Lương cao có khiến nhân viên sáng tạo hơn không?
Nhìn chung nghiên cứu này có thể ứng dụng được ở mọi công sở và nơi làm việc, vì nếu người ta quan tâm hơn đến những gì đồng nghiệp nghĩ về sự sáng tạo của mình, thì chắc chắn họ sẽ cố gắng sáng tạo hơn.
Sự sáng tạo luôn được tưởng thưởng và trân trọng, dù đó là thành quả của một họa sĩ trừu tượng hay một thiên tài khoa học. Các tổ chức, công ty cũng luôn cố gắng khơi dậy sự sáng tạo, với hy vọng cảm hứng sẽ đem đến những phát kiến có lợi. Nhưng sáng tạo là một yếu tố thường đồng hành cùng với tự do tự tại, ngẫu hứng tự phát, và niềm đam mê bẩm sinh, vì thế nó làm người ta phải đặt câu hỏi: Liệu có thể khuấy động trí sáng tạo bằng các lợi ích tưởng thưởng hay không? Và nếu thế, liệu tiền thưởng có phải là câu trả lời duy nhất?
Các nhà kinh tế học Gary Charness (đến từ Đại học Santa Barbara) và Daniela Grieco (Đại học Bocconi University) đã quyết định đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên. Họ nhấn mạnh rằng trong quá khứ, tiền thưởng thường dẫn đến những phát kiến sáng tạo: Vào những năm 1860, Napoleon III mở một cuộc thi để các nhà khoa học tìm ra chất thay thế bơ rẻ hơn để sử dụng cho quân đội và người nghèo, và kết quả chúng ta có bơ thực vật (margarine).
Mặt khác, các nghiên cứu trước đây trên thực tế lại cho thấy trả tiền để người ta nỗ lực sáng tạo lại phản tác dụng, vì nó sẽ lấn át động cơ nội tại. So với phát hiện đó, kết quả nghiên cứu của 2 nhà kinh tế học nói trên khiến người ta có chút ngạc nhiên: Có vẻ như ở một số việc, bạn có thể trả tiền để người ta sáng tạo hơn.
Nghiên cứu này được thực hiện trên 328 người, mỗi người được giao một nhiệm vụ sáng tạo "đóng" hoặc "mở" cần phải thực hiện. Các nhiệm vụ "đóng" có thông số rất rõ: Họ phải sử dụng những từ cho trước để sáng tạo ra một câu chuyện, hoặc tạo ra một con số cụ thể từ một loạt các phương pháp toán học mà họ tự nghĩ ra. Trái lại, các nhiệm vụ "mở" có hướng dẫn nhưng không có giới hạn: họ phải mô tả một xã hội trong tương lai, hoặc tạo ra các phát minh tưởng tượng.
Những người tham gia được chia thành các nhóm. Một số người được yêu cầu xếp hạng kết quả của các nhóm khác trên cơ sở "mức độ sáng tạo", và một số khác đã biết trước thành quả của mình sẽ được xếp hạng. Một số nhóm được thưởng tiền, chẳng hạn mức 9 USD cho hạng "sáng tạo nhất". Tất cả đều được thưởng 5 USD khi tham gia, và các "giám khảo" cũng đánh giá riêng rẽ mọi thành quả mà không cần biết ai làm ra chúng.
Theo đó các nhà nghiên cứu nhận thấy, với các nhiệm vụ "đóng", tiền thưởng rất có tác dụng khuyến khích. Những người hoàn thành các nhiệm vụ đóng trong những nhóm tranh đua nhau để được tiền thưởng cao hơn thì tạo ra những sản phẩm có mức độ sáng tạo cao hơn so với người ở các nhóm đối chứng (tức các nhóm chỉ được nhận mức tiền thưởng đồng hạng, hoặc 5 USD tối thiểu).
Trong những nhóm thực hiện các nhiệm vụ mở, tiền thưởng khích lệ không dẫn đến kết quả có điểm sáng tạo cao hơn. Điều này cho thấy, khi mục tiêu là sáng tạo tự do, thì trả thêm tiền cho người ta cũng chả có ích gì, nhưng với những việc mà tư duy sáng tạo là cần thiết nhưng các tham số đã được xác định, thì tiền thưởng sẽ tạo ra sự khác biệt.
Tuy nhiên, một kết quả khác của nghiên cứu còn đáng chú ý hơn: Các tác giả nhấn mạnh rằng việc biết trước sẽ được đánh giá bởi những người khác sẽ làm tăng mức độ sáng tạo ở cả 2 nhóm "đóng" và "mở". Chúng ta quan tâm đến tiền bạc, nhưng có lẽ không nhiều bằng những gì người khác nghĩ về chúng ta.
Với các kết quả nêu trên, các nhà kinh tế học đề xuất một số ứng dụng thực tiễn từ nghiên cứu của họ: Các công ty có thể quyết định xem có nên thưởng tiền cho một số việc hay không, ví dụ như các viện nghiên cứu có thể cấp tiền cho một số loại sáng kiến cụ thể. Nhưng nhìn chung nghiên cứu này có thể ứng dụng được ở mọi công sở và nơi làm việc, vì nếu người ta quan tâm hơn đến những gì đồng nghiệp nghĩ về sự sáng tạo của mình, thì chắc chắn họ sẽ cố gắng sáng tạo hơn.