Minh bạch để nâng cao trách nhiệm giải trình
Theo kinh nghiệm quốc tế, nền tảng quan trọng của các cơ chế giải trình trách nhiệm là việc công khai kịp thời và toàn diện thông tin về chương trình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Trong đó, người dân có thể tham gia trực tiếp vào thiết kế dự án PPP, thông qua quy trình tham vấn và theo dõi chất lượng dịch vụ bằng cách cung cấp các kênh phản hồi.
Nhiều hình thức công khai thông tin
Nhiều nước trên thế giới chú trọng tạo cơ chế để cơ quan lập pháp, cơ quan kiểm toán và người dân có thể tham gia vào quá trình PPP, từ đó tăng cường trách nhiệm giải trình và làm cho chương trình PPP có tính tham gia, minh bạch và hợp pháp hơn.
Nhiều chính phủ công khai dự án PPP hoặc thông tin theo hợp đồng một cách chủ động, tức là đăng thông tin này trên các phương tiện công cộng mà không cần nhận được yêu cầu cụ thể của người dân, để mọi người có thể tiếp cận một cách tự do. Nhiều quốc gia thực hiện công khai chủ động các hợp đồng dự án PPP theo luật minh bạch, luật về quyền tự do thông tin hoặc luật PPP. Mức độ công bố thông tin ở các quốc gia này khác nhau. Ví dụ Chile và Peru công khai hợp đồng đầy đủ. Vương quốc Anh đồng bộ hóa các hợp đồng PPP trước khi cung cấp cho công chúng để bảo vệ thông tin nhạy cảm về thương mại.
Cũng có một số quốc gia, như Nam Phi, công khai thông tin dự án PPP một cách phản ứng - nghĩa là chỉ cung cấp thông tin khi có yêu cầu cụ thể và thủ tục đưa ra yêu cầu được luật hóa.
Sẽ luật hóa trách nhiệm công khai thông tin
Đối với Việt Nam, các chính sách được ban hành thời gian qua đã không ngừng nỗ lực cải thiện, nâng cấp nhằm mục tiêu tối đa hóa tính công khai, minh bạch thông tin. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề phát sinh trong thực thi chính sách để đảm bảo công khai, minh bạch một cách thực chất.
Cụ thể, Nghị định 108/2009/NĐ-CP (NĐ 108) quy định phải công bố danh mục dự án, trường hợp chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án thì được phép áp dụng hình thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, ở bước này, thông tin về dự án chưa thực sự đầy đủ, dẫn đến tuy công khai rộng rãi nhưng các nhà đầu tư, nếu không phải là nhà đầu tư lập đề xuất dự án, sẽ không có đủ thông tin để tham gia. Từ đó, xuất hiện thực trạng hình thức chỉ định thầu được áp dụng phổ biến đối với các dự án BOT, BT giai đoạn 2011 - 2015.
Trong quá trình xây dựng Luật Đấu thầu năm 2013, Nghị định 15/2015/NĐ-CP (NĐ 15) và Nghị định 30/2015/NĐ-CP (NĐ 30), cơ quan chủ trì soạn thảo đã điều chỉnh quy định theo hướng: sau khi công bố dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tổ chức sơ tuyển năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư; trường hợp chỉ có 1 nhà đầu tư đáp ứng năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án thì mới được áp dụng hình thức chỉ định thầu. Quy định này phần nào đã nâng cao tính công khai đối với thông tin dự án PPP, đặc biệt là đảm bảo nhà đầu tư được lựa chọn đã đáp ứng các điều kiện về năng lực, kinh nghiệm trong bối cảnh cạnh tranh với các nhà đầu tư khác.
Tuy nhiên, theo thống kê của phóng viên Báo Đấu thầu, đa số các dự án được tổ chức sơ tuyển nhà đầu tư theo đúng quy định, nhưng chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng năng lực kinh nghiệm thực hiện dự án, trúng sơ tuyển và sau đó dự án vẫn được chỉ định thầu lựa chọn nhà đầu tư. Sự tham gia rất hạn chế của các nhà đầu tư vào quá trình sơ tuyển có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan từ khâu tổ chức thực hiện.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), để tiếp tục nâng cao tính công khai, minh bạch thông tin dự án PPP, khắc phục thực trạng nêu trên, dự thảo Nghị định thay thế NĐ 30 bổ sung quy định về việc nộp hồ sơ dự sơ tuyển thông qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo lộ trình theo hướng dẫn của Bộ KH&ĐT. Quy định này sẽ là nền tảng đầu tiên trong việc ứng dụng đấu thầu qua mạng đối với cả quy trình lựa chọn nhà đầu tư.
Thực tế, định hướng ứng dụng đấu thầu qua mạng đối với lựa chọn nhà đầu tư đã được quy định tại Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13. Bộ KH&ĐT cho biết, Luật PPP định hướng không thay đổi quy định hiện hành, nhưng sẽ thay đổi cách thức tổ chức thực thi, trong đó đẩy nhanh lộ trình áp dụng đối với việc lựa chọn nhà đầu tư qua mạng. Đồng thời, Luật PPP sẽ quy định nội dung để đảm bảo tính đồng bộ, kết nối thông tin thông suốt. Các thông tin về dự án nằm ngoài giai đoạn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư như đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi, hợp đồng dự án, báo cáo giám sát tình hình thức hiện dự án... cũng cần phải được đồng bộ trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư thay thế NĐ 15 cũng đã bổ sung quy định về việc công khai thông tin hợp đồng dự án để minh bạch thông tin dự án cũng như đẩy mạnh công tác phối hợp, giám sát từ cộng đồng người dân và xã hội. Tuy nhiên, vẫn cần phải có công cụ hỗ trợ để các cơ quan có trách nhiệm công khai thông tin.
Theo Bộ KH&ĐT, biện pháp tốt nhất là thể chế quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc tổng hợp và báo cáo định kỳ về số liệu dự án PPP; trách nhiệm của cơ quan đầu mối tổng hợp số liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về PPP tại Luật PPP. Theo đó, đề cương dự thảo Luật PPP dự kiến sẽ có quy định về các thông tin bắt buộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư phải công khai trong quá trình thực hiện dự án, trong đó bao gồm tối thiểu các thông tin về: danh mục dự án, thông tin trong quá trình đấu thầu, một số nội dung cơ bản của hợp đồng, báo cáo định kỳ về tiến độ triển khai dự án, báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán dự án...