Chống buôn lậu dịp cuối năm: "Nóng" trên mọi cung đường

Theo Nguyễn Mai/congthuong.vn

Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa đang có chiều hướng "tăng nhiệt" trên các tuyến đường hàng không quốc tế, đường bộ và đường biển. Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) đã và đang triển khai phương án đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cuối năm.

Trong quý III/2019, các lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 149.502 vụ vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nguồn: Internet.
Trong quý III/2019, các lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 149.502 vụ vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nguồn: Internet.

Buôn lậu gia tăng

Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại từ đầu năm đến nay diễn biến khó lường. Các đối tượng thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động, phương thức ngày càng tinh vi, diễn ra trên tất cả các tuyến đường hàng không, đường bộ và đường biển.

Điển hình là các vụ việc vận chuyển trái phép mặt hàng pháo trên địa bàn các tỉnh biên giới phía bắc giáp Trung Quốc. Đơn cử, tháng 9 vừa qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh (Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn) và các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ một xe container chở 15 tấn pháo từ Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh được ngụy trang dưới dạng các bao chứa hành tây.

Chủ động triển khai các giải pháp chống buôn lậu
Chủ động triển khai các giải pháp chống buôn lậu
 

Trên tuyến đường biển, lợi dụng hình thức khai hải quan điện tử một số doanh nghiệp cố ý khai sai tên hàng nhằm trốn thuế xuất khẩu. Như vụ việc tại cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh vào tháng 8/2019, các đơn vị nghiệp vụ tiến hành khám xét 5 container, trọng lượng hơn 100 tấn hàng xuất khẩu của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và phát triển Đức Minh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Doanh nghiệp khai báo xuất khẩu chậu gốm đi Hàn Quốc thuế 0%, trên thực tế là nhôm phế liệu, có thuế suất là 25%.

Gần đây nhất, cuối tháng 10, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan) và Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp kiểm tra, bắt giữ 3 valy hành lý có chứa hơn 1.000 điếu xì gà COHIBA các loại nhập cảnh từ Cu Ba về sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Quyết liệt đấu tranh

Ban chỉ đạo 389 dự báo trong những tháng cuối năm, nhu cầu hàng hóa ngày càng tăng sẽ tác động trực tiếp đến sự biến động của giá cả và cung cầu dẫn đến hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa có chiều hướng gia tăng. Thực trạng lợi dụng thương mại điện tử để bán hàng giả, hàng nhái, thậm chí hàng quốc cấm từ trang mạng trong và ngoài nước đã đến mức đáng lo ngại.

Để công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm 2019 đạt hiệu quả cao, Ban chỉ đạo 389 đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai các giải pháp, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Tập trung vào các mặt hàng trọng điểm như pháo các loại, các mặt hàng thực phẩm chức năng, rượu, mỹ phẩm... Cần có giải pháp triển khai đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng như Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường, Công an; kết hợp đồng bộ giữa các lực lượng ngoài biên giới với các lực lượng trong nội địa.

Trong nội địa cần tập trung đấu tranh quyết liệt đối với việc khai thác trái phép, xuất khẩu các mặt hàng khoáng sản. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các kho bãi, địa điểm chứa hàng hóa nghi vấn có dấu hiệu buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 389, chỉ tính trong quý III/2019, các lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 149.502 vụ vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, số vụ việc khởi tố tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2018.