Luật Thuế Xuất khẩu, Thuế Nhập khẩu: Sửa đổi để nâng cao hiệu quả quản lý

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Theo ý kiến của Hải quan các tỉnh, thành phố, Luật thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu cần được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp cải cách hiện đại hóa hải quan, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý, đồng thời xử lý các vướng mắc trong thực tế, hạn chế thất thu cho ngân sách Nhà nước…

Luật Thuế Xuất khẩu, Thuế Nhập khẩu: Sửa đổi để nâng cao hiệu quả quản lý
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sửa quy định về miễn thuế

Theo Hải quan các tỉnh, thành phố, các văn bản quy phạm pháp luật về thuế XNK cần được ban hành kịp thời, nội dung quy định cần rõ nghĩa để tránh trường hợp văn bản dưới Luật hướng dẫn quá nhiều. Bên cạnh đó, văn bản hướng dẫn Luật cần có tính bền vững, lâu dài, tránh tình trạng thay thế, bổ sung, thay đổi chính sách nhiều dẫn đến việc nắm bắt, nghiên cứu gặp khó khăn.

Hải quan Đà Nẵng đề nghị mở rộng đối tượng miễn thuế đối với hàng tạm nhập, tái xuất không nhằm mục đích thương mại như: Hàng hóa của chủ tàu gửi cho tàu biển du lịch cập cảng Việt Nam, hàng cho mượn để thực hiện một công việc nào đó trong thời gian nhất định.

Cùng với đó, bổ sung thêm quy định về đối tượng được xét miễn thuế, xét giảm thuế liên quan đến hàng gia công, sản xuất XK theo Thông tư 237/2009/TT-BTC. Bổ sung quy định về đối tượng không thu thuế, không miễn, không xét miễn, không giảm, không hoàn, không ấn định thuế đối với hàng hóa có trị giá tối thiểu hoặc có số tiền thuế phải nộp, miễn thuế, giảm thuế, không thu thuế, hoàn thuế, ấn định thuế dưới mức quy định của Thủ tướng Chính phủ do chưa được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật.

Đề xuất về nội dung miễn thuế, Hải quan Quảng Ninh cho rằng, cần bỏ quy định miễn thuế đối với phương tiện vận chuyển đưa đón công nhân, vì hiện nay ô tô từ 24 chỗ ngồi trở lên trong nước đã sản xuất được đáp ứng yêu cầu về chất lượng và giá cả. Mặt khác để xác định thế nào là phương tiện vận chuyển chuyên dùng, đưa đón công nhân rất phức tạp, việc vận dụng sẽ tùy tiện.

Bãi bỏ quy định về miễn thuế trang thiết bị nhập khẩu lần đầu đối với các dự án đầu tư khách sạn, văn phòng, căn hộ cho thuê, nhà ở, trung tâm thương mại, dịch vụ kỹ thuật, sân golf, khu du lịch, khu thể thao, khu vui chơi giải trí, cơ sở khám chữa bệnh, đào tạo, văn hoá, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, dịch vụ tư vấn để phù hợp với quy định của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13, khắc phục các vướng mắc hiện hành.

Hải quan Tây Ninh đề nghị bổ sung quy định về miễn thuế XK đối với hàng hóa XK là sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm từ hoạt động tái chế chất thải, sản phẩm thay thế nguyên liệu tự nhiên có lợi cho môi trường và năng lượng thu được từ việc tiêu hủy chất thải theo quy định của Chính phủ (quy định tại Nghị định số 04/2009/NĐ-CP).

Đồng thời, cần bổ sung quy định về miễn thuế đối với loại hình hàng hóa NK để sản xuất hàng XK (đang thuộc đối tượng hoàn thuế theo quy định quy định tại Điều 19 Luật thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu) để thống nhất chính sách thuế giữa loại hình này với hàng hóa NK để gia công cho nước ngoài (thuộc đối tượng miễn thuế) do về bản chất 2 loại hình hàng hóa NK này đều nhằm mục đích XK.

Bên cạnh đó, cần gộp quy định về miễn thuế hàng nghiên cứu khoa học quy định tại Khoản 8 Điều 16 (miễn thuế) và hàng hóa NK chuyên dùng trực tiếp phục vụ nghiên cứu khoa học quy định tại Khoản 1 Điều 17 (xét miễn thuế) thành áp dụng chung cơ chế xét miễn thuế để khắc phục vướng mắc khi triển khai thực hiện của người nộp thuế cũng như cơ quan Hải quan do dễ nhầm lẫn trong việc xác định đối tượng quy định tại hai khoản này.

Sửa quy định về khu phi thuế quan

Hải quan một số tỉnh thành phố cho rằng, Luật thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu cần sửa đổi giải thích cụm từ “khu phi thuế quan” do thực tế không phải tất cả các khu nằm trong khu phi thuế quan (khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, kho bảo thuế, khu bảo thuế, kho ngoại quan, khu kinh tế thương mại - công nghiệp và các khu kinh tế khác) đều được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (kho ngoại quan, kho bảo thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định thành lập) và nhiều khu không có hàng rào cứng (khu kinh tế thương mại Cầu Treo - Hà Tĩnh, khu thương mại đặc biệt Lao Bảo - Quảng Trị), vì vậy cơ quan Hải quan gặp khó khăn trong quá trình quản lý và dễ xảy ra gian lận thương mại.

Đồng thời cần bổ sung nội dung giải thích từ ngữ đối với “thuế chống bán phá giá”, “thuế chống trợ cấp”, “thuế chống phân biệt đối xử” do chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật.

Sửa căn cứ tính thuế

Hải quan Lào Cai đề nghị bổ sung quy định về căn cứ tính thuế không chỉ là tờ khai hải quan như Luật hiện hành quy định, mà còn căn cứ hệ thống dữ liệu điện tử của cơ quan Hải quan. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về phương pháp tính thuế đối với hàng hóa áp dụng thuế hỗn hợp, biện pháp về thuế đối với hàng hóa áp dụng thuế suất ngoài hạn ngạch thuế quan do chưa được quy định cụ thể trong Luật.

Quy định về hoàn thuế hàng hóa NK để sản xuất hàng hóa XK không còn phù hợp cần chuyển thành đối tượng miễn thuế. Và sửa quy định về hoàn thuế đối với trường hợp hàng hóa đã XK nhưng tái nhập, hàng hóa đã NK nhưng phải tái xuất để phù hợp với chuẩn mực số 4.19 Chương IV phụ lục tổng quát Công ước Kyoto: Hàng hóa chưa được gia công, sửa chữa hay sử dụng tại nước mà hàng hóa đó được tái xuất/được xuất sang và được tái nhập/tái xuất trong một thời hạn hợp lý.

Bổ sung quy định về ban hành Biểu thuế

Hải quan Lạng Sơn đề nghị, Luật thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu cần sửa đổi quy định thẩm quyền quyết định mức thuế, thuế suất về thuế để tự vệ, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế chống phân biệt đối xử từ Bộ Công Thương và thẩm quyền ban hành mức thuế xuất khẩu, nhập khẩu từ Bộ Tài chính lên thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, để phù hợp trong việc thực hiện các cam kết quốc tế ở giai đoạn này.

Theo Hải quan Lạng Sơn, khi ban hành các Biểu thuế mới, Bộ Tài chính cần công bố rộng rãi lộ trình, mức thuế sẽ áp dụng theo Biểu thuế mới để cộng đồng DN chủ động xây dựng phương án kinh doanh theo mức thuế mới.

Kiến nghị về thời điểm tính thuế, Hải quan Hà Nội cho rằng, cần sửa đổi quy định về thời điểm tính thuế do thực tế có nhiều trường hợp người khai hải quan thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa nhưng không khai báo trên tờ khai và để phù hợp với quy định tại Luật số 71/2014/QH13.

Hải quan Hà Tĩnh cho rằng, Luật thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu đã quy định 2 loại thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và thuế suất theo số tiền tuyệt đối). Trên thực tế, để đáp ứng yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn và phù hợp với cam kết WTO, một số trường hợp cần quy định thuế suất hỗn hợp (gồm cả thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và thuế suất tuyệt đối), vì vậy, cần nghiên cứu, bổ sung khái niệm thuế hỗn hợp; quy định căn cứ tính thuế, phương pháp tính thuế... đối với thuế hỗn hợp tại Luật thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu hiện hành.

Hải quan các tỉnh, thành phố cho rằng, một số nội dung Luật thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu không còn phù hợp với các Luật có liên quan, như: Quy định tại Điều 4 “tổ chức, cá nhân” tại Luật thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu không bao quát hết các đối tượng nộp thuế như Luật Quản lý thuế; quy định về "giá tính thuế” (Điều 9) không phù hợp với quy định về trị giá tính thuế tại Điều 86 Luật Hải quan 2014; quy định về “tỷ giá tính thuế”  không phù hợp với quy định tại Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13; quy định về “thời hạn hoàn thuế” (Điều 19) chưa thống nhất với quy định tại Luật Quản lý thuế.

Vì vậy, để kịp thời khắc phục những bất cập của Luật thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu hiện hành, đảm bảo đơn giản hóa chính sách, phù hợp thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa công tác quản lý thuế thì việc ban hành Luật thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu sửa đổi là cần thiết.