Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gắn với tăng hiệu lực quản lý, thu hồi thuế

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung, (có hiệu lực 1/07/2013) có 29 vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (XNK), cơ bản chia làm 3 nhóm nội dung, rất đáng quan tâm đối với cả phía cơ quan nhà nước và đối tượng doanh nghiệp (DN).

Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gắn với tăng hiệu lực quản lý, thu hồi thuế
Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung về cơ bản đã đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thu. Nguồn: Internet

Tạo thuận lợi cho người nộp thuế

Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung về cơ bản đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí, thời gian của người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.

Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung có 29 vấn đề liên quan đến lĩnh vực hải quan, được chia làm 3 nhóm nội dung liên quan đến cải cách thủ tục hành chính (4 vấn đề); hiện đại hoá và hội nhập, phù hợp thông lệ quốc tế (5 vấn đề); nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế (20 vấn đề). 

Phân tích của Tổng cục Hải quan cho thấy, về cơ bản, nhóm 1 và nhóm 2 đã tháo gỡ nhiều thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho cả cơ quan hải quan và DN.

Thứ nhất, có 3 thủ tục hành chính được đơn giản. Cụ thể, luật quy định bỏ “Chứng từ nộp thuế” trong hồ sơ hoàn thuế; DN chỉ phải nộp một bộ hồ sơ hoàn thuế cho cơ quan quản lý thuế (khoản 17, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung). Rút ngắn thời hạn giải quyết hoàn thuế đối với trường hợp “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” từ 60 ngày xuống còn 40 ngày; trường hợp “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” từ 15 ngày làm việc xuống còn 6 ngày làm việc (khoản 18 Luật sửa đổi, bổ sung).

Thứ hai, các nội dung sửa đổi trong luật góp phần thúc đẩy công tác hiện đại hoá hệ thống thuế, hải quan, đáp ứng yêu cầu hội nhập và đồng bộ với các cam kết quốc tế.

Cụ thể, luật bổ sung nguyên tắc quản lý rủi ro trong công tác quản lý thuế; Bổ sung quy định áp dụng biện pháp ưu tiên khi thực hiện thủ tục về thuế đối với hàng hóa XNK nếu người nộp thuế (khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung); Bổ sung quy định về xác định trước mã số, trị giá hải quan, xác nhận trước xuất xứ đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu  (khoản 2, khoản 3, khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung).  

Điểm quan trọng nữa trong luật là mở rộng phạm vi thu thập thông tin về người nộp thuế từ nguồn nước ngoài theo các hiệp định, điều ước (khoản 23 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung); Bổ sung quy định người nộp thuế có nghĩa vụ phải thực hiện giao dịch với cơ quan quản lý thuế thông qua phương tiện điện tử (khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung). 

Tăng hiệu lực quản lý, thu hồi nợ thuế

Đáng chú ý trong luật là các quy định nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế có tác động quan trọng đến hoạt động nghiệp vụ được ngành Hải quan đánh giá cao.

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định về thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt (khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung). Thứ tự thanh toán đối với các loại thuế do cơ quan hải quan quản lý: thực hiện thanh toán trước tiền thuế nợ quá hạn, tiền chậm nộp trong các trường hợp đến hạn cưỡng chế; tiếp theo là tiền thuế nợ quá hạn, tiền chậm nộp chưa thuộc đối tượng áp dụng biện pháp cưỡng chế; sau đó là tiền thuế phát sinh và cuối cùng là tiền phạt.

Quy định này để phù hợp với thực tế về quản lý nợ trong ngành Hải quan, ưu tiên thanh toán tiền thuế nợ quá hạn và tiền chậm nộp  thuộc đối tượng áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhằm giảm nợ xấu và giảm thiểu các vụ việc phải cưỡng chế thuế.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa: quy định thời hạn xử lý tiền thuế, tiền phạt nộp thừa thành 10 năm (khoản 13 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung). Luật  Quản lý thuế hiện hành không có thời hạn; việc sửa đổi, bổ sung này làm rõ các cách thức xử lý tiền thuế, tiền phạt nộp thừa.

Thứ ba, quy định xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, được hoàn. Tách riêng quy định cho khâu thuế nội địa và khâu XNK. Khâu XNK quy định mức xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, được hoàn có hai mức xử phạt. (10% đối với trường hợp người nộp thuế tự phát hiện và khai bổ sung quá thời hạn 60 ngày; 20% đối với trường hợp khác với trường hợp trên-khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung)…