Lương tăng nhanh, Đông Nam Á mất dần lợi thế nhân công
(Tài chính) Chi phí lao động tại Đông Nam Á tăng vọt trong những năm gần đây là hệ quả của mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao của khu vực này. Mức lương tối thiểu ở Indonesia, Việt Nam và Campuchia dự tính sẽ tăng từ 20% đến 30% vào năm 2015 so với 2014. Điều này đang khiến khu vực mất dần lợi thế nhân công giá rẻ so với Trung Quốc.
Mức lương tối thiểu ở các thành phố lớn của Trung Quốc đã tăng vọt từ 50 - 60% so với năm 2010. Xu hướng này buộc nhiều công ty Nhật Bản và công ty nước ngoài đặt trụ sở tại Trung Quốc đã phải thông qua chiến lược “Trung Quốc cộng một” để đưa một phần hoạt động sản xuất sang nước thứ ba. Và Đông Nam Á đã trở thành điểm đầu tư đáng chú ý cho những công ty này để tận dụng nguồn lao động rẻ hơn.
Tuy nhiên, mức lương tại một số quốc gia Đông Nam Á đang có xu hướng tăng nhanh hơn so với Trung Quốc do tăng trưởng kinh tế và Chính phủ đang phải chịu áp lực đòi tăng lương từ nhóm có mức thu nhập thấp. Mức lương tối thiểu được xác định bởi Chính phủ sau khi đàm phán giữa chính quyền địa phương, các công đoàn lao động và đại diện cấp quản lý các công ty. Chính quyền địa phương một số nước có xu hướng đứng về phía người lao động vì các thống đốc và thị trưởng được bầu trực tiếp bởi các cử tri.
Mức lương ở Việt Nam và Campuchia hiện khoảng bằng một nửa của Trung Quốc. Nhưng với tốc độ tăng lương hiện tại, các nước này sẽ bắt kịp với Trung Quốc chỉ trong khoảng năm năm tới. Mức lương tối thiểu ở Việt Nam sẽ tăng 130% trong khoảng 2010 – 2015. Ở Campuchia, mức này đã tăng hơn gấp đôi so với hai năm trước đó. Nước này cũng vừa tăng lương 28% cho công nhân hoạt động trong lĩnh vực may mặc. Điều này dấy lên lo ngại rằng các nước phương Tây sẽ tìm nước thay thế có chi phí thấp hơn. Điều này có thể làm Campuchia không còn giữ được vị trí trung tâm sản xuất rẻ nhất ở Đông Nam Á. Theo ông John Thompson, chuyên gia phân tích cao cấp của Maplecroft: mặc dù có cam kết của bên mua rằng tăng lương sẽ không dẫn đến giảm nhu cầu nhưng các nhà sản xuất trong nước và Chính phủ vẫn lo lắng việc chi phí lao động tăng cao sẽ dẫn đến ít hơn các đơn đặt hàng. Ông Thompson còn cho biết ngành dệt may mới nổi của Myanmar hiện đang thu hút sự quan tâm của nhiều nước và chi phí lao động ở Bangladesh và Pakistan rất có tính cạnh tranh.
Lương tối thiểu hàng tháng tại các thành phố lớn của Indonesia sẽ tăng 20% trong năm 2015 ở mức 225 USD, đây là mức tương đương với 90% mức lương ở Bắc Kinh và các trung tâm công nghiệp ở Quảng Châu, Trung Quốc. Nguyên do của việc tăng lương mạnh này là do lạm phát và giá dầu tăng quá cao. Chính phủ vừa tiếp tục tăng giá xăng dầu thêm 30% vào ngày 18 tháng 11 nên dù lương cao hơn nhưng đời sống của người dân chưa được cải thiệån vì hiện tại các doanh nghiệp lẫn công nhân đều phải chịu chi phí vận chuyển quá đắt đỏ.
Việc tăng lương sẽ làm cho một số nước Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia và Campuchia mất đi ưu thế giá nhân công rẻ, buộc nhiều doanh nghiệp phải tiến hành cơ cấu lại và giảm bớt nhân công để giảm chi phí. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của các ngành công nghiệp trọng điểm đang nhận được những đơn hàng lớn từ nước ngoài như may mặc và công nghệ thông tin. Đông Nam Á nên xem xét đầu tư thêm vào cải thiện cơ sở hạ tầng hoặc có các ưu đãi khác cho công ty nước ngoài như thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất nhập khẩu để vẫn tiếp tục thu hút nguồn đầu tư này ngay cả khi chi phí nhân công tăng trong thời điểm hiện tại.