỏi liên minh thuế quan của EU, song vẫn duy trì “liên kết gần gũi” trong khoảng thời gian giới hạn, gọi là thời kỳ chuyển tiếp sau Brexit, nhằm cho phép hai bên có thời gian thiết lập cơ sở hạ tầng và cơ chế kiểm soát biên giới mới. Sau thời kỳ chuyển tiếp, Anh sẽ thực hiện một trong hai phương án dàn xếp thuế quan với EU: 

Thứ nhất, Anh sẽ thiết lập cơ chế kiểm soát hải quan biên giới mới, trong đó đơn phương đơn giản hóa tối đa các yêu cầu đối với hàng hóa của EU nhập vào nước này; đồng thời, cung cấp cơ chế hải quan thuận lợi nhằm giảm và loại bỏ những rào cản thương mại đối với hàng hóa của EU. 

Thứ hai, Anh và EU sẽ đàm phán thỏa thuận đối tác thuế quan mới, nhằm dung hòa cách tiếp cận của hai bên. Với cả hai phương án trên, Anh đều sẽ không ở trong liên minh thuế quan của EU và tìm kiếm các thỏa thuận tự do thương mại riêng.

Bộ trưởng phụ trách đàm phán Brexit của Anh David Davis cho hay, đề xuất của Chính phủ Anh nhằm tránh gây xáo trộn ở khu vực cửa khẩu biên giới sau khi Anh rời khỏi EU và giúp xoa dịu lo lắng của các doanh nghiệp về ảnh hưởng của Brexit đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Anh trong thời gian tới.

Chính phủ Anh cũng lạc quan trước khả năng EU sẽ cho phép Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox bắt đầu các đàm phán về thỏa thuận thương mại mới trong thời kỳ chuyển tiếp.

Dung hòa bất đồng nội bộ

Các đề xuất trên cho thấy, Chính phủ Anh đang xuôi theo kịch bản Brexit “mềm” mà Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond theo đuổi. Trước đó, trong thông báo chung của ông Hammond và Bộ trưởng Thương mại Liam Fox, đăng trên tờ Sunday Telegraph ngày 13/8, hai Bộ trưởng khẳng định, Anh sẽ rút khỏi khối thị trường đơn nhất và cả Liên minh Thuế quan châu Âu trong thời kỳ chuyển tiếp sau thời điểm Brexit, như kế hoạch đã được Thủ tướng Anh Theresa May đề ra.

Cả hai Bộ trưởng cũng cho rằng, thời kỳ chuyển tiếp không nên kéo dài quá 2 năm.

Tuyên bố chung là sự thay đổi đáng kể trong quan điểm của hai Bộ trưởng, đại diện cho hai lập trường trong nội bộ Chính phủ Anh về vấn đề Brexit. Cách đây chưa đầy một tháng, ông Hammond và ông Fox còn tranh cãi nảy lửa về chiến lược của nước Anh hậu Brexit.

Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond cho rằng, đối với các vấn đề quan trọng như nhập cư hay tự do đi lại, Anh cần có thời kỳ chuyển tiếp ít nhất 3 năm, để áp dụng toàn bộ các điều khoản của Brexit.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Liam Fox phản đối kịch liệt quan điểm này, cho rằng làm như thế là phản bội cử tri Anh đã bỏ phiếu chọn Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016. Tranh cãi này cũng phản ánh sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Chính phủ Anh về cách tiếp cận với Brexit, giữa một bên ủng hộ “Brexit mềm”, tức Anh vẫn ở lại liên minh thuế quan và thị trường đơn nhất của châu Âu sau khi rời EU, với một bên ủng hộ “Brexit cứng”, tức Anh rút hoàn toàn khỏi EU.

Việc hai Bộ trưởng Philip Hammond và Liam Fox cùng lên tiếng thể hiện quan điểm chung cho thấy, Chính phủ Anh đang cố gắng hàn gắn và thống nhất nội bộ trước khi bước vào các vòng đàm phán cam go với EU.

Đề xuất mà Chính phủ Anh đưa ra cũng cho thấy, London đang tìm kiếm một thỏa thuận có lợi nhất, nhằm bảo toàn các lợi ích của liên minh thuế quan mà không cần quy chế thành viên chính thức trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, EU sẽ vẫn có quyền quyết định chấp thuận sự dàn xếp này hay không.