Màu của vàng năm 2015
(Taichinh) - Trước sự hồi phục của đồng USD và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm tăng lãi suất, một số ý kiến cho rằng, vàng sẽ xuất hiện một đợt xuống giá. Tuy nhiên, xét trên các yếu tố dài hạn, bỏ vốn vào vàng vẫn luôn được xem là an toàn, với khả năng sinh lời hợp lý.
Xuyên thủng mức nào?
Sức khỏe đồng USD được hỗ trợ khi kinh tế Mỹ tiếp tục phát đi tín hiệu tích cực từ thị truờng việc làm, lĩnh vực dịch vụ, nhưng lại tác động tiêu cực lên giá vàng. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ được dự báo giảm, trong khi đó với xu hướng Fed có thể sớm tăng lãi suất thì khả năng sẽ có một đợt xuống giá của giá hàng hóa, nhưng sau đó sẽ điều chỉnh tăng lên để các nhà đầu tư cắt lỗ và chốt lời. Đối với mặt hàng vàng cũng sẽ có một đợt giảm và sau đó dần hồi phục. Tuy nhiên, trước diễn biến của thị trường hiện nay, nếu vàng có hồi phục thì khả năng cũng không tăng giá nhiều như các đợt “sóng” lớn trước đây.
Trở lại diễn biến thị trường, sự hồi phục của đồng USD cùng với giá dầu đi xuống đã tác động tiêu cực lên thị trường vàng. Giá vàng liên tục giảm trong những ngày đầu năm và đang nằm ở vùng giá khá thấp, xoay quanh 1.200 USD/ounce. Sở dĩ vàng giảm mạnh gần đây là do chỉ số dollar index tăng lên rất cao, gần 90 điểm, trong khi đó các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ tương ứng như Euro và đồng yen Nhật đã mất giá so với đồng USD.
Mặt khác, trong bối cảnh tình hình kinh tế Mỹ khá khả quan, dự kiến Fed sẽ nâng lãi suất cơ bản đồng USD vào quý II/2015. Nếu điều này xảy ra thì sức khỏe của đồng USD sẽ càng tốt hơn. Như vậy, dòng chảy của 4.000 tỷ USD trên toàn thế giới sẽ đổ về Mỹ. Lúc này, các nhà đầu tư, đầu cơ sẽ bán tháo vàng để mua USD. Chính các yếu tố này sẽ khiến giá vàng dự báo còn giảm thêm trong thời gian tới khi sức khỏe đồng USD hồi phục.
Hiện vàng vẫn trong xu hướng giảm, có nhiều ý kiến nói rằng, vàng sẽ giảm xuống ngưỡng 1.000 USD/ounce. Tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc khá lớn vào cung - cầu thị trường. Vì thực tế, trong thời gian qua dù giá vàng đã có chuỗi giảm giá nhiều ngày, nhưng vẫn không thể xuống ngưỡng 1.100 USD/ounce. Vì thế, để xuyên thủng 1.000 USD/ounce là rất khó. Bởi hiện mức 1.100 USD/ounce là ngưỡng cản tâm lý.
Nếu xuyên thủng mức này, cũng cần phải xem xét lại Fed đã nâng lãi suất hay chưa. Giả sử nếu vàng xuống dưới mức 1.100 USD/ounce mà Fed chưa điều chỉnh lãi suất thì khả năng kim loại quý sẽ giảm nữa là có thể xảy ra. Nhưng nếu Fed đã giảm lãi suất trước khi vàng xuyên thủng 1.100 USD/ounce thì khả năng tiếp tục đi xuống mạnh là rất khó.
Có không ít ý kiến cho rằng, giá vốn sản xuất của các mỏ vàng hiện nay là 1.100 - 1.150 USD/ounce nên giá bán không thể thấp hơn mức này. Nhưng theo quan sát thực tế của người viết thì điều đó chưa hoàn toàn chính xác.
Năm 1999, giá vàng đã xuống dưới mức 350 USD/ounce, cho dù trong thời điểm này, nhiều người vẫn khẳng định, giá khó có thể xuyên thủng đáy trên, bởi giá thành đã trên 350 USD/ounce. Vì thế, chúng ta cũng không thể căn cứ giá thành bao nhiêu để dự đoán giá vàng sẽ không thể xuyên thủng mức đó, mà còn phải xét đến nhiều yếu tố khác, trong đó có sức khỏe của đồng USD, giá dầu…
Ngoài sức khỏe đồng USD hồi phục, có một yếu tố tương quan tác động đến giá vàng mà ít thấy các nhà phân tích để ý, đó chính là giá vàng giảm cùng xu hướng với việc giá dầu đi xuống. Giá vàng và giá dầu luôn là “cặp bài trùng” trong cơ cấu danh mục của nhà đầu tư, đầu cơ vàng. Tính ra vàng và dầu cũng là sản phẩm hàng hóa nên nhà đầu tư có thể hoán đổi trong cơ cấu danh mục đầu tư của mình.
Trên thực tế, từ giữa năm 2014 đến nay, trong tác động giảm giá của vàng cần phải thấy rằng, có yếu tố song hành là giá dầu thế giới giảm. Khi giá dầu giảm, đồng USD sẽ dần mạnh lên. Dầu được định giá bằng đồng USD. Vì thế, ngoài yếu tố kinh tế Mỹ ấm dần, nếu giá dầu giảm sẽ làm cho đồng USD càng mạnh hơn, kéo theo xu hướng Fed tái tăng lãi suất. Do đó, trong yếu tố tương quan gián tiếp khi giá dầu giảm, đồng USD mạnh sẽ làm cho giá vàng mất sự hỗ trợ.
Tuy nhiên, để dự đoán vàng sẽ giảm tới đâu và khả năng có xuyên thủng “đáy” 1.000 USD/ounce hay không hiện chưa có cơ sở, mà còn tùy theo cơ cấu danh mục của giới đầu cơ, đầu tư tài chính. Có thể trong xu hướng giảm của giá vàng cũng không loại trừ những con sóng xảy ra, vàng tái tăng. Chẳng hạn, vàng tăng về kỹ thuật hoặc tăng khi cơ cấu danh mục đầu tư của nhà đầu tư thay đổi, song mức tăng không cao và trong biên độ hẹp.
Độ vênh vẫn lớn
Tuy giá vàng thế giới đang trên đà giảm, kéo theo giá trong nước đi xuống, nhưng tốc độ giảm của giá vàng trong nước vẫn chậm hơn so với giá thế giới. Vì thế, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện vẫn ở biên độ rộng, khoảng 4,5 - 5 triệu đồng/lượng, thậm chí có lúc cao hơn. Độ vênh của giá vàng trong nước và quốc tế sẽ dao động ở mức nào trong thời gian tới cũng rất khó đoán, nhưng khả năng sẽ còn khá cao vì lượng cung vàng trên thị trường nội địa hiện không còn dồi dào như trước. Vàng SJC bị ảnh hưởng bởi độc quyền nguồn cung từ NHNN kể từ khi Nghị định 24 ra đời từ năm 2012 đến nay.
Có thể nhận định, độ vênh 5 triệu đồng/lượng giữa giá vàng thế giới và trong nước được xem là một trong những chủ ý của nhà hoạch định chính sách, điều hành thị trường làm cho giới đầu cơ, đầu tư trên thị trường chán vàng, quên vàng để không còn muốn tích trữ vàng SJC.
Mãi lực vàng trong nước vẫn có, nhất là khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm xuống thấp, các kênh đầu tư khác chưa thực sự ấm trở lại. Đồng thời, nhu cầu của người dân Việt Nam đối với mặt hàng kim loại này luôn hiện hữu, thậm chí còn ở mức cao. Tuy nhiên, do hiện nay chênh lệch giữa giá vàng trong nươc và thế giới quá lớn, đến 5 triệu đồng/lượng, thậm chí có nhiều thời điểm còn “vênh” cao hơn đã khiến cho những người có nhu cầu về vàng “chùn” tay.
Nếu tính theo giá thế giới thì vàng SJC hiện chỉ khoảng 31 - 32 triệu đồng/lượng và về lý thuyết, nếu vàng nội địa giảm giá đến mức này thì lực cầu sẽ rất lớn. Vì nếu mua vàng với giá này, các nhà đầu tư, đầu cơ đã mua vàng ở vùng giá 38 - 40 triệu đồng/lượng trước đây sẽ mua vào để bình quân giá về 34 - 35 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, hiện giá vàng trong nước cao hơn thế giới đến 5 triệu đồng/lượng và mua vàng lúc này khó đoán được chính sách điều hành thị trường vàng của NHNN thời gian tới sẽ ra sao, đồng thời vàng thế giới vẫn trong xu hướng giảm, nên các đối tượng này sẽ cân nhắc kỹ.
Người dân có nhu cầu vàng tích trữ cũng không nhất thiết phải mua vàng miếng mà có thể kiếm vàng nhẫn của thương hiệu uy tín để sau này khi bán cũng không “vênh” quá nhiều như vàng miếng hiện nay, nhằm tránh thiệt hại.
Có nên bỏ vốn vào vàng?
Với độ vênh của giá vàng trong nước và quốc tế cùng với chính sách điều hành thị trường vàng còn có thể thay đổi, mua vàng lúc này còn những rủi ro. Nhưng nếu đầu tư vào ngoại tệ cũng không hẳn là giải pháp tốt, vì tỷ giá nếu tăng cũng chỉ thêm 1% trong năm nay, trong khi lãi suất tiết kiệm ngoại tệ hiện chỉ còn 0,5 - 1%/năm.
Còn đối với kênh gửi tiết kiệm tiền đồng, so với trước, hiện lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã giảm khá sâu. Có thể so với các nước trên thế giới, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm của Việt Nam vẫn khá cao, nhưng với người dân trong nước thì mức 5 - 6%/năm là thấp so với suy nghĩ của họ.
Nếu cân đối với chỉ số CPI hiện nay thì người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất thực dương. Tuy nhiên, với mức thực dương nhỏ cũng khó làm hài lòng người gửi tiền của Việt Nam, vì họ đã quen sống với một môi trường có chỉ số lạm phát cao lâu nay, nên việc gửi tiền tiết kiệm để lấy một mức lãi suất thấp vẫn chưa nằm trong tiềm thức của người dân. Vì vậy, kênh tiết kiệm ngân hàng được nhận định sẽ không hấp dẫn người có tiền nhàn rỗi trong thời gian tới.
Trong khi đó, bất động sản, chứng khoán dù đã giảm xuống mức khá thấp, nhưng thị trường vẫn chưa thể kỳ vọng sớm sôi động trở lại. Riêng với kênh đầu tư chứng khoán rủi ro vẫn rình rập, nhất là trước sức ép đồng USD tăng trở lại, khối ngoại bán ròng để rút tiền về.
So với kênh gửi tiết kiệm thì rõ ràng chứng khoán, bất động sản có độ rủi ro cao hơn, nhưng được bù lại lợi nhuận kỳ vọng cũng cao hơn. Tuy nhiên, các khoản đầu tư vào vàng luôn dễ dàng tất toán mà không gặp rủi ro thanh khoản như bất động sản hay chứng khoán.
Đồng thời, mãi lực vàng trong nước hiện nay vẫn rất lớn. Nhu cầu thực không chỉ của người dân mà của các nhà đầu tư, đầu cơ trên thị trường luôn có. Bởi vàng luôn được xem là tài sản đảm bảo an toàn.
Theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới, mức tiêu thụ vàng của Việt Nam trong năm qua là 70 tấn. Dù khó có thể khẳng định con số này đúng hay sai, nhưng trên thực tế, một khi thị trường vàng cấm xuất, nhập khẩu và chênh lệch giá vàng nội địa - quốc tế ở mức cao, cần tính đến một lượng vàng không nhỏ được nhập lậu về Việt Nam.
Trong xu hướng giảm giá hiện tại của vàng, không ít người cho rằng sẽ là cơ hội để mua thêm. Tuy nhiên, để có thể hạn chế rủi ro trong bối cảnh hiện nay khi các kênh đầu tư vẫn chưa hồi phục rõ nét, những người có tiền nhàn rỗi có thể đầu tư một ít vào trái phiếu chính phủ thông qua các quỹ đầu tư, đầu tư một ít vào vàng, ngoại tệ, gửi tiết kiệm hoặc có thể đầu tư vào một ít cổ phiếu của những công ty có yếu tố cơ bản tốt để chờ đợi thị trường hồi phục. Tóm lại, trước xu hướng còn chưa rõ ràng của các kênh đầu tư, không nên bỏ “trứng” vào một “rổ” có thể là hướng đi hợp lý lúc này.