Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): 'Van khoá' tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối ngân hàng


"Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã đưa ra các giải pháp, van khóa để đảm bảo những điểm hạn chế, tồn tại trong thời gian qua được giải quyết", bà Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay tại tại buổi họp báo ngày 18/1 về kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ năm của Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì buổi họp báo.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì buổi họp báo.

Trước khi Quốc hội bấm nút thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), 3 nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu là can thiệp sớm, hỗ trợ tiếp cận tín dụng với ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt và các biện pháp kiểm soát đặc biệt.

Từ những ý kiến của các đại biểu, bà Yến cho biết, cơ quan thẩm tra, soạn thảo đã nghiên cứu, đề xuất phương án. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có nhiều buổi họp, lắng nghe, cho ý kiến với các nội dung cụ thể.

"Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với sự cẩn trọng, kỹ lưỡng, đảm bảo yêu cầu cơ cấu lại tổ chức tín dụng (TCTD), đáp ứng nguyên tắc kinh tế thị trường, có tính kế thừa và đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, các thông lệ quốc tế. Đặc biệt, tăng cường tính tự cường, tự chịu trách nhiệm của các TCTD. Luật đã đưa ra các giải pháp, van khóa để đảm bảo những điểm tồn tại hạn chế, tồn tại trong thời gian qua sẽ được giải quyết bằng những quy định cụ thể trong luật”, bà Yến nhấn mạnh.

Cụ thể, Luật bổ sung quy định về tổ chức quản trị điều hành, quản trị rủi ro để ngân hàng tiếp cận tốt với quản trị doanh nghiệp; các quy định về công tác tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ TCTD, trong đó trọng tâm là quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của người quản lý, người điều hành, HĐQT, HĐTV, ban kiểm soát, tổng giám đốc. Đồng thời, Luật yêu cầu tăng số lượng Ban kiểm soát tại ngân hàng thương mại, trong đó không được đảm nhiệm cùng chức vụ…

“Những biện pháp này nhằm tăng khả năng cạnh tranh, chống chịu của mỗi ngân hàng trong nền kinh tế”, bà Yến cho hay.

Ngoài ra, để hạn chế sở hữu chéo, thao túng, chi phối TCTD, theo đại diện Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Luật cũng điều chỉnh, mở rộng quy định về việc giảm tỷ lệ sở hữu với tổ chức, cá nhân và người liên quan (trừ quỹ tín dụng nhân dân) để cho phép các TCTD nâng cao năng lực theo lộ trình. Bên cạnh đó, Luật quy định công khai thông tin của các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, giúp tăng tối đa tính minh bạch thông tin liên quan tới sở hữu TCTD.

Mặt khác, các quy định về tài chính, báo cáo tài chính (vốn, doanh thu, chi phí, lãi phải thu), dự phòng rủi ro… cũng được bổ sung nhằm đảm bảo năng lực cạnh tranh, TCTD phát triển bền vững, phù hợp chuẩn mực quốc tế về tài chính, kế toán.

Với các biện pháp can thiệp sớm, cho vay đặc biệt, bà Yến thông tin, quy định tại Luật được xây dựng trên cơ sở tính tự chịu trách nhiệm của các tổ chức, như TCTD phải xây dựng phương án khắc phục trong trường hợp ở diện bị can thiệp sớm… để rủi ro mỗi ngân hàng không ảnh hưởng tới an toàn hệ thống.

Cạnh đó, các biện pháp kiểm soát nội bộ, giải pháp thanh tra kiểm tra, giám sát ngân hàng cũng được hoàn thiện.

Tại buổi họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh những nội dung được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài, là minh chứng cho tinh thần lập pháp vì dân.

“Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các TCTD (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, làm việc qua nhiều phiên, nhiều cuộc họp, hội nghị để xem xét, thảo luận thống nhất; những vấn đề chưa thống nhất thì chưa đưa vào và tiếp tục xem xét thí điểm rồi mới quyết định. Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý cũng rất thuyết phục, với tỷ lệ bỏ phiếu tán thành đối với 2 dự thảo Luật đã phản ánh rất đúng độ khó cũng như tinh thần làm việc rất kỹ lưỡng, rất thận trọng" , ông Cường cho hay.

Liên quan đến Luật Các TCTD (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, ông Cường đánh giá sẽ góp phần bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, minh bạch, ổn định và bền vững của hệ thống ngân hàng và các TCTD, phát triển theo đúng nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thông lệ, chuẩn mực quốc tế phổ biến, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp tục phát huy vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.

Theo Thanh Hoa/vnbusiness.vn