Lương, thưởng từ năm 2021 của người lao động thay đổi như thế nào?
Lương, thưởng luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của NLĐ khi làm việc, được quy định thành một Chương riêng trong Bộ luật lao động 2019.
Bộ Luật Lao động (BLLĐ) 2019 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021) quy định nhiều điểm mới về tiền lương, thưởng mà người lao động (NLĐ) cần phải biết để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của mình trong mối quan hệ lao động với người sử dụng lao động (NSDLĐ), cụ thể:
Thêm nhiều trường hợp NLĐ được nghỉ việc riêng và hưởng nguyên lương
Cụ thể, theo BLLĐ 2019, NLĐ được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động (NSDLĐ) trong những trường hợp sau đây:
- Kết hôn: nghỉ 3 ngày
- Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 1 ngày;
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 3 ngày.
Doanh nghiiệp không được ép NLĐ dùng lương mua hàng hóa, dịch vụ của mình/đơn vị khác
Như vậy, so với quy định hiện hành, BĐLĐ 2019 bổ sung thêm trường hợp cha nuôi, mẹ nuôi; cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng chết thì NLĐ được nghỉ 3 ngày và hưởng nguyên lương.
Đồng thời, quy định rõ hơn trường hợp "con đẻ", "con nuôi" kết hôn thì được nghỉ 1 ngày (hiện hành, quy định "con" kết hôn thì nghỉ 1 ngày); "con đẻ", "con nuôi" chết thì được nghỉ 03 ngày (hiện hành quy định "con" chết thì nghỉ 3 ngày).
Không được trả lương đúng hạn, NLĐ có thể nghỉ việc ngay không cần báo
Cụ thể, theo Điểm b Khoản 2 Điều 35 BLLĐ 2019, thì NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước cho NSDLĐ nếu không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 97 BLLĐ 2019 (hiện hành phải báo trước 3 ngày).
Giảm bớt 1 giờ làm việc cho lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai
Khoản 2 Điều 137 BLLĐ 2019 quy định lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho NSDLĐ biết thì được NSDLĐ chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 1 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
NLĐ được thưởng tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác
Căn cứ quy định tại Điều 104 BLLĐ 2019 thì thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà NSDLĐ thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động ( Bộ luật lao động hiện hành chỉ quy định về tiền thưởng);
Quy chế thưởng do NSDLĐ quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Doanh nghiiệp không được ép NLĐ dùng lương mua hàng hóa, dịch vụ của mình/đơn vị khác
Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2 Điều 94 BLLĐ 2019 thì:
- NSDLĐ không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của NLĐ;
- NSDLĐ không được ép buộc NLĐ chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của NSDLĐ hoặc của đơn vị khác mà NSDLĐ chỉ định.
Lãi suất khi tính tiền đền bù do chậm trả lương cho NLĐ
Căn cứ Khoản 4 Điều 97 BLLĐ 2019, trường hợp vì lý do bất khả kháng mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thìNSDLĐ phải đền bù cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi NSDLĐ mở tài khoản trả lương cho NLĐ công bố tại thời điểm trả lương.
Tiền lương ngừng việc khi NLĐ phải ngừng việc vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của NSDLĐ hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế
Theo Khoản 3 Điều 99 BLLĐ 2019, trong trường hợp này, hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
- Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
- Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.