Mã số mã vạch - " Căn cước" để hàng hóa hội nhập thế giới
Với những yêu cầu về hàng hóa, phương thức giao dịch ngày càng cao nhằm đáp ứng xu thế số hóa để phục vụ cho công tác kiểm tra, thanh toán, vận chuyển và quản lý, mã số mã vạch (MSMV) ra đời đem lại nhiều ứng dụng trong thực tế và được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nó là điều kiện bắt buộc để một sản phẩm có thể truy xuất rõ nguồn gốc, từ đó có thể lên kệ của các cửa hàng, siêu thị và xuất khẩu được.
Nhiều tiện ích từ mã số, mã vạch
Trong những năm gần đây, người tiêu dùng đã có thói quen vào các siêu thị hoặc các cửa hàng tiện ích để mua sắm hàng hóa. Tại đây, mọi người đều có thể thấy các hàng hóa có bao bì với MSMV hoặc nhãn mã được dán trực tiếp trên sản phẩm. Trong quản lý hàng hóa, người ta gọi dãy số và dãy vạch đó là MSMV. Thế nhưng, không ít người tiêu dùng và doanh nghiệp còn chưa biết MSMV là gì và vì sao phải in nó trên mỗi sản phẩm.
Mã vạch là một nhóm các vạch và khoảng trống song song đặt xen kẽ dùng để thể hiện mã số dưới dạng máy quét có thể đọc được. MSMV được thu nhận bằng một máy quét mã vạch, là một máy thu nhận hình ảnh của mã vạch in trên các bề mặt và chuyển thông tin chứa trong mã vạch đến máy tính hay các thiết bị cần thông tin này. Mã vạch được sử dụng ở những nơi mà các đồ vật cần phải đánh số với các thông tin liên quan để các máy tính có thể xử lý. Thay vì phải đánh một chuỗi dữ liệu vào phần nhập liệu của máy tính thì người thao tác chỉ cần quét mã vạch cho thiết bị đọc mã vạch. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của doanh nghiệp khi áp dụng MSMV là quản lý mã mặt hàng của mình theo nguyên tắc mỗi mã số tương ứng với một loại sản phẩm duy nhất, không được nhầm lẫn.
Thường thì người tiêu dùng mua hàng ít quan tâm đến MSMV, chỉ tập trung xem xét về giá, chất lượng sản phẩm. Với những đồ dùng, vật dụng nhỏ nếu không thấy nghi ngờ về chất lượng sản phẩm thì họ không chú ý tới điểm đó. Với những đồ dùng đắt tiền có thời gian sử dụng lâu dài, người ta mới bắt đầu chú ý về MSMV để nhận biết hàng thật, hàng giả.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia thương mại, khi mua bán hàng hóa chúng ta cần xem MSMV để biết nước sản xuất hàng hóa, quốc gia, từ đó dễ dàng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Thí dụ để kiểm tra mã vạch sản phẩm hàng hóa của Việt Nam là: 893. Để nhận biết mã hàng hóa có là mã nước nào, sản xuất ở đâu, cách đơn giản là xem bảng danh sách ký mã hiệu mã vạch các nước trên thế giới, các nước đã đăng ký vào hệ thống GS1 quốc tế, giúp người tiêu dùng cách nhận biết, phân biệt hàng hóa các nước qua ký hiệu MSMV tránh gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái.
Thuận lợi và khó khăn khi áp dụng
Việt Nam mới bắt đầu đưa công nghệ MSMV vào áp dụng từ năm 1995 đến nay, phần lớn phục vụ cho hàng xuất khẩu và để phục vụ cho bán lẻ tại các siêu thị và cửa hàng tự chọn. Từ chỗ lúc đầu chỉ có hơn 40 doanh nghiệp sử dụng MSMV, đến nay đã có hàng vạn mặt hàng mang mã số 893 của quốc gia Việt Nam đang lưu thông trên thị trường trong và ngoài nước. Kinh tế mở cửa hội nhập giúp các doanh nghiệp Việt hiện có thể tiếp cận với những tiến bộ về mã vạch trên thế giới. Việc học hỏi theo những tập đoàn lớn về ứng dụng mã vạch đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam rút ngắn khoảng cách về cạnh tranh. Không những thế, hội nhập còn thúc đẩy quá trình “mã vạch hóa” trong doanh nghiệp bởi đó là tính tất yếu trong thời đại hiện nay nếu doanh nghiệp muốn tồn tại. Mã vạch giúp giảm chi phí quản lý, hệ thống hóa thông tin trong doanh nghiệp, phục vụ khách hàng chính xác và nhanh nhất từ đó nâng cao tính cạnh tranh.
Việc ứng dụng mã vạch hiện nay ở nước ta tuy có phát triển, nhưng sự đồng bộ hóa trong kinh doanh, sản xuất ở các doanh nghiệp chưa cao nên chưa sử dụng hết những ứng dụng của mã vạch. Việc ứng dụng công nghệ MSMV mới chỉ dừng ở việc cấp mã số doanh nghiệp, hướng dẫn doanh nghiệp in ấn số mã vạch trên sản phẩm, hàng hóa để phục vụ bán hàng, chưa triển khai ứng dụng các loại MSMV trên các đơn vị giao nhận, vận chuyển, trong trao đổi dữ liệu điện tử (EDI - Electronic Data Interchange) và phân định các bên đối tác trong giao dịch sản xuất, kinh doanh. Số lượng các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ MSMV chiếm tỷ lệ thấp, số lượng hàng hóa của Việt Nam sử dụng MSMV chưa nhiều.
Việc triển khai ứng dụng rộng rãi MSMV trong lĩnh vực khác như các ngành dịch vụ và văn hóa xã hội... chậm, chưa có nhiều hiệu quả. Thậm chí, do ứng dụng đôi khi tự phát, tản mạn, chưa có sự hướng dẫn về công nghệ và kỹ thuật của cơ quan quản lý nhà nước nên các doanh nghiệp đã nhập phải các thiết bị in đọc và phần mềm MSMV lạc hậu so với các tiêu chuẩn quốc tế hiện hành. Mặt khác, hoạt động MSMV chưa được quản lý thống nhất, việc làm giả MSMV vẫn còn diễn ra dưới các hình thức như: tự ý lấy MSMV của một doanh nghiệp khác để in lên sản phẩm của mình, hay tự nghĩ ra một MSMV và in trên sản phẩm lưu hành trên thị trường...
Cần thúc đẩy sử dụng
Theo các chuyên gia, cần sử dụng rộng rãi công nghệ mã vạch trong các lĩnh vực cần thiết của đời sống từ đó sẽ tăng số lượng các doanh nghiệp sử dụng mã vạch, giúp tăng tốc độ xử lý hàng hóa và hiệu quả trong kinh doanh. Nghiên cứu và triển khai ứng dụng rộng rãi MSMV trong lĩnh vực khác của nền kinh tế quốc dân cũng như các ngành dịch vụ và văn hóa xã hội; Cập nhật liên tục các công nghệ nhận dạng mã vạch; Quản lý thống nhất hệ thống mã vạch giúp hàng hóa được phân loại tốt hơn và xác định chính xác sản phẩm là những đòi hỏi từ thực tiễn.
Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ MSMV, cần nghiên cứu triển khai áp dụng các công nghệ và mã tiêu chuẩn mới mà thế giới đang áp dụng như công nghệ nhận dạng bằng tần số radio trong chuỗi cung ứng toàn cầu; Phổ biến áp dụng Mã điện tử sản phẩm phục vụ cho công nghệ RFID; Phổ biến áp dụng các loại mã số và mã vạch mới được tiêu chuẩn hóa và chấp nhận quốc tế. Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam; Cập nhật và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp sử dụng mã vạch, bằng tiếng Anh và tiếng Việt.
Hàng loạt biện pháp khả thi cũng cần sớm được triển khai như tham gia mạng Đăng ký thông tin toàn cầu của GS1 - mạng GEPIR Global; Nghiên cứu triển khai thiết lập Catalog điện tử sản phẩm sử dụng mã vạch; Hỗ trợ các doanh nghiệp của Việt Nam chuẩn bị điều kiện đăng ký tham gia các mạng toàn cầu - GR (Global Registry); GDSN (Global Data Synchronization Network); EPC Global. Thúc đẩy và giúp các bộ ngành trong hoạt động ứng dụng MSMV. Đặc biệt, các lĩnh vực như quản lý nhân sự (quản lý công chức, thẻ chứng minh nhân dân...), truy tìm nguồn gốc thực phẩm (bao gồm cả thuỷ sản và rau sạch), trong ngành y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng... rất cần được khuyến khích, tăng cường ứng dụng MSMV.
MSMV đã ngày càng trở nên thông dụng với người dân Việt Nam. Tuy nhiên để theo kịp với thời đại, với xu hướng hội nhập công nghệ của toàn thế giới, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng MSMV cho toàn bộ doanh nghiệp trên cả nước, dần thay đổi thói quen mua sắm của người dân từ thành thị đến các vùng nông thôn, thông qua những chính sách hỗ trợ hợp lý, đồng thời có biện pháp hữu hiệu loại bỏ việc làm giả MSMV.
Ngày 1/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong đó, Nghị định quy định cụ thể mức phạt tiền đối với vi phạm quy định về sử dụng MSMV. Cụ thể, phạt tiền từ 6-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng MSMV có đầu mã Quốc gia Việt Nam (893) mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp quyền sử dụng MSMV; sử dụng MSMV đã bị thu hồi; bán, chuyển nhượng MSMV đã được cấp.
Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng MSMV nước ngoài để in trên sản phẩm, hàng hóa sản xuất, gia công, bao gói, sang chiết tại Việt Nam mà chưa được cơ quan nước ngoài có thẩm quyền hoặc tổ chức sở hữu MSMV đó cho phép bằng văn bản; sử dụng các dấu hiệu gây nhầm lẫn với MSMV của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và Tổ chức MSMV quốc tế...
Theo khuyến cáo của các chuyên gia thương mại, khi mua bán hàng hóa chúng ta cần xem MSMV để biết nước sản xuất hàng hóa, quốc gia, từ đó dễ dàng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.