Lý do châu Á cần đẩy nhanh khai thác điện gió ngoài khơi


Nhiều chuyên gia cho rằng châu Á cần đẩy mạnh điện gió ngoài khơi để hỗ trợ quá trình phi carbon hóa, đảm bảo an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế.

Trang trại gió Tamra, dự án phát triển điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Hàn Quốc, nằm ngoài khơi đảo Jeju. Ảnh: Korea South East Power Company
Trang trại gió Tamra, dự án phát triển điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Hàn Quốc, nằm ngoài khơi đảo Jeju. Ảnh: Korea South East Power Company

Các nhà lãnh đạo trên khắp khu vực hiểu được điều này và đã cam kết các mục tiêu triển khai đầy tham vọng tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 năm ngoái.

Tuy nhiên, trong khi khả năng cạnh tranh về chi phí của năng lượng tái tạo tiếp tục tăng so với nhiên liệu hóa thạch, nhiều nền kinh tế đang phát triển trong khu vực vẫn bị hạn chế trong việc tài trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo và lưới điện liên quan.

Điều này đặc biệt đúng đối với các thị trường điện gió ngoài khơi mới, nơi chi phí vốn có thể cao gấp đôi so với các thị trường năng lượng tái tạo đã phát triển.

Việc tiếp cận tốt hơn với nguồn tài chính chi phí thấp là rất quan trọng đối với các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, với đặc trưng bởi các khoản đầu tư vốn lớn ban đầu và chi phí nhiên liệu bằng không.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, có sự thiếu đồng thuận về cách thức cải cách nhận thức rủi ro của các thị trường vốn để huy động đầu tư tư nhân vào năng lượng tái tạo. Mặc dù phần lớn vốn sẽ đến từ các nguồn tư nhân, việc tăng cường và định hướng chiến lược nguồn tài chính công cũng rất quan trọng.

Việc kết hợp tài chính và các đối tác công-tư sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các bảo lãnh và giảm lãi suất vay, giúp năng lượng gió ngoài khơi phát triển rộng rãi trong khu vực với chi phí cạnh tranh.

Báo cáo năng lượng gió ngoài khơi toàn cầu năm 2024 của Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu GWEC dự đoán rằng, trong điều kiện phù hợp, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có khả năng chiếm 59% tổng công suất điện gió ngoài khơi được bổ sung trên toàn thế giới trong giai đoạn 2024 - 2030, nâng toàn bộ công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi từ 41 GW lên 172 GW vào năm 2030.

Điều này sẽ chứng kiến ​​ngành điện gió ngoài khơi của châu Á sánh ngang với quy mô của châu Âu vào đầu những năm 2030.

Quan trọng hơn, điện gió ngoài khơi không chỉ nổi lên như một giải pháp năng lượng tái tạo bền vững, mà còn có thể trở thành yếu tố thúc đẩy công nghiệp hóa bằng cách hiện đại hóa cơ sở hạ tầng quan trọng, có thể hỗ trợ phát triển kinh tế của các vùng ven biển quan trọng.

Liming Qiao, Giám đốc chiến lược khu vực Châu Á tại GWEC cho biết, trang trại điện gió Tamra đầu tiên ở Hàn Quốc, nằm ngoài khơi đảo Jeju bao gồm 10 tua-bin gió đã tạo ra lợi ích kinh tế đáng kể bằng cách tạo ra việc làm trong giai đoạn xây dựng và vận hành.

Ngoài việc tạo ra việc làm trực tiếp, dự án còn thúc đẩy các doanh nghiệp địa phương phát triển. Các công ty kỹ thuật nhỏ đã giành được hợp đồng cung ứng và các chủ nhà hàng gần đó báo cáo rằng lượng khách hàng tăng đáng kể, bao gồm cả kỹ sư và công nhân xây dựng, cho phép họ mở rộng hoạt động kinh doanh.

Cộng đồng đã chứng kiến ​​những cải thiện về cơ sở hạ tầng địa phương, bao gồm đường sá tốt hơn và dịch vụ tiện ích được nâng cao, giúp khu vực này dễ tiếp cận hơn và hấp dẫn hơn đối với các khoản đầu tư bổ sung.

Mặc dù việc triển khai điện gió ngoài khơi của Hàn Quốc mới chỉ bắt đầu, quốc gia này đã đặt mục tiêu lắp đặt điện gió ngoài khơi là 14,3 GW vào năm 2030.

Nếu đạt được mục tiêu, 770.000 việc làm sẽ được tạo ra trên toàn bộ chuỗi giá trị ở các cấp độ kỹ năng khác nhau, từ kỹ sư hàng hải, công nhân nhà máy đến nhân viên phục vụ và nhân viên an ninh. Đầu tư vào cảng và phát triển các cụm kinh tế cũng sẽ giúp đảm bảo tạo kinh tế lâu dài ở các cộng đồng ven biển.

Nhìn rộng ra, bà Liming Qiao cho rằng, các khoản đầu tư vào điện gió ngoài khơi của khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể đạt hàng trăm tỷ USD trong 25 năm tới, với phần lớn dòng vốn hỗ trợ các ngành sản xuất, cung ứng và dịch vụ trong nước. Các chính phủ trong khu vực hiện đang cân nhắc cách để tận dụng giá trị đó và giữ lại trong nước.

Hơn nữa, lĩnh vực điện gió ngoài khơi cần sử dụng đội tàu lắp đặt, xây dựng và bảo dưỡng, nghĩa là có thể cần thêm 72 - 97 tỷ USD để đóng tàu mới vào năm 2050.

"Đây sẽ là một lợi ích cho các công ty đóng tàu trong khu vực cũng như thúc đẩy nền kinh tế hàng hải để hỗ trợ và duy trì các đội tàu như vậy", chuyên gia này lưu ý.

Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô tài chính vẫn là một trong những thách thức lớn nhất mà ngành này phải đối mặt. Ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi cần phải giảm lo ngại của các nhà đầu tư để có thể tiếp cận nguồn tài chính cạnh tranh hơn.

Ở nhiều quốc gia tại châu Á - Thái Bình Dương, ngoại trừ Trung Quốc, ngành công nghiệp này phải đối mặt với chi phí tài chính cao vì đây là công nghệ tương đối mới.

Điều này đặt ra thách thức vì khi chi phí vốn cao hơn 1%, tổng chi phí vốn đầu tư cho một dự án điện gió ngoài khơi sẽ tăng khoảng 8%. Do đó, chi phí vốn cao có ảnh hưởng lớn đến tổng chi phí của điện gió ngoài khơi.

Điện gió ngoài khơi nắm giữ chìa khóa cho các mục tiêu chuyển đổi năng lượng và phi carbon hóa. Vì nó cung cấp điện quy mô lớn và tạo ra năng lượng ổn định hơn so với các dạng năng lượng tái tạo khác.

Đồng thời, điện gió ngoài khơi cũng thúc đẩy an ninh năng lượng, giúp các nền kinh tế thoát khỏi phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.

Để các dự án năng lượng tái tạo có hiệu quả, tăng cường hợp tác giữa khu vực công và tư, cũng như tài chính sáng tạo, sẽ rất quan trọng để mở rộng quy mô các giải pháp.

Theo Cẩm Anh/Diendandoanhnghiep.vn