M&A dưới góc nhìn của Luật Cạnh tranh
(Tài chính) M&A được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật, trong đó pháp luật cạnh tranh được đánh giá là có ảnh hưởng lớn đến hoạt động này.
Theo Luật Cạnh tranh 2004, M&A được nhìn nhận dưới góc độ là hành vi tập trung kinh tế, bao gồm: sáp nhập doanh nghiệp, mua lại doanh nghiệp, hợp nhất doanh nghiệp, liên doanh doanh nghiệp và một số hành vi tập trung kinh tế khác theo quy định pháp luật. Theo đó:
Sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập.
Hợp nhất doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất.
Mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại.
Liên doanh giữa các doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp cùng nhau góp một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới.
Các thương vụ M&A được thực hiện dưới động cơ tối đa hóa giá trị doanh nghiệp, vì vậy một thương vụ M&A sẽ có ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trong ngành kinh tế và tiềm ẩn nguy cơ về thâu tóm thị trường làm hạn chế cạnh tranh. Chính vì vậy, với tư cách là công cụ bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh đã đưa ra những hạn chế nhất định đối với hoạt động M&A dựa trên cơ sở thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia vào giao dịch.
Các giao dịch M&A được tự do thực hiện nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia vào giao dịch thấp hơn 30% hoặc doanh nghiệp sau khi thực hiện tập trung kinh tế vẫn thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.
Đối với các giao dịch có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% thì phải thông báo bằng văn bản cho Cục quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành và chỉ được thực hiện thủ tục tập trung kinh tế tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi đã nhận được văn bản trả lời về việc tập trung kinh tế không thuộc các trường hợp bị cấm. Đặc biệt, Luật Cạnh tranh cấm thực hiện đối với các giao dịch có thị phần kết hợp từ 50% trở lên.
Tuy nhiên, không phải tất cả hành vi tập trung kinh tế tạo ra vị thế thống lĩnh thị trường đều mang ảnh hưởng tiêu cực nên pháp luật còn quy định các trường hợp miễn trừ bao gồm:
Một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản;
Việc tập trung kinh tế có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ.
Nếu nằm trong trường hợp miễn trừ, hành vi tập trung kinh tế vẫn được phép thực hiện nếu được Bộ trưởng Bộ Thương mại hoặc Thủ tướng xem xét và ra quyết định miễn trừ.