Luật Giá (sửa đổi): Bổ sung các quy định về thẩm định giá
Dự thảo Luật giá (sửa đổi) Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 gồm 8 chương, 72 điều, so với Luật hiện hành đã bổ sung 3 chương. Sau khi Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Luật Giá số 11/2012/QH13 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013; đồng bộ với đó là các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành được ban hành kịp thời đã tạo khung pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá của Nhà nước.
Theo Bộ Tài chính, Luật giá số 11/2012/QH13 được ban hành thay thế Pháp lệnh giá năm 2002 đã tiếp tục thể hiện tư duy đổi mới phương thức quản lý giá trong nền kinh tế thị trường theo hướng khuyến khích cạnh tranh về giá, tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, tôn trọng các quy luật kinh tế khách quan chi phối sự hình thành và vận động của giá cả thị trường; đồng thời bảo đảm vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với các cam kết quốc tế.
Sau 9 năm thực hiện, Luật Giá số 11/2012/QH13 đã đi vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả tích cực; đồng thời cũng phát sinh tồn tại, hạn chế, nhất là tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Giá và các luật chuyên ngành khác có quy định về giá. Trên cơ sở việc đánh giá chi tiết, Quốc hội đã thống nhất sự cần thiết ban hành Luật Giá (sửa đối) và bổ sung Dự án Luật vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022, nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật về giá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Dự án Luật sẽ khắc phục những tồn tại hạn chế sau 9 năm thi hành Luật, nhất là sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Giá với các luật chuyên ngành; hạn chế sự phân tán, thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về giá; đáp ứng các yêu cầu về tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.
Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 diễn ra ngày 18/9/2022, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Luật Giá (sửa đổi). Góp ý vào dự luật, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, với mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, dự thảo sửa đổi Luật Giá đã từng bước được hoàn thiện, tuy nhiên vẫn còn một số chỗ cần rà soát, điều chỉnh để Luật Giá thực sự đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
TS. Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thẩm định giá, các văn bản hướng dẫn và các văn bản liên quan đã được ban hành tương đối đầy đủ, đáp ứng nhu cầu về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thẩm định giá, làm nền tảng cho sự phát triển của lĩnh vực thẩm định giá trong bối cảnh nền kinh tế trong nước hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển đó, nhiều vụ án nghiêm trọng có liên quan đến thẩm định giá xuất phát từ việc doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thông đồng, cố tình thu thập thông tin sai lệch, đưa thông tin đầu vào không chính xác, từ đó dẫn tới kết quả thẩm định giá kém tin cậy.
Cùng quan điểm, PGS.,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt nam (VAA) cho rằng, vấn đề đặt ra là cần nâng cao chất lượng, tăng cường tiêu chuẩn, điều kiện của thẩm định viên về giá, gắn với đó là nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của thẩm định viên trong hoạt động thẩm định giá. Luật cần quy định tính chất chuyên môn hóa hoạt động nghề nghiệp của thẩm định viên về giá. Theo đó, cần quy định về năng lực và kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ thẩm định giá để hướng đến tính chuyên nghiệp và có tính chuyên môn cao của nghề thẩm định giá.
Bên cạnh đó, cần quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Đồng thời, cần có các quy định về giám sát, về quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro nhất là đối với mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần kinh doanh các nghiệp vụ thẩm định giá. Một số sửa đổi, bổ sung, kết cấu lại các điều khoản so với Luật 2012 là cần thiết, cần quy định hợp lý hơn các hoạt động thẩm định giá, tài sản thẩm định giá, kết quả thẩm định giá nhằm làm rõ hơn tính chất của hoạt động thẩm định giá và giá trị pháp lý của kết quả thẩm định giá.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) so với Luật hiện hành đã bổ sung 3 chương về nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước; công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ này trong thực tiễn. Trong đó, quy định về thẩm định giá nhà nước sẽ được kiện toàn phù hợp với thực tiễn quản lý, đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng tài sản công, sử dụng ngân sách nhà nước tiết kiệm hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, Dự thảo Luật cơ bản kế thừa, cụ thể hóa các quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng tại luật hiện hành; sửa đổi, chuẩn hóa các thuật ngữ cho hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý bảo đảm thống nhất trong thực tiễn áp dụng. Trong quá trình xây dựng dự luật, Bộ Tài chính đã tiến hành nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực này.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều ngày 2/11, sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi) Quốc hội sẽ nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giá (sửa đổi).
Dự thảo Luật giá (sửa đổi) Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 gồm 8 chương, 72 điều, so với Luật hiện hành đã bổ sung 3 chương: Chương III về nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước; Chương V về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và Chương VII về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ này trong thực tiễn. Sau khi Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.