Mệnh lệnh tái cơ cấu

THANH VÂN

(Tài chính) “Tái cơ cấu DNNN là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần khẩn trương và kiên quyết hoàn thành…” là mệnh lệnh được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng quán triệt tại Hội nghị giao ban tái cơ cấu DNNN.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kết quả ấn tượng…

Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, trong 10 tháng đầu năm 2014, cả nước đã sắp xếp lại được 119 DNNN, trong đó cổ phần hóa 100 DN; đã thoái vốn được trên 3,5 nghìn tỷ đồng, cao gấp hơn 3,6 lần so với năm 2013. Điểm sáng được ghi nhận là trong số các DN được CPH hầu hết có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực. Điển hình như: Tập đoàn Dệt may, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và 19 tổng công ty nhà nước thuộc bộ, địa phương.

Trong số 432 DN nằm trong kế hoạch CPH năm 2014 – 2015, hiện đã có 348 DN thành lập Ban chỉ đạo, đã có 257 DNNN đang xác định giá trị, trong đó 136 DN đã được công bố giá trị DN và trong thời gian tới có khoảng 150 DN sẽ được phê duyệt và tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).

Bên cạnh đó, công tác thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng được đẩy mạnh thực hiện. Theo đó, 10 tháng đầu năm 2014, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái vốn đầu tư ngoài ngành ước đạt 2.415 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với thực hiện năm 2013 (965.459 triệu đồng). Tuy nhiên, kết quả này mới chỉ đạt khoảng 10,7% tổng vốn cần thoái. Từ nay đến hết năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ phải thoái trên 20 nghìn tỷ đồng.

Kiên quyết hoàn thành

Mặc dù đã đạt được những kết quả ấn tượng trong những tháng đầu năm 2014, nhưng so với mục tiêu Chính phủ đề ra thì nhiệm vụ cổ phần hóa từ nay đến năm 2015 là hết sức nặng nề. Mới đây, tại “Hội nghị giao ban tái cơ cấu DNNN” Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng quán triệt “Tái cơ cấu DNNN là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần khẩn trương và kiên quyết hoàn thành…”. Đây cũng là mệnh lệnh được truyền đến các bộ, ngành, lãnh đạo DNNN trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2015.

Để hoàn thành nhiệm vụ trên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa tác động đến các bộ, ngành, địa phương vào cuộc tái cơ cấu DN với tinh thần, trách nhiệm cao. Cùng với đó, cần tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chủ sở hữu, từ đó tránh dựa dẫm, ỷ lại, xin cho của các DN, địa phương; Nâng cao tính công khai, minh bạch của hoạt động DN cùng với việc đổi mới quản trị DN, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Có thể nói, nhìn nhận dưới giác độ nào thì nguyên nhân chậm trễ CPH đềt là sự giằng co về lợi ích. Muốn giải quyết được vấn đề này, cần quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn từ người đứng đầu bộ, ngành, địa phương đến DN, nếu để chậm trễ CPH thuộc ngành mình thì mạnh tay xử lý. Mặt khác, cũng phải thay đổi mục tiêu của CPH không thể đơn thuần chỉ là đổi tên gọi DNNN, điều quan trọng là nâng cao hiệu quả nguồn vốn nhà nướ và kết quả kinh doanh của DN.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 12-2014